Hắc tâm dầu mỏ vẫn hùng mạnh

'Private Empire’, cuốn sách của Steve Coll về Exxon Mobil,
bài điểm sách của Dwight Garner, ngày 26 tháng 4 năm 2012.

Trang bìa của "Private Empire" (Đế chế bí ẩn) - cuốn sách mới của Steve Coll về tập đoàn
Exxon Mobil là một mảng màu đen u tối. Ngay cả những con chữ cũng có màu ảm đạm. Như màu phổi của một kẻ nghiện thuốc lá.

Cuốn sách đồ sộ này của Coll lần theo những thảm hoạ kinh hoàng do con người gây ra. ‘Đế chế bí ẩn’ mở đầu với sự cố tràn dầu Exxon Valdez ở Alaska vào năm 1989 (nguyên nhân được cho là người thuyền trưởng đã say rượu), và kết thúc với cơn ác mộng vào đêm ngày 20 tháng 4 năm 2010 khi dàn khoan BP Deepwater Horizon ở Vịnh Mexico phát nổ. Giữa hai phần đó có rất nhiều điều khiến những người không ưa Big Oil (nhóm bảy công ty dầu khí lớn nhất thế giới - ND) nói chung, và Exxon Mobil nói riêng, say mê thích thú.

Tác giả Coll viết, tập đoàn này là "một đế chế nằm trong đế chế Mỹ" và là "một trong những tập đoàn quyền lực nhất mà chủ nghĩa tư bản Mỹ từng
sản sinh." Một số nhân viên gọi tòa nhà trụ sở đáng sợ của nó ở gần Dallas là Death Star (Ngôi sao Chết).

Rất it ánh sáng, hoặc thông tin, rò rỉ từ Death Star. Công ty nắm giữ "một loạt những bí mật, các thỏa thuận và vấn đề an ninh nội bộ không thể công bố," Coll viết, "được bảo mật tương đương với hộp đen của những cơ quan tình báo cơ mật nhất của thế giới." Chiến lược truyền thông của Exxon Mobil, một câu đùa đã thành văn trong nội bộ công ty, là học cách nói "Tôi không có ý kiến" bằng 50 cách khác nhau.

Đế chế bí ẩn’ viết chi tiết về những vụ quấy nhiễu các nhà khoa học môi trường, những vướng mắc trong các cuộc chiến tranh ở các nước xa xôi (far-flung), những lần từ chối cung cấp thông tin cho Quốc hội, những lo lắng giả tạo về sự nóng lên toàn cầu, cung cách làm việc kiêu ngạo và các kho dự trữ tiền mặt đầy bê bối của Exxon Mobil.

Năm 2005, tập đoàn này đã thu được một khoản lợi nhuận ròng trị giá 36,1 tỷ USD, hơn bất kỳ tập đoàn nào trong lịch sử. Nếu diễn giải một lời thoại trong bộ phim năm 2007 về dầu mỏ "There Will Be Blood" (Máu sẽ phải đổ) của Paul Thomas Anderson, thì ta có thể nói Exxon Mobil đã chọc ống hút của mình vào cốc kem sữa của nhiều người.

Công ty này là một nhân vật phản diện gần như hoàn hảo và luôn sẵn sàng hành động. Khi các nhà hoạt động Greenpeace trèo lên mái nhà của Death Star vào năm 2003, họ đã giơ cao một biểu ngữ tuyên bố rằng đây chính là hiện trường của vụ án nóng lên toàn cầu. Nhưng Exxon Mobil không dễ bị bắt nạt như thế. Như Tổng thống George W. Bush từng nói với Thủ tướng Ấn Độ vào năm 2001, "Không ai có thể sai khiến họ phải làm gì."

Tác giả Coll là phóng viên của tờ The New Yorker, từng hai lần đoạt giải Pulitzer và là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó bao gồm "The Bin Ladens" (2008) và "Ghost Wars" (2004). Cuốn sách mới của ông, giống như những cuốn trước đó, là một cuộc khai quật lớn. Hàng núi dữ liệu được khai thác, nghiền ngẫm và hấp thụ như những nhiên liệu không thể thiếu của câu chuyện. Nếu Coll là một công ty, bạn sẽ muốn áp thuế các-bon đối với ông ấy.

Đế chế bí ẩn’ chi tiết, đa chiều và có giá trị. Và có lẽ điều đáng ngạc nhiên là, bất chấp tất cả sự thật đen tối ở trên, cuốn truyện vẫn rất khách quan. Tác giả Coll và các trợ lý nghiên cứu của ông đã phỏng vấn hơn 400 người, trong đó có giám đốc điều hành lâu năm Lee R. Raymond của Exxon Mobil, một nhân vật nổi tiếng là cứng rắn và khó đối phó.

Một trong những thành tựu của cuốn sách này là nó đã cố gắng nhìn nhận một thế giới năng lượng bất ổn, thường xuyên là như vậy, từ góc nhìn của Exxon Mobil. Bỏ qua một số sai lầm nghiêm trọng, tập đoàn này được miêu tả là có một kiểu văn hóa làm việc kỷ luật nếu không muốn nói là cứng nhắc để cố gắng cung cấp một sản phẩm (không giống như sản phẩm của các công ty thuốc lá, sản phẩm mà nó thường bị so sánh) mà một xã hội thông thường phải có.

Sản phẩm đó cần nỗ lực rất lớn để có được. "Không giống như Walmart hay Google," Coll viết, "các đối tượng trong mô hình kinh doanh của Exxon nằm sâu dưới lòng đất," thường là ở các quốc gia bất ổn. Theo thời gian, công ty này đã học được rằng cần phải mạnh mẽ kiểu Darwin mới có thể tồn tại. "Thỏa hiệp," Coll viết, "không phải là cách của Exxon."

Những dòng chữ bình thản của Coll là điểm mạnh lớn nhưng cũng là điểm yếu nhỏ của cuốn sách. Ông đã khái quát một lượng lớn thông tin. Có những đánh giá chi tiết về các phi vụ phức tạp về mặt đạo đức của Exxon Mobil ở các nước như Chad, Indonesia, Equatorial Guinea, Venezuela và nước Nga của Vladimir V. Putin. Có những thảo luận kỹ lưỡng về "lời nguyền tài nguyên", cụm từ chỉ việc tìm thấy nguồn dự trữ dầu có thể làm cho một số nước nghèo tụt hậu thay vì phát triển, giống như người trúng thưởng xổ số thường phung phí giải thưởng của mình.

Có cả những tường thuật về các vụ bắt cóc nhân viên, và báo cáo tài chính dài kỳ (tick-tock) theo sát các sự kiện như vụ sáp nhập của Exxon với Mobil vào năm 1999. Câu chuyện của Coll trải rộng trên trái đất giống như một chiếc máy ảnh Imax.

Ông đặc biệt am hiểu mối quan hệ phức tạp của tập đoàn với chính quyền George W. Bush. Ông Raymond là một người bạn thân thiết của Phó Tổng thống Dick Cheney. Cả hai đều học tại Đại học Wisconsin và thích đi săn. Họ có cùng quan điểm về thế giới. Khi cần thiết, ông Raymond có thể nhấc điện thoại lên và gọi cho người bạn của mình về các vấn đề của tập đoàn.

Nhưng Exxon Mobil, bằng nhiều cách, đã giữ mình tránh xa tổng thống Bush. "Chúng tôi không phải là một tập đoàn Mỹ và tôi không đưa ra quyết định dựa trên những gì là tốt cho nước Mỹ", ông Raymond từng tuyên bố. Tập đoàn này đã nhanh chóng chuồn khỏi Iraq, bất chấp lời kêu gọi khôi phục ngành công nghiệp dầu mỏ quốc gia của chính phủ và chỉ quay lại khi khói lửa đã tan, và nhân viên của Exxon Mobil sẽ được an toàn ở đó.

Ông Bush thiếu chút nữa đã thực hiện theo chương trình nghị sự của ngành công nghiệp dầu mỏ. Tuy nhiên, ông dường như muốn giữ khoảng cách với Exxon Mobil và Big Oil. Trong Thông điệp Liên bang năm 2006, ông thậm chí còn tuyên bố rằng nước Mỹ đã "nghiện dầu". Theo tác giả Coll, ông Bush hy vọng mình sẽ được nhớ tới nhờ các khoản đầu tư dài hạn vào năng lượng thay thế của chính quyền ông.

Nhưng tác giả đã thật tàn nhẫn với niềm hy vọng của ông Bush. Tác giả viết: "Tuy nhiên, giống như Tổng thống tiền nhiệm từ cả hai đảng, tổng thống Bush thiếu niềm tin, không đủ đồng minh chính trị cũng như tầm nhìn khoa học để có thể làm được gì hơn ngoài việc hy vọng rồi quăng đồng xu vào đài phun nước."

Dù có quan điểm coi thường như vậy, ‘Đế chế bí ẩn’ có lẽ quá khắc kỷ, điều tốt cho chính cuốn sách. Về mặt cảm xúc, hiếm có những đoạn cao trào. Quá ít xung lượng trong lời kể. Nhưng đâu là ranh giới phân biệt giữa một cuốn sách quan trọng và một cuốn sách thú vị? Ở cuốn sách hơn 600 trang này, đôi khi bạn có thể không kìm được mà bật lên tiếng kêu thảm thiết, như vị giám đốc điều hành không may của BP Tony Hayward trong thảm họa Deepwater Horizon, "Tôi muốn lấy lại cuộc đời mình."

Điều khiến bạn không thể rời được trang sách là cách khắc họa chân dung khôn khéo và cuốn hút của tác giả Coll về ông Raymond, người đã trở thành giám đốc điều hành của Exxon một vài năm sau sự cố tràn dầu Valdez và điều hành công ty cho đến năm 2006. Ông đã thay đổi tập đoàn một cách cơ bản, di chuyển trụ sở từ Manhattan về Texas và lấy sự an toàn, tính hiệu quả và lợi nhuận tuyệt đối làm mục tiêu quan trọng nhất của mình.

Ông Raymond đặc biệt chú ý về khiếm khuyết kém hấp dẫn của mình. Ông bị hở hàm ếch, và "xương hàm dưới cằm ông có thể phình to như cổ của ễnh ương", tác giả Coll viết. Ông Raymond khiến nhân viên của mình phát khiếp. Nhưng sự thẳng thừng của ông cũng truyền cảm hứng cho họ. Tôi muốn đọc một cuốn tiểu sử của người đàn ông này ngay lập tức. Ông thường uống gì khi đi máy bay riêng của công ty? Một ly sữa có bỏ thêm bỏng ngô.

Khi Raymond nghỉ hưu, Exxon Mobil đã trở thành một nơi tử tế và êm đềm hơn, dù chỉ một chút. Tập đoàn đã thừa nhận sự nóng lên toàn cầu và ủng hộ một mức thuế các-bon nhất định. Nó theo dõi chặt chẽ các nguồn năng lượng thay thế thân thiện với môi trường và đã bắt đầu sử dụng các kỹ thuật khoan nguy hiểm như dùng thủy lực để phá vỡ các lớp đá (hydraulic fracturing, or fracking) - một hoạt động ít được biết đến hơn.

Tập đoàn này bắt đầu quan tâm đến những gì chúng ta nghĩ về họ. Giờ đây, dường như họ muốn có một câu trả lời tốt đẹp cho câu hỏi mà một chuyên gia đã hỏi vị giám đốc điều hành, dù lời lẽ chính xác thì hay hơn nhiều so với câu được ghi dưới đây:

Bạn sẽ nói gì với cháu của bạn khi chúng hỏi: ông nội, tại sao ông lại tàn phá hành tinh này?

Minh Thu
NYTimes


4 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc