Tỏa sáng hay chói sáng? Những nỗ lực hỗ trợ phụ nữ làm việc của Nhật Bản đang suy yếu dần

Photo credit: The Economist.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhưng vị trí của họ lại thấp.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là nhà tranh đấu trao quyền cho phụ nữ bất đắc dĩ. Từ một người kiên trung với đường lối bảo thủ và là lãnh đạo lâu năm của một đảng phản đối chủ nghĩa nữ quyền, ông Abe đã có sự đổi thay do tình trạng nhân khẩu học đáng báo động của Nhật Bản: lực lượng lao động sẽ giảm khoảng 25 triệu người, tức hơn một phần ba, vào năm 2060. Bà Kathy Matsui thuộc ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nói: trong khi đó hàng triệu phụ nữ có trình độ đại học đang phải ngồi nhà với tài năng bị lãng phí. "Nhật Bản sẽ là nước có lợi hơn hầu hết các nước khác nếu tăng tỷ lệ lao động nữ."

Tuy nhiên, bốn năm kể từ khi ông Abe nhậm chức, và 17 năm kể từ khi bà Matsui đặt ra thuật ngữ “nền kinh tế vì phụ nữ” [womenomics - chính sách tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế - ND], chính phủ vẫn đang chật vật để giúp phụ nữ Nhật Bản "tỏa sáng", những từ ngữ hoa mỹ để nâng cao vị thế của phụ nữ trong công việc. Theo xếp hạng mới nhất tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Nhật Bản có chỉ số chênh lệch giới tính [đánh giá khác biệt nam nữ trong các lĩnh vực sức khỏe, giáo dục, kinh tế và chính trị - ND] xếp thứ 111 trong 144 quốc gia, đã rớt 10 hạng kể từ năm 2015. Chỉ 9,5% thành viên trong Hạ viện Nhật Bản là nữ, xếp thứ 155 trên thế giới. Dưới sự chỉ đạo của ông Abe, số lượng nữ giám đốc tại các công ty Nhật Bản đã nhích lên khoảng 2,7%.

Chính phủ tuyên bố sẽ thêm một triệu phụ nữ vào lực lượng lao động kể từ năm 2012. Nguyên lãnh đạo cơ quan quốc gia về bình đẳng giới Masako Mori cho biết tỷ lệ 66% phụ nữ tham gia lao động như hiện nay là con số nằm trong top cao nhất thế giới. Những người chỉ trích cho rằng kết quả này phần lớn là do tình hình thị trường lao động đầy căng thẳng (drum-tight) chứ không phải do chính sách đổi mới. Nhận thức được rằng hầu hết các công việc này ở rất thấp trong hệ thống cấp bậc của công ty, chính phủ cũng đã vực lại mục tiêu đặt ra từ chục năm nay: có 30% phụ nữ ở "vị trí lãnh đạo" vào năm 2020. Nhưng sau đó thừa nhận rằng mục tiêu này khó thực hiện được.

Haruko Arimura, nguyên lãnh đạo cơ quan phụ trách hoạt động trao quyền cho phụ nữ, khẳng định chính phủ đã có nhiều hành động nhằm cải thiện vị thế cho phụ nữ hơn là những con số thống kê này: "Lần đầu tiên chúng ta không nói về việc liệu phụ nữ có nên được nắm quyền hay không mà là nắm quyền như thế nào." Bà Arimura đã giúp thông qua một đạo luật mang tính bước ngoặt vào năm ngoái nhằm chấm dứt sự phân biệt giới tính nơi công sở. Các công ty và tổ chức nhà nước trên 300 nhân viên phải công khai số lượng nhân viên và quản lý nữ, và có mục tiêu để hỗ trợ, khuyến khích các đối tượng này. Bà nói mục đích của việc này là làm những ông chủ phải cẩn trọng mà làm tốt hơn.

Dư luận rõ ràng là đang thay đổi. Theo một cuộc khảo sát mới đây của Văn phòng nội các, lần đầu tiên hầu hết người Nhật đồng ý rằng nên để các bà mẹ tiếp tục sự nghiệp của họ. Các phương tiện truyền thông đăng tải rất nhiều câu chuyện về vấn đề quấy rối thai sản (matahara, ghép giữa "thai sản" và "quấy rối" – tình trạng phụ nữ mang thai bị bắt nạt tới mức thôi việc). Thực tế khoảng 47% phụ nữ rời bỏ công việc sau khi có con cũng gây ra nhiều lo ngại. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới thì điều này đặc biệt không may bởi vì phụ nữ Nhật Bản có sức khỏe, được giáo dục tốt hơn và sống lâu hơn những người cùng giới ở các nước khác.

Bà Arimura, mẹ của đứa hai con, nhớ lại những áp lực khi quyết định lựa chọn sự nghiệp chính trị: "Mọi người đều nói rằng họ cảm thấy tiếc thay cho chồng và con tôi." Bà tin rằng vai trò dẫn đầu của công chúng và sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính phủ có thể thay đổi thái độ đó. Chính phủ hứa sẽ chấm dứt tình trạng thiếu thốn của hệ thống chăm sóc trẻ em vào cuối năm tới. Bà Arimura cho rằng một vấn đề phức tạp hơn càng củng cố thói quen làm việc.

Lao động nam vẫn chiếm hầu hết các vị trí quan trọng nhất của công việc toàn thời gian tại các công ty Nhật Bản. Những giờ làm việc kéo dài khiến việc chăm sóc con cái trở thành điều không thể. Cải cách lao động được đưa ra từ chục năm trước đã đẩy nhanh sự gia tăng về số lượng lao động tạm thời, trong đó chủ yếu là phụ nữ. Theo ông Ayaka Shiomura, thành viên của hội đồng thành phố, định hướng một lực lượng lao động cân bằng về giới tính sẽ vẫn được duy trì dưới thời của ông Abe.

Theo cảnh báo của ông Nicholas Benes, Viện trưởng Viện Đào tạo giám đốc của Nhật Bản, các công ty và công đoàn miễn cưỡng phá bỏ hệ thống làm việc truyền thống của Nhật Bản, nhưng nếu không linh hoạt hơn trong các quy chế lao động, chính sách “nền kinh tế vì phụ nữ” sẽ thất bại. Ông muốn thấy một kiểu mẫu hợp đồng mới dành cho các bà mẹ, có cả nghỉ phép hợp lý và các lựa chọn nghề nghiệp thay thế, bên cạnh những tiêu chuẩn cho các nhân viên khác. Quốc hội đang thảo luận về các cải cách nơi công sở nhưng vẫn chưa có kết quả chắc chắn. Bà Matsui nói một số công ty rất muốn giữ chân nhân viên đã bắt đầu chuyển những vị trí theo thời vụ sang toàn thời gian. Bà nói thêm, dù gì đi chăng nữa ông Abe cũng đã đạt được thành tựu khi trao quyền cho phụ nữ bằng cách biến vấn đề nhân quyền thành một nhu cầu kinh tế cấp thiết. "Đó là một sự thay đổi lớn."

Bích Nhàn
The Economist

Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc