Món khoái khẩu của người Nhật Bản: cá ngừ vây xanh nuôi từ trứng

Photo courtesy Stewart Butterfield.

Nuôi trong trại là niềm hy vọng mong manh mới hé cho loài cá được người Nhật Bản rất ưa chuộng này.

Phòng thí nghiệm Thủy sản của Đại học Kindai có thể không phải là cái tên hay đối với một nhà hàng, nhưng các thực khách không hề bận lòng. Vào các ngày trong tuần, họ xếp hàng ở Ginza, khu mua sắm hào nhoáng xa hoa tại Tokyo, để nếm thử món cá. Các thực khách hài lòng với chất lượng của món sashimi, bao gồm các lát cá ngừ vây xanh mọng nước ngon ngọt, một trong những loài được đánh giá cao nhất trong tất cả loài cá. Nhưng cá ngừ tại nhà hàng này không giống cá ở những nơi khác ở một khía cạnh quan trọng: nó không được đánh bắt trong tự nhiên mà là được nuôi.

Người Nhật gọi cá ngừ vây xanh là "vua của các loài cá". Họ tiêu thụ khoảng 40.000 tấn cá này một năm — 80% tổng sản lượng đánh bắt trên toàn cầu. Nhu cầu cũng đang tăng lên nhanh chóng ở những nơi khác. Tuy nhiên, trữ lượng cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương đã giảm tới 97% so với mức đỉnh điểm vào đầu những năm 1960, theo một báo cáo mới đây của Ủy ban Khoa học quốc tế, một nhóm các chuyên gia đến từ các nước khác nhau. (Nhật Bản tranh cãi về kết quả báo cáo của tổ chức này.) Theo Ủy ban này, ở một số nơi, lượng cá đánh bắt ở mức cao gấp ba lần mức bền vững.

Năm ngoái, Nhật Bản đã đồng ý cắt giảm một nửa sản lượng khai thác cá ngừ vây xanh non (cá quá nhỏ để sinh sản) ở phía bắc Thái Bình Dương, nhưng phản đối các biện pháp nghiêm ngặt hơn, bao gồm cả lệnh cấm hoàn toàn việc đánh bắt cá ngừ vây xanh được Mỹ và các nước khác ủng hộ. Chính phủ Nhật Bản không đảm bảo sẽ thực hiện những biện pháp theo như yêu cầu trừ khi trữ lượng cá giảm trong ba năm liên tiếp, một mức mà hầu hết các nhà bảo tồn cho là quá cao.

Nuôi trong trại có thể là một lối thoát cho tình cảnh bế tắc này. Nhưng cá ngừ vây xanh lại khó sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt. Ở đại dương, nó có thể bơi lang thang hàng ngàn dặm và to lớn đến hơn 400kg. Loài cá này rất nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ và tiếng ồn. Những cố gắng ban đầu đã thất bại, nhưng Đại học Kindai vẫn tiếp tục kiên trì nghiên cứu dù khoản trợ cấp từ chính phủ đã hết từ đầu những năm 1970. Năm 2002, lấy vốn từ việc bán các loài cá khác, đại học này đã thành công khi lần đầu tiên nuôi cá ngừ trưởng thành từ trứng, chứ không chỉ đơn giản là vỗ béo những con cá non bắt ngoài đại dương. Giờ đây, các đầu bếp ở Ginza có thể bắt cá ngừ với cần câu bằng điện trong bể nuôi của trường đại học như ý mình muốn.

Tuy nhiên, chỉ 1% cá ngừ vây xanh trong bể nuôi của trường đại học sống sót đến tuổi trưởng thành. "Chúng tôi hy vọng cải thiện điều này nhưng sẽ mất thời gian," Shukei Masuma, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản của Đại học Kindai dự đoán. Tệ hơn nữa, cá ngừ ngốn rất nhiều cá thu tự nhiên và mực. Các nhà khoa học đã thử cho chúng ăn đậu nành và một số thứ khác. Một công ty ở phía tây nam Nhật Bản cho biết trong tháng này họ đã thử cho cá ngừ ăn bột cá, nhưng cách này tốn kém và cá chậm phát triển. Sử dụng cá tự nhiên làm thức ăn cho cá ngừ vây xanh khiến việc nuôi cá không bền vững, ông Atsushi Ishii của Đại học Tohoku nói. Ông coi việc nuôi trồng thủy sản là một sự xao nhãng khỏi nhiệm vụ hóc búa là quản lý nghề cá đúng cách.

Cuộc tranh luận này đang dần tác động đến nhận thức của công chúng. Năm 2014, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về quyết định của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế về việc đưa cá ngừ vây xanh vào "sách đỏ" các loài bị đe dọa tuyệt chủng. Xã luận trên các báo đã bắt đầu chỉ trích lập trường của chính phủ. Nhà hàng của đại học Kindai được yêu thích cũng cho thấy rằng người tiêu dùng đang dần nhận thức được vấn đề. Nhưng cuối cùng, ông Naotoshi Yamamoto của Đại học Nagasaki cho rằng, họ có thể chỉ cần ăn cá ít hơn là được.

Minh Thu
The Economist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc