Nhật hoàng Akihito: Lời chia tay mãi mãi

Một biểu tượng muốn thoái vị

Tạm biệt Akihito, nhưng không hẳn là thế. Photo courtesy StateHubs.

Ngay cả đối với một thể chế khác thường như hoàng gia Nhật Bản, Nhật hoàng Akihito vẫn là một điều kì lạ. Là hậu duệ của nữ thần mặt trời Amaterasu, và là con trai của người mà nước Nhật đã lấy danh nghĩa để tiến hành chiến tranh tổng lực, Akihito đã được giáo dục bởi những thành viên khiêm nhường của Hiệp hội Tôn giáo các Tín hữu (The Quakers). Nếu có điều gì có thể khiến ông thực sự tự hào, thì đó chính là niềm đam mê dành cho loài cá — nghiên cứu với tiêu đề "Một số đặc trưng hình thái được coi là quan trọng trong sự phát sinh của loài Gobiid" là một điểm nhấn đặc biệt. Nhưng dù với bản tính khiêm tốn, ông vẫn sống trên khu đất có diện tích 115 ha với vườn tược được cắt tỉa cẩn thận ngay giữa trung tâm Tokyo đông đúc. Cuộc sống ở thủ đô, chính xác theo nghĩa đen, xoay quanh ông.

Trong vai trò là Thiên hoàng, Akihito cũng là một điều đặc biệt. Tại Nhật Bản, ông đã quỳ xuống để an ủi các nạn nhân trong những vụ thiên tai. Trên khắp châu Á, những chuyến công du thường xuyên và các bài phát biểu xúc động của ông đã góp phần bù đắp cho quá khứ quân phiệt của Nhật Bản, thậm chí ngay cả khi nền chính trị trong nước đang ngả sang hướng cực hữu.

Thủ tướng Shinzo Abe là một trong những người ủng hộ chủ nghĩa xét lại – những người vẽ ra một quá khứ đẹp đẽ. Ông và các bộ trưởng khác thích đến viếng đền Yasukuni -- nơi tôn vinh chủ nghĩa quân phiệt; trong khi Akihito lại thẳng thừng từ chối. Tờ The Economist đã từng hỏi một người hữu khuynh, người có các ấn phẩm tôn vinh chế độ hoàng gia và minh oan cho tính hiếu chiến của Nhật Bản, rằng ông cảm thấy thế nào về việc có một Thiên hoàng có tư tưởng tự do, trái ngược với hầu hết các quan điểm của mình. “Không có vấn đề gì,” ông trả lời: “Akihito hiện nay chỉ đơn thuần là một đầu tàu không hoàn hảo; đến một ngày nào đó, ông ấy sẽ hết thời.”

Và đúng vậy, trong tuần này, tin tức đã xuất hiện: vị Thiên hoàng 82 tuổi muốn nghỉ hưu. Triều đại của người cha của ông, Hirohito, trùng với khoảng thời gian Nhật Bản chuyển mình từ đế quốc quân phiệt sang cường quốc kinh tế hiện đại. Triều đại của Akihito từ năm 1989 lại chứng kiến một giai đoạn kinh tế suy giảm nhẹ và những vai trò quốc tế mờ nhạt. Quỳ gối ngang tầm mắt với thần dân dường như thừa nhận điều đó. Giờ đây viêm phổi, ung thư tuyến tiền liệt và cuộc phẫu thuật tim đã làm ông suy yếu. Phải giảm bớt một số công việc trong trọng trách của Thiên hoàng khiến ông "căng thẳng và buồn bực", như đài NHK đưa tin, với giọng điêu tôn kính dành riêng cho gia đình hoàng gia.

Nhưng trước hết, cần phải thông qua một đạo luật cho phép Nhật hoàng Akihito thoái vị -- điều chưa từng xảy ra trong thời hiện đại. Người con trai và cũng là người thừa kế ngôi vị của ông, Hoàng tử Naruhito (ngành học: Hàng hải thế kỷ XVIII trên hệ thống đường thủy của Anh), có lẽ sẽ gặp khó khăn trong vai trò này. Gia đình hoàng gia gần như là những tù nhân của Cơ quan Nội chính Hoàng gia, một cơ quan bí ẩn kiểm soát chế độ quân chủ lâu đời nhất trên thế giới. Vợ của Naruhito, Masako, nguyên là một nhà ngoại giao, bị đối xử như một máy sinh nở cho hoàng tộc (bà và Naruhito chỉ có một người con gái), và đã phải vật lộn với chứng trầm cảm. Việc Naruhito quan tâm đến dòng chảy của thượng nguồn sông Thames hơn hay những thế lực xoay quanh hoàng gia hơn, vẫn còn chưa biết được.

Minh Thu
The Economist

14 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc