Dưới sự dẫn dắt của Rex Tillerson, Exxon Mobil đã tạo nên con đường riêng ra thế giới

Tác giả: Ben Hubbard, Dionne Searcey và Nicholas Casey
Ngày 13 tháng 12 năm 2016.

Tổng thống Vladimir V. Putin của Nga trao tặng huy chương cho ông Rex W. Tillerson, Tổng giám đốc điều hành của Exxon Mobil, vào năm 2012 tại St. Petersburg. Photo credit Mikhail Klimentyev (NYTimes).

Trong tình hình cố gắng không để Iraq tan rã, các nhà ngoại giao Mỹ đã thúc đẩy một đạo luật vào năm 2011 để phân chia nguồn tài nguyên dầu mỏ của nước này giữa các vùng khó kiểm soát.


Dưới sự dẫn dắt của Tổng giám đốc điều hành tập đoàn, ông Rex W. Tillerson, người khổng lồ về dầu khí này đã bỏ qua Baghdad và Washington và ký kết một thỏa thuận trực tiếp với chính quyền người Kurd ở phía bắc Iraq. Động thái này làm suy yếu chính quyền trung ương Iraq, củng cố thêm tham vọng độc lập của người Kurd và đi ngược lại mục tiêu đề ra của Mỹ.

Việc ông Tillerson sẵn sàng ký thỏa thuận bất chấp những hậu quả chính trị đã nói lên rất nhiều về tầm ảnh hưởng của Exxon Mobil. Trong trường hợp Iraq, ông Tillerson và tập đoàn dầu mỏ của ông qua mặt Bộ Ngoại giao, mà giờ đây ông được Tổng thống mới đắc cử Donald J. Trump đề cử làm người đứng đầu Bộ này.

"Họ đầy quyền lực trong khu vực, và họ không hề quan tâm đến những gì Bộ Ngoại giao muốn làm", Jean-François Seznec, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, một nhóm nghiên cứu ở Washington, cho hay về những đeo đuổi của Exxon Mobil ở Trung Đông.

Là tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Mỹ, với các hoạt động trên sáu châu lục và giá trị thị trường hơn 390 tỷ USD, Exxon Mobil có thể được coi là một nhà nước nằm trong một nhà nước. Trong khi ông Tillerson chưa bao giờ chính thức là một nhà ngoại giao, ông được cho là đã để lại dấu chân nước Mỹ tại nhiều quốc gia khác hơn bất kỳ ứng cử viên nào trước ông -- với một chương trình làm việc ở nước ngoài mà không phải lúc nào cũng ăn khớp với chương trình nghị sự của chính phủ Mỹ.

Dưới sự dẫn dắt của ông Tillerson, Exxon Mobil đã thực hiện giao dịch làm ăn sinh lợi với các chính phủ áp bức ở châu Phi, đã đụng độ với Trung Quốc và kết bạn với Việt Nam trên lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông, đã rút được kinh nghiệm khó khăn tại Venezuela, và xây dựng mối quan hệ gần gũi với Nga tại thời điểm nghi ngờ giữa Kremlin và phương Tây đang ngày càng sâu sắc.

Ông Trump nhấn mạnh vai trò đặc biệt của ông Tillerson trong việc theo đuổi lợi ích của tập đoàn trên toàn thế giới, và công bố lựa chọn vào hôm thứ ba bằng cách tuyên bố rằng "sự kiên trì, kinh nghiệm rộng rãi và sự hiểu biết sâu sắc về địa chính trị của ông Tillerson khiến cho ông này là một sự lựa chọn tuyệt vời cho vị trí Ngoại trưởng."

Nhưng đây là một nhiệm vụ mới đối với ông Tillerson, bởi vì với tư cách là giám đốc điều hành ông đã nói rõ rằng các lợi ích quốc gia và các ưu tiên ngoại giao không phải là mối quan tâm chính của ông. Ông tập trung vào vấn đề tiếp cận với năng lượng.

"Và nếu chúng tôi có thể làm điều đó, nguồn gốc đến từ đâu không mấy quan trọng gì đối với chúng tôi, miễn là đáng tin cậy," ông cho biết tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại trong tháng 6 năm 2012.

Thử thách lớn đầu tiên ở nước ngoài của ông Tillerson được thực hiện ngay sau khi ông trở thành giám đốc điều hành của Exxon Mobil trong năm 2006, khi ông đối đầu trực tiếp với chính phủ Venezuela -- và đã phải chịu hậu quả.

Tập đoàn đã làm ăn tại Venezuela trong nhiều thập kỷ, nhưng sau đó, Tổng thống Hugo Chávez kêu gọi một cuộc cách mạng kiểu xã hội chủ nghĩa để mang lại lợi ích cho người nghèo, đã bắt đầu đàm phán lại các hợp đồng của ngành công nghiệp này. Đến năm 2007, chính phủ Venezuela để mắt đến những dự án liên quan tới những gã khổng lồ ngành công nghiệp dầu lửa như Exxon Mobil, Chevron và Total.

Các tập đoàn nước ngoài đã sớm bắt đầu hợp tác với chính phủ của ông Chavez, nhưng Exxon Mobil và một tập đoàn khác, ConocoPhillips, ngần ngại thay đổi.

"Ngay từ đầu, Exxon đã gửi tín hiệu mạnh mẽ rằng họ sẽ không chịu bị chèn ép, họ sẽ sử dụng tất cả các quyền lợi hợp pháp của mình, và họ sẽ còn cứng rắn hơn", Francisco Monaldi, một nhà tư vấn trước đây cho PDVSA - công ty dầu khí nhà nước Venezuela, cho hay.

Đáp lại, Venezuela quốc hữu hóa tài sản của cả hai tập đoàn. Exxon Mobil đưa Venezuela ra tòa án trọng tài, và nhận được một kết quả đáng thất vọng. Năm 2014, bảy năm sau khi tranh chấp bắt đầu, tòa án trọng tài quốc tế của Ngân hàng Thế giới phát hiện thấy điều có lợi cho tập đoàn này, nhưng chỉ trao lại một phần mười giá trị khối tài sản mà Exxon Mobil định giá.

Tập đoàn đã không còn hoạt động tại Venezuela kể từ đó.

"Theo ý kiến của tôi, ông ấy đã cá nhân hóa vấn đề với Chávez," Ghassan Dagher, nhà tư vấn ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela cho biết và nói thêm rằng ông Tillerson "hoàn toàn rơi vào bẫy."

Đó là một bài học mà có thể đã giúp ích cho ông Tillerson trong giao dịch với Tổng thống Nga Vladimir V. Putin, ông nói.

"Một khi Exxon kết thúc câu chuyện với ông Chavez, họ nói, ‘Chúng tôi sẽ không mắc phải sai lầm tương tự.’ Đó là lý do vì sao họ trở nên gần gũi với Putin đến vậy."

Ông Tillerson đã thành công dẫn dắt tập đoàn của mình qua các lộn xộn chính trị của ngành kinh doanh dầu khí ở Nga.

Các nhà điều hành của Exxon Mobil cho biết ông Tillerson không thể thực hiện cuộc phỏng vấn. Nhưng họ cho hay ông Tillerson và ông Putin không phải là bạn, phản bác lại chỉ trích trong nước Mỹ cho rằng ông Tillerson quá thân thiết với Nga nên không thể có một lập trường mạnh mẽ chống lại Nga. Ông Putin đã trao tặng ông Tillerson huân chương hữu nghị cho việc ký kết những giao dịch kinh doanh ở Nga.

Không lâu sau đó, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga vào năm 2014 do sự can thiệp nguy hiểm của Moscow ở Ukraine, dẫn tới việc chính sách đối ngoại của Mỹ và mục tiêu đầu tư của tập đoàn bị lệch nhau. Exxon Mobil hiện tại có hàng tỷ USD trong các giao dịch mà sẽ chỉ có thể được tiếp tục thực hiện một khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Một số quan chức và giám đốc điều hành cho rằng cách tiếp cận với tư duy kinh doanh của ông Tillerson đối với Nga có thể giảm bớt tình hình căng thẳng, quan điểm này bị nhiều nhà ngoại giao, các nhóm nhân quyền và những người ủng hộ giải trừ quân bị nghi ngờ.

Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của ông Putin, đã dành lời khen ngợi cho ông Tillerson, và cho hay nước Nga đã sẵn sàng tìm cách giải quyết "tình trạng vô lý" giữa hai cường quốc. "Chúng tôi muốn thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng này," ông nói.

Ở Tây Phi, Exxon Mobil đã thực hiện những hợp đồng béo bở với chính phủ của Equatorial Guinea, chính phủ này tùy tiện bắt giữ và tra tấn các nhà phê bình, coi thường các cuộc bầu cử, và đã phải đối mặt với công tố quốc tế cho việc sử dụng lợi nhuận từ dầu khí để làm giàu cho cá nhân gia đình tổng thống.

Tutu Alicante, giám đốc của cơ quan giám sát EG Justice, cho biết bằng cách kinh doanh tại Equatorial Guinea, Exxon Mobil là đồng lõa củng cố cho Tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo -- một lãnh đạo chính trị quyền lực đã giữ chức vụ kể từ năm 1979.

"Exxon chắc chắn đã giúp củng cố một chính phủ mà ngày trước vốn rất hà khắc nhưng không có đủ nguồn lực để giữ quyền lực," ông Alicante nói.

Đối với việc lựa chọn ông Tillerson làm Ngoại trưởng, ông nói thêm, "Đối với bất kỳ ai quan tâm đến tính minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng, đây là một lựa chọn khủng khiếp."

Ông Obiang và gia đình ông đã phải đối mặt với cuộc điều tra tại Mỹ và các nơi khác cho việc sử dụng phi pháp hàng trăm triệu đô la từ ngân quỹ Equatorial Guinea để mua bất động sản tại Malibu và Paris, cùng với những bức tượng Michael Jackson cỡ người thật.

Con trai của vị tổng thống này đang bị điều tra vì hoạt động rửa tiền tại Pháp và Thụy Sĩ, nơi mà các cơ quan chức năng thu giữ 11 chiếc xe sang trọng bao gồm một chiếc Bugatti Veyron trị giá khoảng 2 triệu USD.

Hầu hết dân số của Equatorial Guinea sống dưới một đô-la một ngày.

Tài liệu ghi nhận những hoạt động đáng nghi vấn tại Equatorial Guinea bắt đầu trước khi ông Tillerson nhậm chức Tổng giám đốc điều hành.

Năm 2004, một tiểu ban Thượng viện Mỹ đã xác định được một ngân hàng ở Washington, nơi Exxon Mobil và các công ty dầu khí khác gửi hàng trăm triệu đô-la tiền nợ Equatorial Guinea cho các hoạt động tại đó. Báo cáo của tiểu ban cho thấy rằng nguồn tiền kể trên đi tới gia đình tổng thống.

"Chính phủ đã sử dụng tài nguyên dầu mỏ của đất nước như một máy ATM cá nhân, theo nghĩa đen", ông Arvind Ganesan, giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết.

Hành vi như vậy vẫn tiếp tục, ông nói thêm.

Nhưng Alan Jeffers, phát ngôn viên của Exxon Mobil, cho biết khi giao dịch với các quốc gia có tiền sử tham nhũng, công ty đã cẩn thận tuân thủ Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ, trong đó nghiêm cấm hối lộ quan chức nước ngoài để kinh doanh.

"Chúng tôi là một công ty tuân thủ pháp luật", ông Jeffers nói. "Khi không có điều luật ngăn cấm điều gì đó, chúng tôi sẽ đánh giá vấn đề trên cơ sở từng trường hợp kinh doanh."

Tập đoàn đã nhận được cả khen ngợi lẫn chỉ trích ở Nigeria, nước sản xuất dầu lớn nhất châu Phi.

Khi Exxon, tiền thân của Exxon Mobil, mua lại hoạt động của Mobil tại Nigeria vào cuối năm 1990, tập đoàn đã có công khi sửa đổi những hành vi xấu bao gồm hối lộ và quản lý cẩu thả, Matthew Page, một nhà tư vấn gần đây đã trở thành chuyên gia hàng đầu của Bộ Ngoại giao về Nigeria cho hay. "Họ đến với một nền văn hóa quản lý cứng rắn hơn, bài bản hơn và hoàn toàn làm sạch hoạt động của Mobil tại đó", ông nói.

Gần đây hơn, trong nhiệm kỳ của ông Tillerson, công trình ngoài khơi Exxon Mobil đã bị tấn công bởi các chiến binh vùng châu thổ sông Niger vốn cho rằng tài nguyên dầu mỏ của quốc gia chủ yếu đem lại lợi ích cho một nhóm nhỏ giới thượng lưu ở Nigeria, do đó gây thiệt hại sâu rộng về môi trường như sự cố tràn dầu.

Tập đoàn cho biết phải coi trọng việc bảo vệ môi trường, kể cả ở những nơi có quy định và thực thi pháp luật yếu kém.

"Chúng tôi sẽ áp đặt các tiêu chuẩn môi trường đối với hoạt động của chính mình cho dù pháp luật không nhất thiết yêu cầu," ông Jeffers nói.
"Đó là hành vi tốt với tư cách là một công ty có trách nhiệm."

Ông Page cho biết kinh nghiệm của ông Tillerson trong giao dịch đàm phán trên thế giới sẽ giúp ông trong vai trò nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ.

"Exxon có tiếng là không nhân nhượng trong các cuộc đàm phán ở các nước khác, và Tillerson là một chuyên gia", ông nói. "Ông ấy sẽ bay vòng quanh thế giới đàm phán các giao dịch với những người đứng đầu các quốc gia nước ngoài. Từ góc nhìn đó, ông ấy sinh ra để làm Ngoại trưởng."

Tuy nhiên, dưới thời ông Tillerson, Exxon Mobil cũng bị chỉ trích vì sự thiếu minh bạch trong các giao dịch với chính phủ Nigeria. Ủy ban Tội phạm Kinh tế và Tài chính của quốc gia này đang điều tra một thỏa thuận cấp lại giấy phép năm 2009 cho Exxon Mobil, sau cáo buộc rằng tập đoàn đã bị một đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc trả giá thầu cao hơn rất nhiều. Các nhà phê bình cho rằng thỏa thuận này đã được thực hiện bất hợp pháp.

"Họ đã thực hiện một quá trình cấp lại giấy phép đầy tham nhũng và không rõ ràng," Olanrewaju Suraju, chủ tịch của Mạng xã hội Dân sự Chống Tham nhũng ở Nigeria, nói về chính phủ Nigeria đang cầm quyền vào thời điểm đó.

Một số nhà phân tích cho rằng, Exxon Mobil có một mục tiêu duy nhất ở nước ngoài.

"Một trong những xu hướng rõ ràng xuyên suốt chính sách đối ngoại của Exxon đó là họ hoàn toàn chỉ vì kinh doanh và thực hiện những gì tốt nhất cho các cổ đông," Ben Van Heuvelen, biên tập viên quản lý của Báo cáo Dầu khí Iraq cho biết. "Họ sẵn sàng tìm kiếm cách khác khi đối mặt với một loạt vấn đề."

Nhưng Robert M. Gates, người từng là bộ trưởng quốc phòng dưới thời Tổng thống Obama và Tổng thống Mỹ George W. Bush, cho biết ông đã tiến cử ông Tillerson cho ông Trump. Ông Gates, người có công ty tư vấn đại diện cho Exxon Mobil, cho biết ông Tillerson thừa khả năng làm nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ: "Tôi cho rằng Rex là một người thực tế có đôi mắt cứng rắn, và tôi nghĩ ông ấy hoàn toàn sẽ đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu trong bất kỳ đàm phán nào."

Quỳnh Anh
NYTimes


2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc