Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất như thế nào?

The Marriner S. Eccles Federal Reserve Board Building on Constitution Avenue in Washington D.C. Photo courtesy Josh.

Ngày 16 tháng 12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ-Fed có thể sẽ tăng mức lãi suất, vượt khỏi hành lang lãi suất 0-0,25% đã được duy trì suốt sáu năm qua. Lần cuối cùng Fed nâng lãi suất từ định mức nới rộng gần bằng 0 là vào năm 1947. Nhưng lần tăng lãi suất này khộng chỉ đơn thuần để chấm dứt mức lãi suất gần 0. Fed cũng sẽ sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ mới để điều chỉnh lãi suất. Vậy thì, Fed sẽ tăng lãi suất như thế nào?

Loại lãi suất Fed đang cố gắng điều chỉnh – “lãi suất liên bang” – là lãi suất mà các ngân hàng dùng để tính phí với nhau đối với các khoản vay qua đêm. Có các khoản vay này là do Fed yêu cầu các ngân hàng giữ một số tiền tối thiểu trong tài khoản của họ tại Fed mỗi đêm. Các ngân hàng có số dư tài khoản dồi dào sẽ cho các ngân hàng không đủ số dư theo quy định vay giúp họ đáp ứng yêu cầu của Fed. Trong quá khứ, Fed thực hiện việc điều chỉnh lãi suất của các khoản vay này thông qua mua và bán các khoản nợ chính phủ. Ví dụ, khi Fed bán một trái phiếu chính phủ cho một ngân hàng, họ trừ tài khoản của ngân hàng đó tại Fed (cũng giống như một ngân hàng có thể tính phí cho khách hàng của mình bằng trừ vào tài khoản hiện tại của họ). Điều đó làm cho tiền khan hiếm hơn, nhưng các ngân hàng vẫn phải đáp ứng số dư tối thiểu. Kết quả là, giá của các khoản vay qua đêm tăng lên - và cùng với nó là chi phí tín dụng cho nền kinh tế nói chung.

Nguyên tắc rất đơn giản: vì Fed kiểm soát nguồn cung của các khoản dự trữ, họ cũng có thể kiểm soát giá cả của chúng. Nhưng hiện Fed không thể sử dụng cơ chế này nữa. Đó là do từ năm 2008, theo chính sách nới lỏng định lượng, Fed đã mua 3.800 tỉ USD trái phiếu chính phủ và các loại chứng khoán khác để kích thích nền kinh tế. Khi làm vậy, Fed tạo ra một khối lượng tiền mới khổng lồ, vì thế, hiện nay các ngân hàng có nguồn dự trữ dồi dào. Để tăng lãi suất, Fed sẽ cần đảo ngược tất cả những vụ mua bán này -điều họ không muốn làm cho đến khi lãi suất cao hơn. Vậy thì, họ có thể làm gì? Hiện tại, Fed đang sử dụng hai công cụ để neo lãi suất ở mức giữa 0% và 0,25%. Một là lãi suất họ trả cho các khoản tiền mà ngân hàng gửi tại tài khoản của Fed nhiều hơn mức yêu cầu, được gọi là lãi suất dự trữ dư thừa (IOER). Không ngân hàng nào muốn cho vay ở mức thấp hơn so với IOER, do gửi tiền tại Fed ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, một số tổ chức phi ngân hàng (chẳng hạn như các quỹ thị trường tiền tệ) không có tài khoản tại Fed, sẵn sàng cho vay với mức lãi suất thấp hơn IOER. Vì vậy, IOER không phải là mức lãi suất sàn vững chắc. Trên thực tế, Fed hiện đang thiết lập mức trần ở 0,25%. Các quan chức Fed nói rằng, khi được tăng lên, mức trần này sẽ hoạt động như một "nam châm" và kéo lãi suất lên.

Công cụ thứ hai được gọi là thỏa thuận mua lại đảo ngược qua đêm. Công cụ này không hề phức tạp như tên gọi của nó; Fed bán chứng khoán cho nhà đầu tư và đồng ý mua lại chúng sau đó. Trên thực tế, Fed vay mượn từ các nhà đầu tư và đem những chứng khoán đó làm tài sản thế chấp. Điều này cũng tạo ra một mức lãi suất sàn; khiến các nhà đầu tư không muốn cho ngân hàng vay với lãi suất thấp hơn lãi suất của Fed - cơ quan được chính phủ hậu thuẫn. Điều quan trọng là các nhà đầu tư có thể tham gia thỏa thuận mua lại đảo ngược qua đêm cũng chính là những người có thể cắt giảm IOER. Khi Fed nâng cả cả hai loại lãi suất, IOER và lãi suất mua lại đảo ngược qua đêm, lãi suất liên bang cũng sẽ tăng. Liệu biện pháp này có hiệu quả? Từ tháng 9 năm 2013, Fed đã thử nghiệm những công cụ này và thu được kết quả khả quan. Lí thuyết cũng tỏ ra rất đáng tin cậy. Nhưng trước ngày 16 tháng 12, có lẽ không ai biết chắc chắn.

Minh Thu
The Economist


Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc