'Dũng cảm Hành động'

'Dũng cảm Hành động' của Ben Bernanke
by Michael Kinsley, ngày 8 tháng 10, năm 2015.

Cuốn hồi ký của Ben S. Bernanke, người kế nhiệm Alan Greenspan giữ chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, là cuốn sách cần phải đọc đối với bất kỳ ai muốn biết chính xác những gì đã xảy ra tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang ngày 05 tháng 8 năm 2008. Hay cả những gì đã xảy ra tại rất nhiều cuộc họp khác của Ủy ban Thị trường mở Liên bang trong thời gian từ năm 2006 tới năm 2014, những năm Bernanke làm Chủ tịch.

Tất nhiên, để đọc hết cuốn sách này có thể sẽ hơi vất vả, nhưng chắc chắn đây là cuốn sách hay nhất chúng ta từng có từ trước tới nay về cách thức chính phủ và các tổ chức tài chính ứng phó với những gì được biết đến là cuộc Tổng Suy trầm. Phải chăng đây là một thuật ngữ lạ? Nó khiến mọi người so sánh với cuộc Đại Suy thoái, đồng thời ngụ ý rằng:
"Gớm, nó chẳng lớn đến vậy. Và cũng chẳng là một cuộc suy thoái hay bất kỳ điều gì cả". Nhưng Bernanke đã rất thuyết phục khi lập luận rằng (a) nó rất lớn (tức là, khủng khiếp) và (b), ông và các đồng nghiệp của ông tại Fed xứng đáng được tôn vinh vì thực tế rằng nó đã không trở nên lớn hơn nữa rất nhiều.

Bernanke, trước đây là giáo sư kinh tế học tại Đại học Princeton, cũng yêu cầu và xứng đáng được tôn vinh vì chiến dịch hàng đầu của ông kêu gọi công khai hơn — hay như chúng ta giờ đây gọi là "minh bạch" — tại Fed, nơi khét tiếng là bí mật. Alan Greenspan ưa tạo dựng một bầu không khí huyền bí. Đối với Bernanke, trước khi ông từ nhiệm, vị chủ tịch Fed này đã tổ chức bốn cuộc họp báo mỗi năm. Chính tốc độ nghẹt thở khi Bernanke miêu tả diễn tiến cuộc suy thoái — bốn cuộc họp báo một năm! — vô tình chứng minh quan điểm của ông.

Do chính Bernanke tự kể lại câu chuyện nên có lẽ ông hơi quá khi tự nhận nhiều phần thưởng về mình. Có quá nhiều câu như, "Sau đó, nhóm an ninh và tôi đã đưa Larry Summers về khách sạn." Đồng thời, có quá ít câu có từ "Larry Summers", mà thường chắc chắn sẽ là những tranh cãi thú vị.

Nếu bạn vốn không thể phân biệt ai và chương trình nào, Bernanke khiến bạn phải suy đoán và ngờ rằng ông không mấy ưa thích, ví dụ, bà Sheila Bair, Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC). Ông viết, "Bà ấy có thể khăng khăng bảo vệ lãnh địa của mình và khó làm việc cùng, nhưng tôi cũng không thể làm gì khác ngoài việc miễn cưỡng khâm phục năng lượng và sự nhạy bén chính trị của bà khi theo đuổi các mục tiêu và kỹ năng của bà ấy trong việc đối phó với báo chí."

Giờ đây khi xuất bản cuốn hồi ký, ông Bernanke có thể hối tiếc về chính sách rõ ràng — và dường như chân thành — của ông về việc khen tặng tất cả mọi người. Ví dụ, ông đã thay đổi suy nghĩ của mình, tuy muộn màng, về việc liệu những ông chủ nhà băng gây sai phạm có phải ngồi tù hay không; trong các cuộc phỏng vấn gần đây ông nói rằng ông ủng hộ việc này, nhưng không có nhiều bằng chứng về nó trong cuốn sách. Và khi Bernanke quyết định từ chức ("Hơn một thập kỷ trong nồi áp suất Washington là quá đủ rồi"), Tổng thống Obama đã hỏi ông về người kế nhiệm. Bernanke viết: "Tôi không muốn gây ảnh hưởng quá nhiều đến sự lựa chọn của Tổng thống, bởi sự ủng hộ của tôi đối với bất kỳ một ứng cử viên nào có thể dễ dàng bị hiểu nhầm thành việc phản đối một ứng cử viên khác." Do Fed chỉ có một ngài chủ tịch (hoặc bà chủ tịch), nên thật đáng buồn, khi ủng hộ một ứng cử viên sẽ ngụ ý sự phản đối không chỉ với một ứng cử viên khác mà là tất cả những người còn lại. Ở đây không hề có sự hiểu nhầm nào cả. Bernanke chưa bao giờ vô tình để lộ người mà ông nghĩ sẽ kế nhiệm mình, nhưng bạn có cảm giác rằng ứng cử viên mà ông chọn không phải là Summers.

Thời gian và năng lượng mà các nhà hoạch định chính sách ở Fed dành để lo lắng về hình ảnh của Hội đồng thống đốc cũng như cố gắng tác động đến cách mọi người diễn giải các hành động của hội đồng ban đầu có vẻ quá mức so với, ví dụ như, Tòa án Tối cao. Nhưng sản phẩm công việc của Tòa án Tối cao là quan điểm pháp lý, được cho là lập luận chặt chẽ và là điều hiển nhiên. Ngược lại, các tuyên bố của Fed là cố ý tạo ra -— và ở một mức độ nào đó, điều này là nhất thiết — sự mơ hồ. Nếu các thị trường tài chính biết trước chính xác những gì Fed dự định làm (tăng lãi suất, nhưng không quá cao tới mức khiến nền kinh tế lại rơi vào suy thoái, giảm lãi suất nhưng không tới mức châm ngòi cho lạm phát, v.v...), việc thực hiện những dự định đó sẽ khó khăn hơn. Ngay cả một người nhiệt thành ủng hộ sự minh bạch như ông Bernanke cũng không muốn tiết lộ tất cả.

Bernake thấy thật mỉa mai khi Greenspan đặt tên hồi ký của chính ông cho những năm tháng làm việc tại Fed là "The Age of Turbulence" (tạm dịch "Thời đại Hỗn loạn"). Bernanke không giải thích gì thêm, và điều đó cũng chẳng cần thiết: "Bạn muốn nhìn thấy sự hỗn loạn chứ gì? Được, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy sự hỗn loạn." Cuốn hồi ký của Bernanke tên là “The Courage to Act” (tạm dịch: "Dũng cảm Hành động") — một tiêu đề cũng có thể được coi là mỉa mai bởi vì, mặc dù ông thường lựa chọn hành động trong hầu hết các cuộc khủng hoảng ông phải đối mặt, có lẽ cũng cần từng đó sự dũng cảm, hoặc thậm chí còn nhiều hơn thế, để lựa chọn không hành động.

Như Bernanke rất nhiều lần giải thích (với giọng điệu hơi bực) rằng, theo luật, Fed có "nhiệm vụ kép": bảo vệ công ăn việc làm và bảo vệ sự ổn định tiền tệ. Hay, nói cách khác, là tối đa hóa việc làm và giảm thiểu lạm phát. Hai mục tiêu này vốn đã mâu thuẫn, và Fed chỉ có một số lựa chọn hạn chế có thể xoay vần để đạt được một kết quả kết hợp tốt nhất có thể. Những người chỉ trích thường cho rằng Fed luôn thiên vị một mục tiêu này hơn so với mục tiêu còn lại, hoặc là Fed đang theo đuổi mục tiêu này hay mục tiêu kia một cách sai lầm. Nội dung chính của "Dũng Cảm Hành Động" là lời giải thích từng bước một rất chi tiết và cũng rất dễ hiểu về mỗi cuộc khủng hoảng mà Bernanke và Fed phải đối mặt trong nhiệm kỳ của ông, từ sự sụp đổ của Bear Stearns vào năm 2008 cho đến cơn khủng hoảng của Hy Lạp và đồng euro vẫn đang diễn ra. Trong mỗi trường hợp, Bernanke trình bày cụ thể vấn đề và cách thức vấn đề đó diễn ra, thảo luận về những ưu và nhược điểm của các giải pháp khác nhau, sau đó cho chúng ta biết vấn đề ấy được giải quyết trọn vẹn như thế nào — thường với sự thỏa hiệp mà Bernanke ủng hộ do ông hiểu và đánh giá cao mối lo ngại từ cả hai phía. Đây là cách tiếp cận tuyệt vời đối với một vị chủ tịch Fed, nhưng phần nào ít được mong đợi từ một người viết hồi ký.

Các cuộc khủng hoảng khác nhau cuối cùng thường có cùng cốt truyện. Một số tổ chức hoặc một phần của nền kinh tế — các ngân hàng đầu tư lớn, lĩnh vực nhà ở, công ty bảo hiểm AIG, các nhà sản xuất ô tô, Fannie Mae và Freddie Mac (hai tập đoàn cho vay mua nhà trả góp khổng lồ thuộc chính phủ), v.v... — lâm vào rắc rối. Nếu chính phủ đứng ngoài và không làm gì cả, kết cục sẽ là thảm họa không chỉ đối với những người trực tiếp liên quan mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, việc cứu mọi người khỏi những sai lầm của chính họ lại dẫn đến vấn đề "rủi ro đạo đức" — có nghĩa là có nguy cơ khuyến khích nhiều hơn nữa chính những hành vi không mong muốn gây ra vấn đề đó. Nếu bạn cứu một người mua nhà liều lĩnh hay cứu một ngân hàng đầu tư "quá-lớn-để-sụp-đổ", điều gì sẽ biện minh nếu bạn không giải cứu tất cả? Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu tất cả họ đều kết luận rằng họ có thể tiếp tục theo đuổi những hành vi liều lĩnh của mình và chính phủ sẽ luôn giải cứu họ nếu cần thiết?

Bernanke giải thích thuyết phục rằng trong năm 2007 và 2008, kinh tế thế giới đã gần như trên bờ vực sụp đổ, và chỉ có những nỗ lực chưa từng có của Fed (phối hợp với các cơ quan khác của Mỹ và của nước ngoài) mới có thể cứu chúng ta khỏi một thảm họa kinh tế còn tồi tệ hơn cuộc Đại Suy thoái. Tuy ông đồng ý với những lo ngại về rủi ro đạo đức, nhưng ông kết luận rằng trong trường hợp đặc biệt này, có quá nhiều rủi ro để mà lo lắng về nó. Ông không bao giờ thực sự đưa ra một lý thuyết hay một nguyên tắc chỉ đạo nào về việc quyết định khi nào thì những mối lo ngại truyền thống như rủi ro đạo đức cần được gạt sang một bên.

Trong đúng những ngày tháng mà tất cả những điều này đang xảy ra, chúng ta lại đang tiến hành một chiến dịch tranh cử tổng thống trong đó thảm họa sắp ập đến này gần như không có vai trò gì. John McCain, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã bị biến thành một kẻ ngốc khi hủy bỏ các buổi gặp gỡ tranh cử và lao vội về Washington vào đúng lúc cao điểm của chiến dịch tranh cử, để rồi khi về đó thì lại chẳng có việc gì để làm. Chỉ rất lâu sau cuộc bầu cử tổng thống đó Quốc hội mới thực hiện việc thiết kế lại các quy định tài chính mà cuộc khủng hoảng đã chứng minh rõ ràng tính cần thiết.

Hệ thống Dự trữ Liên bang khó có thể giải thích theo nguyên tắc dân chủ. Ngoại trừ một vài người kỳ dị và những người theo dõi sát sao, còn hầu như không ai có thể giải thích được hệ thống này hoạt động như thế nào, chứ chưa nói gì tới việc đưa ra một quan điểm đầy đủ thông tin về các chính sách mà hệ thống này tạo ra. Ben Bernanke đã đấu tranh để có nhiều sự minh bạch hơn nữa tại Fed. Đó là một cuộc chiến đấu xứng đáng và ông đã thắng. Nhưng minh bạch để làm gì khi gần như tất cả mọi người đang nhìn theo hướng ngược lại?

Tuấn Minh
NYTimes
buy from amazon, here,

Bài trước: Anh em nhà Wright
Tags: book

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc