Con quái vật được yêu thích lại gây bão phòng vé Nhật Bản

Photo courtesy Takayuki Miki.

Có lẽ, một thông điệp nhẹ nhàng về chủ nghĩa dân tộc đã giúp tạo nên thành công của Godzilla.

Giờ đây đã 62 tuổi và đầy thương tích vì chiến tranh, vua của các loài quái vật Nhật Bản này vẫn muốn sống tiếp. Godzilla một lần nữa ì ạch xuất hiện trên màn hình lớn, đe dọa Tokyo với hơi thở đầy chất độc phóng xạ và thu hút sự chú ý chưa từng có. Bộ phim thứ 29 mang tên "Shin Gojira" (Godzilla hồi sinh) này đã thu hút hơn 4 triệu người xem và thu được 6,6 tỷ yên Nhật (tương đương 65 triệu USD) và trở thành bộ phim được xem nhiều nhất tại Nhật Bản trong năm nay. Người hâm mộ ở Mỹ sẽ có thể xem chuyến du ngoạn mới nhất của chú bò sát khổng lồ này vào tháng tới, với buổi công chiếu đầu tiên tại Los Angeles vào ngày 03 tháng 10.

Godzilla đã trở thành mỏ vàng cho các phòng vé kể từ đầu những năm 1950, một phần là nhờ sự chuyển hướng quan tâm đến những nỗi lo lắng của các thế hệ sau. Đầu tiên, những lo sợ chồng chất về hai quả bom hạt nhân đã thiêu rụi thành phố Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945 biến Godzilla -- thỉnh thoảng ngoi lên từ vịnh Tokyo để diệt trừ các mối đe dọa bên ngoài -- trở thành một nhân vật được các gia đình yêu thích trong những thập kỷ lạc quan sau chiến tranh.

Từ những năm 1980, trong bối cảnh căng thẳng khi tăng trưởng kinh tế đột ngột giảm và đi kèm với nó là sự giàu có xa hoa trở thành một thứ để phô trương, Godzilla với một tâm trạng u tối hơn (và thân hình cao hơn rất nhiều) đã thách thức trí thông minh của giới cầm quyền thiếu quyết đoán và đập tan những tòa nhà mới của Tokyo trên đường nó đi. Một cuộc chiến chống biến đổi khí hậu từ bộ phim năm 1991 dẫn đến việc Tòa thị chính của thành phố, một biểu tượng cao chót vót cho tính quan liêu của Tokyo bị dỡ bỏ.

Hơn một thập kỷ đã trôi qua kể từ bộ phim Nhật Bản cuối cùng về Godzilla được khởi chiếu vào năm 2004: "Godzilla: Cuộc chiến cuối cùng", bộ phim khi đó là một thất bại hiếm hoi. Hình ảnh mang phong cách Mỹ cuối cùng của con thú, "Godzilla", được công chiếu vào năm 2014 và thu về hơn 500 triệu USD trên toàn thế giới (bao gồm 30 triệu USD ở Nhật Bản). Sự thành công đó hối thúc Toho, studio tạo nên thương hiệu này, hồi sinh cho con quái thú mang tính biểu tượng này một lần nữa.

Sự trở lại thắng lợi của Godzilla cho thấy rằng Toho, xếp thứ ba thế giới về doanh thu trên thị trường điện ảnh, chưa hề mất đi sở trường kiếm tiền bằng cách liên tục thay đổi tinh thần và quan điểm qua từng giai đoạn. Bộ phim mới của hãng có dụng ý phản ánh sự lúng túng của chính phủ Nhật Bản trước thảm họa năm 2011, đặc biệt là cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima. Tuy nhiên, bộ phim thay vì chỉ đánh vào tầng lớp chính trị tinh hoa, cũng cho thấy sự hợp tác của họ với Lực lượng Tự vệ (SDF) để đưa Godzilla trở lại Vịnh Tokyo. Thông điệp ở đây dường như là: người Nhật Bản làm việc với người Nhật Bản, và bộ phim gửi lời cảm ơn tới hơn 250 công ty đã giúp đỡ trong quá trình làm phim, từ các công ty đường sắt đến các nhà cung cấp bê tông; nhiều công ty đã được yêu cầu hợp tác để Godzilla có thể nghiền nát tòa nhà của họ tại Tokyo trên màn ảnh rộng.

Một cách hiểu khác, bi quan hơn về động cơ nham hiểm mà con quái vật này có thể đại diện lại phổ biến một lần nữa: đối với một số người, hơi hướng chủ nghĩa dân tộc của bộ phim làm cho con quái vật trở thành một ẩn dụ rõ ràng về sức mạnh quân sự đang trỗi dậy và lan rộng của Trung Hoa, điều nhiều người Nhật lo sợ. Đối với những người khác, bộ phim là sự ẩn dụ về chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe bởi những người gièm pha xem ông là một nhân vật nham hiểm khi cố tình đưa đất nước trở về với quá khứ quân phiệt.

Tuy nhiên, ảnh hưởng mạnh nhất của bộ phim với công chúng, theo ông Mark Schreiber, một chuyên gia về văn hoá pop, là ở sự mô tả những khó khăn trong một thành phố đã bị san bằng hai lần trong một thế kỷ qua và sẽ vẫn không thể tránh khỏi một trận động đất sóng thần tàn phá nữa. Bốn năm trước đây các nhà khoa học nói rằng có tới 323.000 người sẽ chết nếu một trận động đất lớn xảy ra ở khu vực Tokyo. Con quái vật này đại diện cho sức mạnh không thể chống lại, có thể là chiến tranh hay thiên tai. "Các lực lượng đáng sợ, nhưng luôn luôn chuyển tiếp", ông Schreiber nói, "và sau đó người Nhật Bản biết rằng họ sẽ có cách thu dọn tàn cục và sống tiếp." Thương hiệu của loài bò sát này dường như sẽ còn trong nhiều thập kỷ nữa.

Minh Thu
The Economist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc