Học tiếng Anh ở Nhật Bản: Nói chuyện như một gaijin

Photo courtesy Amanda Braz.

Chính phủ hy vọng những bài học tiếng Anh sẽ thúc đẩy nền kinh tế.

Ở Nhật Bản, xe buýt và xe lửa luôn đúng giờ đến từng giây. Các kỹ sư nổi tiếng về tính tỉ mỉ. Nhưng khi nói đến tiếng Anh, Nhật Bản lại cẩu thả khác thường. Các bảng hiệu thường bị viết sai chính tả. Lái xe taxi phải chỉ trỏ vào sách có các mẫu câu sẵn để giao tiếp với người nước ngoài. Các cửa hàng lấy tên tiếng Anh để nghe cho hợp thời thường sai tệ hại: ví dụ một cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm đã qua sử dụng lại lấy tên "Poopdick" (Cu dính cứt) .

Số người nói tiếng Anh ở Nhật Bản ít hơn rất nhiều so với hầu hết các quốc gia phát triển, tham gia toàn cầu khác. Năm 2015, điểm số trung bình của người Nhật trong các kỳ thi TOEFL, một kì thi phổ biến để đánh giá trình độ tiếng Anh cho người nước ngoài, là 71 trên tổng điểm 120, thấp hơn so với tất cả các nước Đông Á, trừ Lào và Campuchia. Các công ty cần nhân viên biết nói tiếng Anh thường tuyển những người đã học tập hoặc lớn lên ở nước ngoài, với suy nghĩ rằng các ứng cử viên theo học tiếng Anh trong nước sẽ không đáp ứng được yêu cầu.

Chính phủ muốn thay đổi điều này. Hồi đầu tháng, chính phủ đã công bố các kế hoạch để cải tổ toàn diện việc giảng dạy tiếng Anh. Trẻ em có thể bắt đầu học ngôn ngữ này sớm hơn hai năm, khi các em được tám thay vì mười tuổi. Các bài học sẽ nhấn mạnh kỹ năng giao tiếp hơn kỹ năng đọc, viết và ngữ pháp.

Nhật Bản hy vọng tất cả những điều đó sẽ giúp đất nước này đóng một vai trò lớn hơn trong một thế giới mà tiếng Anh là ngôn ngữ chung. "Chúng tôi cần tiếng Anh để hiểu các nền văn hóa khác và giới thiệu văn hóa của mình với họ," Hideyuki Takashima thuộc Đại học Ngoại ngữ Tokyo nói. Và, đối với chính phủ của ông Shinzo Abe, điều này đặc biệt quan trọng bởi tiếng Anh là thứ cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế. Các công ty Nhật Bản, đang ngày càng mở rộng ra nước ngoài vì lực lượng lao động trong nước ngày càng ít và già đi, vì vậy, cần tiếng Anh để kết nối với bên ngoài và để thu hút nhân tài đến Nhật Bản.

Một số doanh nghiệp đã tự mình giải quyết vấn đề này. Sony từ lâu đã buộc nhân viên của mình có thể giải thích sự hoạt động của các sản phẩm bằng tiếng Anh. Sáu năm trước, Hiroshi Mikitani, vị giám đốc tốt nghiệp từ Đại học Harvard của Rakuten, gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử với chi nhánh tại 30 quốc gia, quy định rằng tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ chính của công ty; không còn bất kỳ cuộc họp nào sử dụng tiếng Nhật nữa. Rakuten có chương trình đào tạo tiếng Anh cho tất cả các nhân viên của mình. Honda, hãng sản xuất ôtô nổi tiếng, vào năm ngoái cho biết đến năm 2020 hãng này cũng sẽ tạo ra một sự thay đổi về ngôn ngữ khi làm việc.

Chỉ cải cách hệ thống giáo dục sẽ không đủ; rào cản văn hóa vẫn rất mạnh mẽ. Nhiều người Nhật không thấy tiếng Anh cần thiết vì họ hiếm khi đi nước ngoài hoặc họ làm việc tại các công việc không yêu cầu biết tiếng Anh. Ở nước này, phim và âm nhạc của Mỹ cũng không phổ biến như ở châu Âu, châu Phi hay Trung Đông. Những người theo chủ nghĩa truyền thống, với mong muốn duy trì độ thuần khiết của văn hóa Nhật Bản, sẽ thấy vui mừng nếu mọi thứ được giữ nguyên như vậy.

Kensaku Yoshida, một giáo sư tại Đại học Sophia ở Tokyo, cho rằng trở ngại lớn nhất là sự thiếu tự tin. Nhiều người Nhật xấu hổ bởi những sai lầm không thể tránh khỏi của một người học tiếng Anh đến nỗi họ không muốn thử chút nào. Nhiều người cũng phải vật lộn với những khó khăn của việc phát âm tiếng Anh: ví dụ như ngôn ngữ của họ không phân biệt âm "l" và "r". Các từ tiếng Anh được sử dụng trong tiếng Nhật đã thay đổi đến nỗi người bản ngữ cũng không thể nhận ra: aidoru (idol - thần tượng), Makudonarudo (McDonalds), bareboru (volleyball - bóng chuyền). "Chúng tôi cần chấp nhận rằng chúng tôi không cần phải nói như người bản ngữ", ông Yoshida nói. "Chúng tôi chỉ cần giao tiếp."

Minh Thu
The Economist

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc