Biểu tượng của Chủ nghĩa Putin: Câu chuyện về hai ngài Vladimir

Vlad Đại đế, hiểu chứ? Photo credit: The Economist.

Ở Nga, xây tượng đài cũng là một cách làm chính trị.

Vladimir Putin có một người hàng xóm mới: Vladimir Đại đế, vị vua xứ Slav từ thế kỷ 10, được tạc tượng đồng cao 16 mét. Bức tượng đứng ngay bên ngoài bức tường màu đỏ của điện Kremlin. "Nếu trong thời Xô viết, đó sẽ là một bức tượng Lenin", nhà điêu khắc Salavat Shcherbakov nói.

Những người ủng hộ tượng đài này khẳng định bức tượng để kỷ niệm 1.000 năm ngày mất của Vladimir (năm 2015), nhưng ẩn ý chính trị thì quá rõ ràng. Các bang nguyên thủy (proto-state) dưới thời Vladimir cai trị, trung tâm tại Kiev (còn được gọi là Kievan Rus), và Ukraine coi ông như tổ phụ lập quốc. Khuôn mặt của ông xuất hiện trên tờ bạc hryvnia (đơn vị tiền tệ nhỏ nhất của Ukraine), và một đài tưởng niệm khác dành cho ông đã được dựng lên bên bờ sông Dnieper, nơi ông rửa tội cho người dân của mình và truyền bá Chính thống giáo. (Ông được cho là ban đầu đã bài Do Thái giáo, Công giáo, Hồi giáo, và nói với các sứ giả Hồi giáo -- những người yêu cầu kiêng khem -- rằng "uống rượu là niềm vui của người Rus.") Đến lượt mình, các nhà lãnh đạo Nga coi vị vua này là tổ tiên của nước Nga hiện đại. "Ông ấy là vua của chúng tôi," ông Shcherbakov nói.

Những người chỉ trích coi bức tượng là một cử chỉ lộ liễu cho sự thống trị của Nga. Khi kế hoạch tạc tượng được công bố, nhà khoa học chính trị Ekaterina Schulmann đã viết "Hiển nhiên ai cũng thấy rằng vua Vladimir thực ra là Tổng thống Vladimir." Các nhà sử học lại đặt câu hỏi về tính hợp lý của suy luận này. "Khi Vladimir còn sống, Moscow chưa tồn tại", chuyên gia về người Rus cổ đại - Igor Danilevsky cho biết. Vị vua này -- người kết hôn với em gái của Hoàng đế Đông La Mã Basil II và được rửa tội tại Crimea -- đã qua đời vào đầu thế kỷ 11. Vương quốc của ngài bị chia thành các chiến ấp mà cuối cùng hình thành Nga, Belarus và Ukraine.

Tháng 3 năm 2014, Putin đã viện dẫn di sản của vị vua này để biện minh cho việc sáp nhập Crimea. "Đột nhiên mọi người đã quan tâm đến người Rus cổ đại," ông Danilevsky nói. Ngay sau đó, Hội Lịch sử quân sự Nga (RVIO) -- một cơ quan từ thời Sa hoàng được khôi phục vào năm 2012 -- công bố kế hoạch xây đài tưởng niệm. Ban tuyển chọn thiết kế do Giám mục Tikhon -- một mục sư được coi là cố vấn tâm linh của ông Putin -- đứng đầu.

Gần đây, nước Nga trở nên phát cuồng với việc xây dựng tượng đài. Tháng trước, thành phố Oryol khánh thành một bức tượng của Ivan Bạo chúa (Ivan IV Vasilyevich - người đầu tiên chính thức dùng danh xưng Sa hoàng). Ông Shcherbakov cũng đang tạc một bức tượng của Mikhail Kalashnikov, nhà sáng chế súng trường nổi tiếng. Theo kiến trúc sư nổi tiếng Evgeniy Asse, trong mô hình chính trị hiện nay của Nga, "quá khứ là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm vĩ đại."

Minh Thu
The Economist

6 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc