Vì sao quốc hữu hóa không còn được ưa chuộng ở Vương quốc Anh?

Re-worked Old'un 9 - 34095 Wimbledon. Photo courtesy Barry Lewis.

Sau gần nửa thế kỉ trầm lắng, quốc hữu hóa dường như đang quay trở lại ở Vương quốc Anh. Vài tuần sau khi được bầu làm lãnh đạo của đảng Lao động, ông Jeremy Corbyn công bố chính sách chính thức đầu tiên: tái quốc hữu hóa mạng lưới đường sắt. Trong khi chính sách này được công chúng ủng hộ, các nhà hoạch định chính sách lại ủng hộ tư nhân hóa hơn quốc hữu hóa trong hơn bốn thập kỉ qua. Trong những năm 1970, các ngành công nghiệp tổng cộng đóng góp hơn 10% GDP đều nằm trong tay nhà nước, từ dịch vụ công cho tới phân phối sữa. Tuy nhiên, dưới thời thủ tướng Edward Heath và Margaret Thatcher, Vương quốc Anh đã đi đầu trong việc chuyển các doanh nghiệp nhà nước sang khu vực tư nhân. Trong những năm 1990 và 2000, đảng Lao động tiếp tục chủ trương của bà Thatcher, bán cổ phần trong hệ thống kiểm soát không lưu và ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân của Vương quốc Anh, thậm chí cố gắng làm điều tương tự với Royal Mint – xưởng đúc tiền của Hoàng gia. Ngày 25 tháng 11, Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh George Osborne cho biết ông sẽ mở rộng chương trình bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước này với quy mô còn lớn hơn so với những năm 1980. Vì sao quốc hữu hóa vẫn không được ủng hộ?

Trong thế kỉ 19, những người ủng hộ quốc hữu hóa cho rằng nó làm tăng hiệu quả kinh tế. Lập luận cho rằng sở hữu nhà nước đem lại lợi ích cho người tiêu dùng bằng việc đảm bảo rằng các công ty có đủ vốn đầu tư và lợi nhuận của các công ty này được chuyển cho người tiêu dùng thông qua giá cả thấp hơn. Một công ty lớn duy nhất sẽ gia tăng năng suất thông qua khai thác lợi thế kinh tế nhờ quy mô mà nhiều công ty tư nhân nhỏ không có được. Trong thế kỉ XIX, thậm chí tờ Economist còn ủng hộ việc đưa hệ thống điện báo và bưu điện của Vương quốc Anh vào tay nhà nước. Vì thế, nhà nước bắt đầu tham gia vào nhiều lĩnh vực hơn trong nền kinh tế. Cuối thế kỉ XIX, các công ty dịch vụ công ở Vương quốc Anh đều được chính quyền địa phương mua lại. Trong thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Đảng Bảo thủ cũng tham gia vào quá trình đó và đã quốc hữu hóa đài BBC, mạng lưới phân phối điện và công ty Tàu điện ngầm London. Sau Thế chiến II, chính phủ của Đảng Lao động tiếp tục vung tay mua sắm, từ các mỏ than cho tới hệ thống đường sắt và các đại lí du lịch.

Quốc hữu hóa hệ thống bưu điện và mạng điện báo đã mang lại những cải thiện quan trọng về hiệu quả, nhưng trong thế kỉ XX, quốc hữu hóa không còn thành công như vậy nữa. Điều này một phần là do sự phát triển của các tổ chức công đoàn và các động thái hướng tới một hệ thống chính trị hoàn toàn dân chủ. Trong thế kỉ XIX, các công ty sau khi được quốc hữu hóa được những giới chức mang tư tưởng kĩ trị quản lý, nhưng tới thế kỉ XX, các chính trị gia để mắt tới bầu cử và bắt đầu động đến các công ty này. Bất kì khi nào các chính trị gia cần cắt giảm thuế để thắng cử, họ thường cắt giảm đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp này cũng thoải mái thổi phồng danh sách người hưởng lương và giúp chính phủ đạt được một nền kinh tế toàn dụng nhân công, và được bảo vệ bởi hệ thống thuế quan và độc quyền được dựng lên để bảo vệ chúng không phải cạnh tranh. Công đoàn bắt đầu yêu cầu tăng lương quá mức và phản đối những cải tiến hiệu quả, vì biết rằng nhà nước là chủ sở hữu sẽ luôn sẵn sàng chi tiền để tránh ồn ào rắc rối trong thời gian bầu cử.

Hậu quả nguy hại nhất của việc làm này là làm chậm sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong thời kì hoàng kim của công cuộc quốc hữu hóa, giữa những năm 1940 và những năm 1970, nền kinh tế Vương quốc Anh tăng trưởng chậm hơn hầu hết các đối thủ chính của nó. Nghiên cứu gần đây đã cho thấy, kể từ những năm 1980, nền kinh tế Vương quốc Anh đã tăng trưởng nhanh hơn so với các đối thủ, chủ yếu là do những cải cách về phía cung như việc tư nhân hóa. Khi bị đẩy vào tình thế phải cạnh tranh, các doanh nghiệp nhà nước đã buộc phải đổi mới và trở nên hiệu quả hơn. Trong khi đó, tư nhân hóa cũng là một cách để thu nhỏ hoặc xóa bỏ những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả (các doanh nghiệp nhà nước thường cố kéo dài thời gian hoạt động ngắc ngoải). Do đó, tư nhân hóa đã giúp cho Vương quốc Anh có lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh của mình. Người dân bình thường cũng được hưởng lợi từ quá trình này. Kể từ khi tư nhân hóa được tiến hành vào những năm 1980, giá nhiên liệu trong nước đã giảm 30% theo giá trị thực. Điều này có lợi cho người nghèo, những người phải chi tiêu phần lớn thu nhập của mình vào nhiên liệu. Hiện nay, một số ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành đường sắt, vẫn cần nhiều sự cạnh tranh và cải cách hơn - song lịch sử kinh tế của thế kỉ trước cho thấy bất kì sự quay trở lại nào hướng tới những ngành công nghiệp quốc hữu hóa được nuông chiều cũng sẽ là một sai lầm.

Minh Thu
The Economist

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc