Nỗi ám ảnh xuyên Thái Bình Dương: “Phong cách Portland” được đóng chai và xuất khẩu

Photo courtesy LotsaSmiles Photography.

Nhật Bản suy ngẫm về ý nghĩa thực sự của Portland.

Lanette Fidrych biết rằng người dân ở Portland, Oregon, bị ám ảnh với hình ảnh tấm thảm được trải tại sân bay của thành phố. Giới hippy chộp mua ngay mọi thứ được trang trí với kiểu hoa văn có từ những năm 1980 này, từ miếng lót chuột máy tính cho đến đồ lót. Nhưng cô không ngờ rằng kiểu hoa văn trên thảm này cũng nổi tiếng không kém ở Nhật Bản. Khi xuống đến sân bay ở Tokyo và mang theo một chai nước có in hoa văn như vậy, cô đã được một nhóm người lạ nhận ra hoa văn đặc biệt của loại thảm đó giữ lại, hỏi có phải cô đến từ Portland. Nghe cô nói đúng vậy, họ liền kể ra một danh sách các nhà hàng ở Portland họ muốn đến nhất hay các loại bia ở Oregon mà họ thích nhất.

Ở Mỹ, Portland là từ ngắn gọn chỉ những trào lưu không kiểm soát. Ở Nhật Bản, nó chỉ đơn giản là xu hướng thời trang. Cô Fidrych là người sáng lập của Cycle Dog, một công ty chuyên bán phụ kiện cho chó nuôi như: vòng cổ, dây dắt và các vật trang trí khác làm từ phụ tùng xe đạp tái chế (dây đeo trang trí ở cổ đều có gắn kèm dụng cụ mở chai). Cô đang ở Tokyo để tham gia hội chợ "Portland Popup" năm thứ ba, nơi người dân Tokyo có thể mua hàng hóa từ Portland và tìm hiểu về cách sống ở đó. Bài phát biểu năm nay bao gồm "Các doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo ở Portland" và "Tokyo có thể học được gì từ Portland". Yokohama và Osaka cũng tổ chức các sự kiện tương tự hằng năm. Những sản phẩm của Cycle Dog bán chạy ở những sự kiện như thế này, cô Fidrych nói.

Oshuushu, một trang blog nổi tiếng của Nhật, chỉ chuyên viết về các loại bia từ Oregon. Quán bar PDX mới mở cửa chưa đầy một năm tại quận Shibuya thời thượng của Tokyo (PDX là mã sân bay của Portland). Quán chỉ phục vụ bia của Oregon và có một hình vuông nhỏ với họa tiết của tấm thảm nổi tiếng được treo trên tường. Nhiều quán ăn ở Portland, thay vì mở rộng ở Mỹ, đã quyết định "nhảy qua" Thái Bình Dương để tới Nhật. Blue Star Donuts, nhà hàng chuyên phục vụ các món sang trọng với những cái tên như Blueberry Bourbon Basil và Cointreau Creme Brulee, sẽ sớm có bảy cửa hàng ở Nhật Bản so với sáu ở Mỹ.

Teruo Kurosaki, tác giả của một cuốn sách hướng dẫn viết bằng tiếng Nhật về Portland, "Portland đích thực: Lời mách nhỏ cho những người sáng tạo", cho biết Nhật Bản quan tâm tới Portland không chỉ vì các dụng cụ độc đáo tiện lợi của nó hay những món ăn sốt dẻo, mà còn vì "tầm nhìn tương lai" của thành phố này — một sự kết hợp của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp với môi trường xanh. Đối với những người chán nản nền kinh tế cũ và văn hóa thủ cựu của Nhật Bản, hình ảnh các bạn trẻ sáng tạo, biến những miếng săm cũ thành vòng đeo cổ cho cún cưng rồi sau đó tưng bừng khai trương một quán bia ở địa phương, có một nét quyến rũ tuyệt vời.

Các nhà lãnh đạo của Nhật Bản thậm chí cũng đã bắt tay vào hành động. Thị trưởng của một số thành phố nhỏ, nơi đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ nếu không thể thuyết phục những người trẻ tuổi ở lại thay vì di chuyển đến Tokyo hoặc Osaka, đã được tham quan Portland để tìm kiếm các ý tưởng. Mitsuhiro Yamazaki, người làm việc trong cơ quan lập kế hoạch và phát triển của Portland, đã được mời đến để “rắc chút phép màu” của Portland lên mảnh đất Aridagawa, một thị trấn đang ngày càng thu hẹp của Nhật Bản, một phần bằng cách thiết kế lại một nhà trẻ ở nông thôn nhằm giữ chân những người phụ nữ trẻ. Nhưng ông vẫn chưa lựa chọn được họa tiết nào cho tấm thảm.

Minh Thu
The Economist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc