Ở Nhật Bản, một loại hình trường học mới về kinh doanh đang thực hiện đào tạo lại những công chức làm công ăn lương mệt mỏi chán nản

More businessmen in Tokyo sleep on the street than homeless people. Photo courtesy Jorge Gonzalez.

Nỗi buồn của nhân viên văn phòng: Tuổi thọ tăng lên đồng nghĩa với việc nhiều người không chịu được việc làm suốt đời.

Viện Tài nguyên nhân lực xã hội ở Tokyo là một kiểu trường đào tạo kinh doanh khác thường. Những người tham gia (hai phần ba là nam giới) chủ yếu đã bỏ việc hoặc nhận gói tiền bồi thường thôi việc từ các công ty lớn của Nhật Bản, và đang cố gắng để bắt đầu lại. Xóa bỏ những thói quen cả đời bắt đầu bằng cách xóa bỏ các rào cản: những người từng là nhân viên văn phòng cười lo lắng khi họ chia sẻ về một bữa ăn trưa bento cùng người lạ và bị bịt mắt (ý tưởng là họ phải sử dụng bốn giác quan còn lại để giao tiếp).

Cách thức chuẩn bị cho sự nghiệp mới tiếp theo là khiến họ tương tác với tư cách cá nhân, chứ không phải với tư cách nhân viên của công ty hoặc đối tác kinh doanh, ông Matsuhiko Ozawa -- giám đốc của Viện và là chuyên gia về khóa học kể trên -- cho hay. Ở một đất nước có yêu cầu rất cao với nghi thức giới thiệu, các học viên thậm chí đã không trao đổi danh thiếp. Tên, chức danh và thông tin cá nhân bị cấm (các học viên đều dùng tên giả) để tránh tạo ra hệ thống phân cấp văn phòng kiểu cũ vẫn tồn tại bên ngoài lớp học. "Chúng tôi bắt đầu từ đầu và giúp đỡ mọi người tìm lại chính mình một lần nữa," ông Ozawa nói.

Trong nhiều năm, các nhân viên văn phòng leo lên bậc thang sự nghiệp vốn ít coi trọng kỹ năng hơn so với lòng trung thành và tinh thần làm việc kiên trì chăm chỉ. Mặc dù điều đó thường được coi là truyền thống về trách nhiệm có từ hàng thế kỷ trước ở Nhật Bản, nhưng hệ thống nhân viên văn phòng làm công ăn lương được tạo ra sau thời kỳ 1945, ông Naohiro Yashiro, cựu cố vấn về chính sách kinh tế cho thủ tướng Shinzo Abe, cho hay. Trong những năm bùng nổ sau chiến tranh, các công ty đã tuyển dụng lực lượng lao động là nhân viên chính thức được thuê suốt đời. Tất cả những gì cần làm để được trả lương nhiều hơn là tuổi đời tăng lên.

Đổi lại, đòi hỏi cực cao của các nhà tuyển dụng phải được đáp ứng. Nhân viên không thể từ chối khi bị điều chuyển – thường chỉ thông báo trước một vài ngày – tới công ty con cách xa nhà hàng trăm dặm. Nhiều trẻ em lớn lên vắng bóng người cha. Công việc, chứ không phải gia đình, mới là nguồn lực tinh thần chủ yếu. Nhân viên toàn thời gian người Nhật vẫn làm việc nhiều hơn 400 giờ mỗi năm so với đồng nghiệp ở Đức hay Pháp, ông Kazuya Ogura, chuyên gia về lao động tại Đại học Waseda ở Tokyo, cho hay.

Nhân viên văn phòng vẫn ngoan cường làm việc trong hầu hết các ngành công nghiệp. Ông Abe đã hứa trong một phần cải cách thúc đẩy tăng trưởng là sẽ đem lại nhiều quyền lợi hơn cho những người ở dưới cùng của hệ thống phân cấp – nhân viên bán thời gian và lao động tạm thời với mức lương thấp hơn nhiều – nhưng mới chỉ dừng lại ở bước căn bản, chẳng hạn như quy định buộc các công ty trả mức lương ngang nhau cho công việc như nhau. Mặc dù vậy, đối với nhiều người, việc làm suốt đời đang kết thúc sớm hơn so với trước đây, bởi vì rất nhiều công ty không đủ khả năng trả tiền cho những lao động như vậy đến khi nghỉ hưu. Nhiều người đang là dư thừa so với yêu cầu trong các ngành công nghiệp suy thoái như điện tử tiêu dùng, và khó mà đào tạo lại. Hệ thống này hoạt động tốt tới khi nhân viên khoảng 70 tuổi, ông Ozawa cho biết, nhưng nhiều công ty đang đề nghị đưa ra gói bồi thường nghỉ việc hậu hĩnh cho những lao động chính thức trong biên chế để họ nghỉ việc sớm.

Ngày càng nhiều người tự nguyện nghỉ việc. Hiroyuki Ito, hiện là học viên tại Viện, bước ra khỏi nấc thang sự nghiệp nhân viên văn phòng ở tuổi 45, sau 23 năm làm việc tại công ty. Ông nghỉ việc vì công việc thật quá nhàm chán. "Anh không được mạo hiểm hoặc phiêu lưu," ông nói. Giờ đây ông tham gia vào khóa học ở trường tại Tokyo -- có vài trường tương tự như vậy ở Nhật Bản -- và hy vọng sự nghiệp thứ hai của ông sẽ là giáo viên. Việc đào tạo lại cần thời gian. Các cựu nhân viên văn phòng đến trường hai lần một tuần trong năm tháng để từ bỏ lối suy nghĩ cũ của mình. Sau nhiều thập kỷ làm việc quá sức và nhàm chán đơn điệu, thời gian đó chỉ như một cái nháy mắt.

Quỳnh Anh
The Economist

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc