Dòng chảy tình yêu, từ Tổng thống tới Tổng thống

'41', Bức chân dung của George W. Bush về cha mình George H.W. Bush
bài điểm sách của Michiko Kakutani,
ngày 11 tháng 11, năm 2014.

Mối quan hệ giữa George W. Bush và cha của ông, George H.W. Bush, có lẽ là mối quan
hệ cha con được bàn luận nhiều nhất trong lịch sử hiện đại — so với lịch sử của Shakespeare, bi kịch Hy Lạp và nhạc kịch hài. Trong cuốn sách mới của mình, tổng thống thứ 43 phác họa một bức chân dung trìu mến về tổng thống thứ 41, với những tiết lộ thực tế ngắn gọn nhưng dạt dào cảm xúc.

Trong cuốn "41", Bush con hầu như không đưa ra một chút thông tin mới nào về quyết định tấn công Iraq mang tính lịch sử vào năm 2003 hoặc về những thời điểm quan trọng khác trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông cũng không cho chúng ta biết nhiều về nhiệm kỳ của cha mình ở Nhà Trắng, những điều mà chúng ta vẫn chưa biết. Thay vào đó, ông viết những gì ông gọi là một "câu chuyện tình yêu" về cha mình. Ở mức tốt nhất, cuốn sách có đủ những phẩm chất của những bức tranh được bàn tán nhiều dạo gần đây của ông Bush con: bình dân, quan sát sắc bén và gây cảm động một cách đáng ngạc nhiên, đặc biệt là đối với một người mà không ai biết chính xác là người sống nội tâm. Ở phía ngược lại, cuốn sách ngồn ngộn những chi
tiết cụ thể về Bush cha, với những nỗ lực không hề giấu diếm để chuyển hướng hoặc tránh né các câu hỏi quan trọng về nhiệm kỳ Tổng thống của chính mình.

Kể từ khi George W. Bush bước lên vũ đài chính trị quốc gia, các nhà báo, các chính trị gia khác và thậm chí cả các thành viên gia đình đã luôn so sánh và tìm sự khác biệt giữa hai cha con. Trong khi Bush cha nổi tiếng vì cách cư xử khiêm tốn kiểu New England và chính sách ngoại giao kín đáo, Bush con được biết đến như một người có phần tự cao, thẳng thắn với thái độ nghênh ngang của vùng Texas. Trong khi chính sách của Bush cha dựa trên chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa hiện thực và đường lối ôn hòa kiểu cũ của Đảng Cộng Hòa, Bush con nghiêng về phía chủ nghĩa bảo thủ kiểu mới và sự thôi thúc xuất khẩu dân chủ và định hình lại thế giới. Bush cha không quá nhiệt tình về "những tầm nhìn", trong khi Bush con coi trọng những ý tưởng lớn.

"Đối với tất cả mọi vấn đề, từ thuế cho đến Iraq, người con trai đã cố gắng sử dụng những điều được coi là thất bại của người cha trong con mắt của những người bảo thủ như một cuốn cẩm nang để làm ngược lại." Maureen Dowd của tờ New York Times viết vào năm 2002. Khi Tổng thống Bush thứ 41 tiến hành chiến tranh với Saddam Hussein vào năm 1991 (sau cuộc xâm lược Kuwait của Iraq), ông đã quyết định không tiến thẳng tới Baghdad và lật đổ nhà độc tài Iraq, sau đó giải thích rằng nếu chúng ta tới đó và tạo ra "bất ổn ở Iraq, tôi nghĩ nó sẽ gây hậu quả rất xấu cho khu vực".

Bush con viết, có phần nào biện hộ, rằng khi ra lệnh tấn công Iraq vào năm 2003, ông "đã không cố gắng để 'hoàn thành những gì cha đã bắt đầu', như một số người vẫn nghĩ. Tôi làm như vậy để bảo vệ nước Mỹ, như khi tôi tuyên thệ."

Ông cũng nói thêm về tuyên bố gây bất ngờ ông từng nói với Bob Woodward –rằng ông không nhớ có tham khảo ý kiến cha mình về quyết định gây chiến hay không. Trong cuốn "41", ông nói: "Tôi chưa bao giờ hỏi cha nên làm gì. Chúng tôi đều biết rằng đây là một vấn đề mà chỉ có tổng thống mới có quyền quyết định. Tuy nhiên, chúng tôi có nói chuyện về vấn đề này. Trong dịp Giáng sinh năm 2002, tại Trại David, tôi đã nói với cha về chiến lược mới nhất của chúng tôi".

Ông nói, cha đã trả lời: "Con biết chiến tranh khắc nghiệt như nào, con trai, và hãy dùng tất cả mọi giải pháp có thể để tránh chiến tranh," cha nói. "Nhưng nếu gã đó không tuân thủ, con không có sự lựa chọn nào khác."

Việc không thể thảo luận, điều không bình thường một cách kỳ cục, giữa cha và con về chính sách và chính trị -- dường như e ngại rằng đó là can thiệp hay dẫm lên chân nhau -- là một chủ đề thường xuyên trong cuốn sách này. Bush con nói rằng cha ông đã không trực tiếp ngăn cản ông chạy đua vào Quốc hội vào cuối những năm 1970, thay vào đó giới thiệu ông đến nói chuyện với một người bạn, người nói rằng ông sẽ không thể giành chiến thắng. (Và thực tế đúng như vậy.)

Đối với nhiều người quan tâm về bầu không khí chiến tranh dồn dập trong Nhà Trắng vào năm 2002, điều tương tự xảy ra khi cựu cố vấn an ninh quốc gia và cũng là bạn thân của Bush cha, Brent Scowcroft, viết một bài bình luận trên tờ Wall Street Journal cảnh báo rằng một cuộc tấn công nữa vào Saddam có thể "gây nguy hiểm nghiêm trọng, nếu không muốn nói là sẽ phá hủy, chiến dịch chống khủng bố trên toàn cầu mà chúng ta đã và đang thực hiện."

George W. Bush cũng viết rằng cha ông đã không nói gì, vào năm 1993, khi ông quyết định chạy đua vào ghế Thống đốc bang Texas, ông cũng không hỏi cha mình liệu có nên tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2000 hay không, bổ sung rằng "tôi biết cha sẽ ủng hộ bất kỳ lựa chọn nào mà tôi đã quyết."

Các nhà viết tiểu sử và nhà báo thường xuyên nhận định rằng Bush con (với một tuổi trẻ nghiện ngập và sống vô trách nhiệm đã khiến ông trở thành kẻ lạc loài trong gia đình khi bị so sánh với Jeb-cậu bé vàng) thường xuyên cảm thấy bị lu mờ bởi cha mình. Và họ cho rằng, khi là tổng thống, ông cảm thấy thôi thúc phải vượt qua cha mình bằng cách lật đổ Saddam Hussein mãi mãi, và bằng cách chiến thắng ở nhiệm kỳ thứ hai -- những lập luận mà gia đình Bush cho là bá láp tâm lý.

Trong cuốn "41", Bush con kể nhiều về những thành công ban đầu của cha. ("Chẳng mấy ai có thể thành công ở cả ba vai: anh hùng chiến tranh, thành viên của Phi Beta Kappa và đội trưởng đội bóng chày" tại Yale cả, ông viết.) Và chắc chắn có thông tin thú vị đối với những ai tìm kiếm manh mối phức cảm Oedipus*. Bush con nói rằng giấc mơ thời đại học của cha mình về một sự nghiệp bóng chày đã thất bại vì "ông không có chiếc gậy đủ lớn để chơi ở những trận ở giải major league," và cũng buồn về việc người cha lịch thiệp của mình yếu thế trong cuộc tranh luận với Ronald Reagan, nhắc lại một bài báo từng nói rằng ông có "xương sống của một con sứa."

Tuy nhiên, Bush con viết rằng cha vẫn cho ông "tình yêu vô điều kiện", và ông cùng các anh chị em đều cảm thấy rằng "không lý gì phải ganh đua với cha –không lý gì phải chống đối cha-- vì ông sẽ yêu thương chúng ta vô điều kiện." Bush con ca ngợi sự hào phóng nổi tiếng của cha mình, tài năng trong việc vun đắp tình bạn và sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro (từ việc nhập ngũ ở tuổi 18, không lâu sau trận Trân Châu Cảng, đến việc chuyển tới Texas sau khi tốt nghiệp đại học, tới việc dấn thân vào chính trị sau một thời gian ngắn làm việc trong ngành dầu khí).

Giống như nhiều người, Tổng thống thứ 43 ca ngợi Tổng thống thứ 41 về tài xử lý ngoại giao khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, giúp đỡ nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail S. Gorbachev và khôn ngoan khi không tỏ ra vui mừng khi Bức tường Berlin sụp đổ. Bush con nói rằng, theo cách nào đó cha ông "giống như Winston Churchill, người đã bị hất khỏi văn phòng vào năm 1945 chỉ vài tháng sau khi thắng thế trong Thế chiến II."

Các phần thuyết phục nhất của cuốn sách này lại không phải về chính trị, mà là về những câu chuyện riêng tư. Lời văn của Bush con không có sự lôi cuốn chỉn chu như của cha mình (cuốn "All the best, George Bush") hay khiếu văn chương như người vợ của mình, Laura, trong cuốn hồi ký của bà, "Spoken From the Heart" (Lời từ trái tim). Nhưng không giống như những cuốn sách trước đó của ông (cuốn hồi ký đại khái về chiến dịch năm 1999, "A Charge To Keep" (Sứ mệnh gánh mang), và cuốn tự truyện ra mắt năm 2010, “Decision Points” (Những thời khắc quyết định), cuốn sách này gần như thể hiện được giọng văn đặc biệt của Bush con -- khi thì hài hước và tình cảm, lúc lại nổi loạn nhưng chân thành.

Trong cuốn này có rất ít thông tin về các anh chị em khác của ông (em trai Jeb, ứng cử viên tổng thống tiềm năng, chỉ được nhắc đến bên lề câu chuyện), nhưng những đoạn dành cho người em gái Robin qua đời vì bệnh bạch cầu năm 1953 đều thật chân thành và cảm động.

"Vào một trong những khoảnh khắc cuối cùng của em với cha," Bush con viết, "Robin ngước đôi mắt xanh tuyệt đẹp lên nhìn cha và nói, "Con yêu cha nhiều hơn điều con có thể nói." Và cha đã nhắc đi nhắc lại những lời đó suốt phần đời còn lại của mình".

Những mô tả về thế giới Texas miền Tây chào đón ông và cha mẹ của mình trong những năm 1950 gợi lên minh chứng tuyệt vời về con mắt hội họa của Bush. "Chúng tôi sống tại một khách sạn trong một thời gian ngắn và sau đó chuyển đến ngôi nhà mới rộng 79 mét vuông ở ngoại ô thành phố," ông nhớ lại. "Khu vực đó được gọi là Easter Egg Row (Dãy Trứng Phục sinh), do các nhà phát triển bất động sản đã sơn màu rực rỡ để giúp cư dân phân biệt các ngôi nhà với nhau. Quả trứng Phục Sinh của chúng tôi tại số 405 đường East Maple có màu xanh sáng."

Bush con viết, mặc dù việc cha không giành được chiến thắng cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng khiến mọi người thất vọng, nhưng ông đã tìm thấy "điều gì đó tích cực về thất bại của cha mình vào năm 1992 -- nó đã trở thành động lực cho sự nghiệp chính trị của hai người" (ở đây là, tác giả và Jeb) "mà ông đã nuôi dạy và yêu thương." Bush con viết, nếu cha tái đắc cử năm đó, "Tôi đã không chạy đua vào ghế Thống đốc bang Texas vào năm 1994 -- và có lẽ cũng không chạy đua cả chiếc ghế Tổng thống và bước vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử sít sao năm 2000, cuộc bầu cử phải trình lên tới Tòa án Tối cao Mỹ. Lịch sử diễn ra theo những cách kỳ lạ như vậy đấy.

Minh Thu
NYTimes



* Khái niệm do nhà phân tâm học Sigmund Freud đưa ra: một đặc điểm tâm lý ở trẻ nhỏ từ ba đến năm tuổi: đứa trẻ thể hiện sự quý mến người sinh thành ra mình, thuộc giới tính khác mình nhưng lại đố kỵ và căm ghét bậc phụ huynh cùng giới tính với mình.

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc