Con bướm sắt: Tokyo có nữ thị trưởng đầu tiên

Photo credit: The Economist.

Yuriko Koike là biểu tượng kết hợp giữa tinh thần chủ nghĩa dân tộc và một tham vọng sắt đá.

Nhà nữ quyền; nhà ái quốc; kẻ cơ hội: Yuriko Koike, người vừa được bầu làm thị trưởng Tokyo vào ngày 31 tháng 7 vừa qua, đã được gắn nhiều biệt danh, nhưng hầu hết không phải để khen ngợi. Một sự nghiệp luân chuyển qua các đảng chính trị mà không cam kết với bất kỳ đảng nào đã mang về cho bà biệt danh Madam Kaiten Sushi, một kiểu nhà hàng nơi các đĩa sushi được đặt trên một băng chuyền, chờ đợi thực khách nhấc xuống và thưởng thức. Tuy nhiên tính cách nổi bật nhất của bà có lẽ là sự tham vọng.

Cũng giống như Margaret Thatcher, người mà bà ngưỡng mộ, Koike là người tự phấn đấu và nỗ lực khẳng định mình ở hầu hết các vị trí chủ yếu do nam giới nắm giữ trong nghề nghiệp của mình. (Trong trường hợp này, bà khác với Makiko Tanaka, nữ bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Nhật Bản trong những năm 2000, người có cha là cựu thủ tướng.) Chỉ 9,3% các nhà lập pháp trong Hạ viện Nhật Bản là nữ, xếp thứ 155 trên thế giới. Là một thành viên của Đảng Dân chủ Tự do, bà là Bộ trưởng Quốc phòng trong năm 2007 nhưng đã bỏ lỡ cơ hội trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản một năm sau đó khi Taro Aso khi đánh bại bà và trở thành lãnh đạo đảng. Bà khiến lãnh đạo đảng tức giận khi chạy đua chống lại ứng cử viên của họ, Hiroya Masuda, trong cuộc bầu cử Tokyo, vượt xa ông hơn một triệu phiếu.

Một lý do bà Koike chiếm được cảm tình của người dân Tokyo là hình ảnh bà được thể hiện trên các phương tiện truyền thông: một người can đảm, dám nhận thách thức trong một nền chính trị mà nam giới thống trị. Khi một trong những người tiền nhiệm của bà, thị trưởng Shintaro Ishihara, nói rằng việc lãnh đạo thủ đô này không dành cho "một phụ nữ với quá nhiều trang điểm", bà cười lớn và nói rằng bà đã quen với sự lăng mạ như vậy rồi. Bà nói, rào cản phân biệt giới tính của Nhật Bản không được làm bằng thủy tinh, mượn ý từ Hillary Clinton, mà là bằng thép. Bà đã thực hiện được nhiều trong mục tiêu của mình nhằm nâng cao vị thế phụ nữ Nhật Bản. Đất nước này cần "những thế mạnh của người phụ nữ: dũng cảm, kiên định và bền bỉ", bà nói trong bài phát biểu của mình.

Tuy nhiên, Tomomi Yamaguchi thuộc Đại học bang Montana cho rằng bà Koike là một người theo chủ nghĩa dân tộc hơn là một nhà nữ quyền. Khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng, bà đã rất cứng rắn với Trung Hoa và là một trong số ít các chính trị gia Nhật Bản công khai kêu gọi Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân. Bà góp phần điều hành một tổ chức vận động hành lang theo khuynh hướng bảo thủ mang tên Nippon Kaigi, tổ chức này cho rằng Nhật Bản đã chiến đấu trong Thế chiến II để giải phóng châu Á khỏi chủ nghĩa thực dân phương Tây, và mong muốn khôi phục lại các giá trị gia đình đã mất. Vì tất cả lí do này, bà khá giống với ông Ishihara, một người hiếu chiến cộc cằn chỉ ưa vờn mồi Trung Hoa—bất chấp những lời lẽ không mấy hào hiệp của ông ta.

Nhiệm vụ đầu tiên của bà Koike là xây dựng lại niềm tin trong tổ chức của mình: những vụ bê bối tiền nong đã khiến hai người tiền nhiệm gần đây nhất của bà mất việc. Bà sẽ phải điều hành đô thị kinh tế lớn nhất thế giới, với GDP hàng năm ước tính đạt 1,5 nghìn tỷ USD, được xây dựng trên một khu địa chất bất ổn nhất thế giới (khả năng xảy ra một trận động đất với cường độ 7 richter trong ba thập kỷ tiếp theo được dự đoán là 98%). Và bà phải đưa thành phố tới Thế vận hội năm 2020, sau hai năm chuẩn bị khó khăn và tốn kém đã làm nản lòng công chúng. Trên tất cả, bà sẽ phải tìm cách để lèo lái trong một nền chính trị dành cho bà cả sự hoài nghi lẫn tôn trọng, nhưng không mấy cảm tình.

Minh Thu
The Economist

4 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc