Sinh nở ở Nhật Bản: Không đau đẻ sao có con

Photo courtesy Ashley Van Haeften.

Vì sao phụ nữ có thai ở Nhật Bản không dùng thuốc giảm đau.

Nhà hộ sinh Mejiro ở một quận phía bắc Tokyo yên tĩnh một cách kỳ lạ: không có tiếng trẻ con khóc, cũng không có tiếng rên la của sản phụ trong cơn đau đẻ. Đó là bởi vì không có ca sinh nào ở đó cả, nữ hộ sinh trưởng Yuko Hoshino giải thích. Chỉ có 4-6 trẻ được sinh ra ở đây mỗi tháng, so với 14-16 trẻ của một vài năm trước đây. Vấn đề không chỉ ở tỷ lệ sinh thấp của Nhật Bản. "Hiện nay, số phụ nữ muốn sinh con tự nhiên càng ít đi," cô nói một cách buồn bã. "Họ thích các bác sĩ ở bệnh viện lớn hơn là những nữ hộ sinh tại nhà trạm xá."

Quan điểm về mang thai và sinh nở ở Nhật Bản đang dần giống với hầu hết các nước giàu, nhưng vẫn tồn tại một số khác biệt. Phụ nữ thường rất mong manh yết ớt trong suốt thai kỳ. Và khi sinh, họ sẽ phải chịu đựng đau đớn khổ sở. Thuốc giảm đau được sử dụng rất dè sẻn, nếu không còn cách nào khác. Theo các bác sĩ, số phụ nữ muốn gây tê ngoài màng cứng (tiêm chất gây mê vào cột sống) ngày càng tăng, nhưng không mấy trung tâm sản khoa, kể cả bệnh viện, cung cấp dịch vụ này, và hầu như không bao giờ thực hiện ngoài giờ làm việc. Dù sao đi nữa, khoản tiền 420.000 yên (tương đương 4.053 USD) mà chương trình bảo hiểm y tế quốc gia chi trả cho một lần sinh nở cũng thường không đủ cho một mũi tiêm như vậy.

Tuy nhiên, đối với hầu hết chị em, chi phí cũng như thời gian phục hồi dài sau một lần gây tê màng cứng đều không phải là vấn đề. Truyền thống Phật giáo ở nước này cho rằng phụ nữ nên vui vẻ chấp nhận những đau đớn của việc sinh nở tự nhiên. Những kinh nghiệm đó là để chuẩn bị giúp họ đối mặt với những thử thách khi làm mẹ và càng thêm gắn bó với em bé. Yoshimi Katsube, 35 tuổi, nói rằng cha mẹ đã chỉ trích cô khi cô thông báo thực hiện gây tê ngoài màng cứng để sinh đứa con đầu lòng. Tuy nhiên, cô dự định sẽ gây tê lần nữa khi sinh đứa con đang mang trong bụng này.

Các ông chồng thường có mặt lúc vợ đi sinh, nhiều hơn trước đây, nhưng vẫn không nhiều người vào tận phòng sinh. "Chồng tôi sẽ đến bệnh viện, nhưng chúng tôi vẫn chưa quyết định liệu anh ấy có nên vào phòng đẻ hay không," Mayuka Yamazaki, người sẽ sinh con đầu lòng vào tháng này nói. "Tôi không chắc liệu tôi có muốn anh ấy nhìn thấy tôi như thế hay không."

Ở hầu hết các nước, kiến thức về những gì phụ nữ cần làm trong thai kỳ đều dựa vào văn hóa quốc gia đó lẫn kiến thức khoa học. Ví dụ, phụ nữ mang thai ở Pháp sẽ uống rượu vang và ăn pa-tê nhưng phụ nữ Mỹ lại coi đây là cách nhanh nhất để giết chết đứa trẻ. Phụ nữ mang thai sẽ tránh ăn cá sống, nhưng ở Nhật Bản lại không như vậy. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh lớn nhất với họ lại là nhiệt độ cơ thể. Trong khi các bà mẹ phương Tây được khuyên không nên để thân nhiệt quá cao, thì ở Nhật Bản, phụ nữ mang thai được nhắc nhở về việc giữ ấm. Họ vui vẻ tắm suối nước nóng nhưng tránh ăn kem và uống nước lạnh. Nhà hàng đem chăn mỏng cho phụ nữ mang thai, ngay cả trong những ngày nóng đỉnh điểm của mùa hè.

Và lời tư vấn tiêu chuẩn cho phụ nữ mang thai ở Nhật Bản còn đáng lo ngại hơn. Tỷ lệ trẻ sơ sinh thiếu cân tại Nhật rất cao và vẫn đang tăng lên, trẻ chỉ nặng trung bình 2,5 kg hoặc ít hơn lúc mới sinh. Năm 2015, có 9% trẻ sơ sinh bị thiếu cân. Zentaro Yamagata thuộc khoa Y, Đại học Yamanashi cho rằng một lý do là vì phụ nữ không tăng đủ cân trong thai kỳ. Các bác sĩ khuyên thai phụ đừng tăng quá 6-10kg, trong khi ở Anh con số này là 11-16kg.

Chính phủ có thể cân nhắc điều này nếu muốn tăng tỷ lệ sinh của mỗi phụ nữ từ 1,5 con hiện nay lên 1,8 để làm chậm quá trình giảm dân số. Nguyên nhân của sự suy giảm dân số tại Nhật Bản thì có rất nhiều và ở một mức độ nào đó, không hề dễ giải quyết. Nhưng để việc mang thai sinh nở trở thành một trải nghiệm bớt đáng sợ đi thì cũng không có hại gì.

Đào Hằng
The Economist

Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc