Bán lẻ giảm giá: Ky cóp từng yên

Các sản phẩm bán chạy nhất từ Tokyo đến Texas. Photo courtesy Divya Thakur.

Liệu chuỗi cửa hàng đồng giá 100 yên lớn nhất Nhật Bản có thể kéo dài mạch thắng của mình?

Đề tài chính trên các tờ báo Mỹ gần đây là: một cửa hàng Daiso sắp khai trương ở gần nhà bạn. Tháng trước đến lượt thành phố Plano, bang Texas có cho mình một chi nhánh trong chuỗi cửa hàng đồng giá 100 yên của Nhật Bản. (Thực tế ở Mỹ mỗi mặt hàng trong cửa hàng này có giá 1,15 usd; tỷ giá hối đoái hiện nay: 100 yên Nhật đổi 97 cent giúp Daiso có lợi nhuận cao hơn.) Cửa hàng ở Plano là cửa hàng thứ hai trong số 44 cửa hàng Daiso định mở ở bang Texas. Đến nay bang California đã có 49 cửa hàng như vậy.

Nước Mỹ không phải là trường hợp duy nhất. Ngoài hơn 3.000 cửa hàng ở Nhật Bản, Daiso còn có hơn 1.500 cửa hàng nữa ở nước ngoài. Hàng loạt các sản phẩm giá rẻ, từ những chiếc túi đáng đồng tiền bát gạo đến các nhân vật "kawaii" (dễ thương) đặc trưng của Nhật Bản, được bán trên toàn thế giới, từ các nước châu Mỹ Latin đến các quốc gia vùng Vịnh và khắp các nước châu Á khác nữa. (Tuy nhiên chưa có cửa hàng 100 yên nào ở châu Âu.)

Lần khai trương này do trụ sở của công ty nằm ở vùng ngoại ô phía đông Hiroshima lên kế hoạch và thực hiện. Nhìn bề ngoài tòa nhà trông khá tẻ nhạt, nhưng nội thất bên trong lại rực rỡ với màu hồng đặc trưng của Daiso. Một tầng râm ran tiếng khách hàng hỏi han về những gói khăn ướt và các món đồ chơi nhựa; các quầy bày bán mọi thứ từ hình dán cho trẻ em đến bộ đồ hóa trang. So với chuẩn mực thường thấy ở các doanh nghiệp Nhật Bản quy củ nề nếp, Hirotake Yano -- người mở ra công ty này vào năm 1977 -- cởi mở một cách lạ thường với các ý tưởng thử nghiệm. Ông nói mình không phải là một nhà quản lý "thật ngầu" hay "hiện đại" mà trong đa số trường hợp, ông thường quyết định bằng linh cảm. "Tôi không có bất kỳ tầm nhìn hay chiến lược nào rõ ràng," ông nói. "Tôi chỉ muốn thử xem mọi thứ thế nào."

Cho đến giờ, cách này vẫn hiệu quả. Daiso thống trị một thị trường được các nhà phân tích ước tính trị giá 600-800 tỷ yên (tương đương 5,8 -7,7 tỷ USD) tại Nhật Bản và là chuỗi cửa hàng đồng giá duy nhất đã vươn ra thị trường nước ngoài. Năm 2015, doanh thu của công ty là 396 tỷ yên; năm nay hãng tư vấn Kantar Retail dự kiến Daiso sẽ tăng trưởng trên 6%. Mức giá đồng hạng đặc trưng của Daiso thực sự hấp dẫn với người tiêu dùng Nhật Bản đang lo lắng về tình trạng kinh tế ảm đạm. Các mặt hàng phổ biến nhất là pin và hàng gia dụng nhỏ. Các chuỗi cửa hàng tiện ích khác của Nhật Bản, ví dụ như Lawson, một ông lớn với hơn 12.500 cửa hàng trong nước, đang cố gắng chen chân vào thị trường với các sản phẩm giá rẻ.

Cũng với nỗ lực như vậy, cửa hàng đầu tiên của Daiso tại Mỹ được khai trương trùng với thời kỳ khủng hoảng tài chính 2007-2008 và cuộc suy thoái sau đó. Nhưng giá cả hợp lý không phải là yếu tố duy nhất trong thành công của Daiso. Nhà phân tích Sara al-Tukhaim của hãng Kantar Retail cho rằng "Trải nghiệm mua sắm tại các cửa hàng của Daiso rất khác biệt vào thời điểm người tiêu dùng đang trở nên chán nản với cuộc chiến giá cả không ngừng."

Tại thị trường nội địa, Daiso đã vượt xa các đối thủ cạnh tranh của mình, bao gồm Seria, Watts và CanDo. Thành công bước đầu đã cho phép hãng này xây dựng quy mô vượt trội -- 50.000 mặt hàng được bày bán so với con số 20.000 của Seria, và mạng lưới các cửa hàng và nhà kho còn lớn hơn nhiều. Điều đó không có nghĩa là các đối thủ này đã rời bỏ cuộc chơi. Nhà phân tích Kosuke Narikiyo của công ty chứng khoán Nomura cho hay Seria đã chiếm được một số thị phần của Daiso nhờ các cửa hàng được thiết kế sáng sủa và sạch sẽ hơn với các gam màu dịu hơn như màu xanh nhạt. Theo Takahiro Kazahaya của Ngân hàng Deutsche tại Tokyo, lợi nhuận của Seria giờ đây đã cao hơn của Daiso.

Ông chủ của Seria, Eiji Kawai, cho biết việc Seria sử dụng các dữ liệu về khách mua đã giúp tạo nên sự khác biệt về lợi nhuận cũng như các dòng sản phẩm. Seria loại bỏ 600 mặt hàng bán chậm mỗi tháng, và thay thế bằng các mặt hàng mới. Daiso, ngược lại, không quan tâm đến các dữ liệu và hiếm khi nhìn vào con số. "Chúng tôi chỉ muốn tập trung vào những điều cơ bản: nhiều cửa hàng hơn và nhiều sản phẩm hơn," ông Yano nói. Đối với ông, chỉ có con số 100 yên là đáng quan tâm.

Vương Thảo
The Economist

Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc