Quỹ hưu trí khổng lồ của Nhật Bản: Cảm giác khó chịu đó

Thị trường chứng khoán biến động khiến cho Quỹ đầu tư hưu trí Chính phủ Nhật Bản (GPIF) và những nhà lãnh đạo mới của quỹ này chịu nhiều áp lực.

Theo các nhà kinh tế học, một trong số các lý do vì sao người Nhật thích tích trữ tiền mặt hơn là chi tiêu vì họ lo sợ rằng một hệ thống hưu trí ọp ẹp sẽ không đủ để cung cấp cho số lượng người nghỉ hưu ngày càng tăng. Ông Hiromichi Mizuno—Giám đốc đầu tư thứ nhất của Quỹ Đầu tư hưu trí Chính phủ bảo thủ cực đoan thấy rằng bất kỳ sự can thiệp nào vào 140 nghìn tỷ Yên (1,27 nghìn tỉ USD) của quỹ hưu trí nhà nước sẽ gây căng thẳng về mặt chính trị.

Tháng 10 năm 2014, GPIF đã tiến hành một bước thay đổi mang tính lịch
sử trong việc phân bổ tài sản, cắt bỏ bớt trái phiếu chính phủ Nhật Bản
và tăng gấp đôi số cổ phiếu nó nắm giữ (xem biểu đồ). Trong vòng ba quý tiếp theo, lợi nhuận của quỹ tăng đều theo thị trường chứng khoán. Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2015, lợi nhuận của quỹ đạt mức 12,27% -- mức cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, ý định của quỹ này không hẳn là có được lợi nhuận cao mà chủ yếu là chuẩn bị khi lạm phát trở lại. Sau một thập kỷ giảm phát, chủ trương nới lỏng tiền tệ hàng loạt của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản được cho là rất có thể khiến giá cả tăng trở lại, do đó làm giảm đi giá trị của trái phiếu Nhật Bản.

Tuy nhiên, kể từ lúc khởi đầu xông xáo đó, cổ phiếu Nhật Bản và một số cổ phiếu nước ngoài đã chìm xuống. Giá trị đồng Yên cũng mạnh lên, làm giảm giá trị tài sản nước ngoài. Điều này đã khiến quỹ GPIF--quỹ hưu trí lớn nhất thế giới--thiệt hại, mà theo các nhà phân tích ước tính, là hơn 5 nghìn tỷ Yên trong năm tài khóa gần đây nhất.

Trong khi đó, không hề có dấu hiệu lạm phát dù đã có những tính toán về chiến lược đầu tư mới. Ông Mizuno cho biết, "Chúng tôi đã phân bổ danh mục đầu tư mới với tình huống cơ sở rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tạo ra lạm phát ở mức 2% trong vòng hai năm, tuy nhiên tình huống ấy có lẽ đã thay đổi." Hiện tại, giá cả đang giảm sút và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho hay có thể nó sẽ không đạt được mục tiêu lạm phát của mình cho đến đầu năm 2018.

Ông Mizuno không hề có sự chuẩn bị nào cho những thử thách sắp tới với GPIF. Ông gia nhập GPIF từ một quỹ cổ phần riêng (private-equity firm) ở London và vào năm ngoái, ông chia sẻ với bạn bè rằng việc chuyển sang GPIF giống như là đổi chiếc Ferrari lấy một chiếc xe ba bánh. Đây là một cú sốc không chỉ là do GPIF xem nhẹ định hướng đầu tư (gần đây quỹ đã bị cấm phát triển loại năng lực mua cổ phần nội bộ mà các nhà đầu tư lớn khác có) mà còn do các chính trị gia và các phương tiện truyền thông chỉ trực để buộc tội quỹ này hoạt động như đánh bạc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất sự thay đổi trong phân bổ tài sản của quỹ. Mới đây, ông đã lưu ý rằng điều quan trọng là kết quả dài hạn chứ không phải những biến động ngắn hạn. Tuy nhiên thật không ích gì khi ông lại cũng nêu ra viễn cảnh lương hưu sẽ phải thấp hơn nếu những thua lỗ của GPIF tăng lên. Nhiều người phản đối sự thay đổi này, trong đó có chủ tịch quỹ lúc bấy giờ, Takahiro Mitani, cho rằng chính chính phủ đã giật dây quỹ này để bơm căng thị trường chứng khoán. Quỹ GPIF, thường công khai các kết quả hoạt động thường niên vào đầu tháng 7, đã lùi những công bố này lại đến cuối tháng này, sau cuộc bầu cử vào Thượng viện. Theo ông Jesper Koll của quỹ WisdomTree, một nhà quản lý quỹ hoán đổi danh mục tại Tokyo, sự trì hoãn này là dấu hiệu rõ ràng về sự can thiệp chính trị.

Ông Mizuno cho biết GPIF có thể sẽ phải điều chỉnh lại danh mục đầu tư vì không có lạm phát. Và dù khả năng nào đi nữa, điều này sẽ kéo theo việc bán bớt cổ phần và quay trở lại với trái phiếu chính phủ Nhật Bản. Động thái này sẽ là một sự xấu hổ lớn đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Dù vậy, GPIF vẫn chưa quyết định liệu có tiếp tục với việc phân bổ hiện tại hay không. Theo ông Takatoshi Ito, cố vấn của chính phủ về quỹ này thì vào cuối năm nay, quyền hạn của hội đồng quản trị sẽ được tăng cường khiến cho việc tiếp nhận chỉ trích của công chúng về những tổn thất ngắn hạn trở nên nhẹ nhàng hơn. Và nếu Nhật Bản có đẩy lùi được lạm phát đi chăng nữa thì những người nhận lương hưu của đất nước này vẫn cần bảo hiểm đối phó với những trái phiếu đắt đỏ kia của chính phủ.

Hà My
The Economist

Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc