Anh Lớn

bài bình sách của Nicholas D. Kristof,
ngày 5 tháng 11, năm 2000

Lý Quang diệu là một trong những nhà lãnh đạo khiến người ta phát điên
và cũng thú vị nhất thời kỳ hậu Thế chiến II. Không chỉ bởi ông là một trong số những nhà lãnh đạo tài năng nhất và thẳng thắn nhất, hay bởi ông đã định hình cả một đất nước theo ý mình. Cũng không đơn giản chỉ vì đất nước mà ông kiến lập, Singapore, ban đầu chỉ là một thuộc địa nghèo của Anh và đã trở thành một quốc gia giàu có trên bình quân đầu người, trở thành một mô hình được cả Cộng sản Trung Quốc và tư bản phương Tây nghiên cứu. Không phải vậy. Điều trớ trêu nhất là ở chỗ ông Lý, người đứng đầu Singapore từ năm 1959 đến khi ông nghỉ hưu vào năm 1990 (tạm cho là vậy), là một nhà lãnh đạo Tây học nổi tiếng với việc không chấp nhận trí tuệ phương Tây. Những người phe dân chủ thân phương Tây có rất nhiều, nhưng Lý Quang Diệu là nhà độc tài thuyết phục nhất thế giới hiện nay.

Có lẽ không hoàn toàn công bằng, vì đảng của ông Lý đã xoay xở để giành chiến thắng áp đảo trong nhiều cuộc bầu cử ở Singapore. Nhưng
ông giành chiến thắng một phần bằng cách bịt miệng các nhà phê bình, hoặc làm họ khánh kiệt bằng các phán quyết của tòa án hoặc bỏ tù họ mà không qua xét xử. Ông Lý có trí tuệ siêu việt, nói thứ tiếng Anh chuẩn mực ông 'trau chuốt' ở Đại học Cambridge và bảo vệ chính sách đàn áp bằng sự thận trọng và mạnh mẽ đến độ những người dân chủ Tây phương cũng phải lúng túng. ''Sau sự sụp đổ của Liên Xô, người Mỹ trở nên giáo điều và mù quáng như Cộng sản,'' ông Lý phàn nàn một tràng điển hình trong cuốn sách mới của ông. ''Họ muốn thúc đẩy dân chủ và nhân quyền khắp mọi nơi, trừ những khu vực gây tổn hại cho họ như ở bán đảo Ả Rập tràn đầy dầu mỏ.''

Trong tập hai cuốn hồi ký của ông, 'From Third World to First' ("Từ thế giới thứ ba đến thứ nhất") bắt đầu từ khoảng thời điểm độc lập của Singapore năm 1965. Ông Lý khi đó là lãnh đạo của Singapore, nhưng ông phải đối mặt với những thách thức to lớn ngay từ đầu, và các phóng viên nước ngoài bi quan về tương lai của quốc đảo nhỏ bé này. Tại lễ khai mạc Quốc hội đầu tiên của Singapore tháng 12 năm 1965, ông đã phải chấp nhận sự hộ tống của quân đội người Malaysia, những người cho rằng họ mới là người cai trị thực sự. Ông Lý rất tức giận nhưng không dám từ chối, và chủ đề xuyên suốt cuốn sách là những nỗ lực của ông nhằm khẳng định bản sắc của Singapore như là nhóm nhỏ người Trung Quốc trong biển người Malaysia và Indonesia.

Một thách thức cấp bách khác là nền kinh tế, vốn phụ thuộc vào các căn cứ quân sự của Anh sẽ sớm bị đóng cửa. Chiến lược cơ bản của ông Lý là nài nỉ với các công ty nước ngoài đặt xưởng sản xuất ở Singapore. Tại thời điểm nhiều nước đang phát triển coi đế quốc kinh tế là kẻ xấu, thì Singapore chào mừng bất kỳ người đế quốc nào. Trong quá trình này, ông Lý -- người bắt đầu sự nghiệp của mình bằng nghề luật sư cho các công đoàn lao động -- đã khiến công đoàn suy yếu vì lo ngại họ sẽ ngăn cản việc khuyến khích đầu tư. Ông Lý nhớ lại như một ''bước ngoặt trong lịch sử công nghiệp của Singapore '' thời điểm khi một tổng liên đoàn lao động có uy thế lớn chống lại ông vào năm 1967. Ông Lý đàn áp mạnh mẽ: các cơ quan chức năng bắt giữ 15 nhà lãnh đạo công đoàn, giải thể các công đoàn và tuyên bố rằng công nhân đình công đã tự đuổi việc chính mình. Trên thực tế, ông Lý đã phá vỡ phong trào lao động độc lập và giành được một nền hòa bình lâu dài trong lao động - điều một phần tạo nên sự bùng nổ lâu dài của Singapore.

Nhiều nhà lãnh đạo khác từng tái định hình các quốc gia -- Kemal Ataturk ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lenin ở Nga, Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc -- nhưng không một ai để lại dấu ấn sâu sắc lên người dân như Lý Quang Diệu. Ông thậm chí còn thay đổi ngôn ngữ người dân đang nói. Trường học chuyển sang giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh, và ông Lý khiến phần lớn dân số người Trung Quốc từ bỏ ngôn ngữ mẹ đẻ của họ (như Quảng Đông hay Phúc Kiến) ngay cả trong nhà cũng chỉ nói tiếng Quan Thoại để thay thế.

Ông Lý không chỉ tham gia vào từng quyết định của chính phủ mà còn thúc đẩy một ''nhà nước vú em'' kêu gọi sinh viên tốt nghiệp đại học đẻ thêm con, cấm kẹo cao su, phạt những người đi vệ sinh không xả nước, và trong những năm đầu thành lập, còn bắt buộc cắt tóc đối với nam thanh niên để tóc dài. Ông đã hình thành nên đất nước ít tham nhũng nhất châu Á, một trong những đất nước có trường công được xếp hạng có lẽ tốt nhất trên thế giới và có hệ thống lương hưu được nhiều học giả coi là mẫu mực.

Thế nhưng, ở ông Lý có một khía cạnh khác mà nhiều người phương Tây khó chấp nhận. Ví dụ thái độ không hề hối hận với các biện pháp mạnh tay mà ông đàn áp cảm tình viên Cộng sản, những người ban đầu có vẻ là mối đe dọa cho chính phủ. ''Liệu chúng ta có thể đánh bại họ nếu như cho phép họ có quyền habeas corpus [lệnh đưa người bị giam giữ ra tòa, thường dưới dạng một quyết định để xét xem việc giam giữ người ấy có hợp pháp hay không; lệnh đình quyền tạm giữ-ND] và từ bỏ quyền giam giữ không qua xét xử? '' ông Lý đặt câu hỏi. ''Tôi cho là không.'' Lý Quang Diệu biện minh cho việc giam giữ Tạ Thái Bảo (Chia Thye Poh), nhà cánh tả ôn hòa, trong suốt 20 năm: ''Ông ta liên tục phủ nhận mối liên hệ với Cộng sản, lợi dụng sự cảm thông nhân quyền của các phương tiện truyền thông phương Tây. Việc bắt giữ ông ta, bất chấp áp lực truyền thông phương Tây, là nhằm cảnh cáo ý đồ của các lực lượng Cộng sản khác muốn kích động lại phong trào của họ dưới cái mác thực hiện quyền dân chủ. Họ là những đối thủ đáng gờm. Chúng ta phải kiên quyết và kiên cường trong cuộc đấu trí này.''

Thật vậy chăng? Đối với nhiều người trong chúng ta đã đến thăm và ngưỡng mộ Singapore, thật là một câu hỏi hóc búa về việc làm thế nào đất nước này có thể hiện đại đến vậy về kinh tế và lạc hậu đến vậy về chính trị. Hầu hết chúng ta đều cảm thấy danh tiếng của Lý Quang Diệu sẽ càng cao hơn trong thế giới hiện nay nếu ông bao dung hơn với các chỉ trích khó chịu, nhận được đa số nhưng ít hơn một chút trong các cuộc bầu cử và không cố gắng một cách tàn nhẫn đến vậy để tiêu diệt đối thủ với tất cả sức mạnh nhà nước có trong tay.

Thành tựu lớn nhất của ông Lý là tạo nên tầng lớp trung lưu có học trong hệ thống, với bản sắc của người Singapore, và đủ khôn ngoan để không tin Cộng sản hay những kẻ mị dân. Trong cuốn hồi ký này, ông thuật lại cách ông thực hiện điều này -- tạo động lực cho quyền sở hữu nhà riêng là một ví dụ -- nhưng kết quả cuối cùng là ông nuôi dưỡng một nhóm cử tri mà dường như có độ hiểu biết nhiều hơn ông tưởng. Chính ông dường như cũng đã quay lại quan điểm này theo thời gian. Khi cả ông và nước Singapore trở nên "già dặn" và dần trở nên khoan dung, cởi mở và dân chủ hơn, Lý Quang Diệu ngày càng nhận ra ông có thể tin tưởng người dân Singapore trong việc đưa ra quyết định của riêng họ, và ông là một trong số ít những "hoàng đế" theo Nho giáo tự nguyện thoái vị.

Lý Quang Diệu đề cập đến, một cách ngẫu nhiên, một số trận chiến của ông với báo chí phương Tây về các chính sách độc tài của ông. (Vụ việc nổi tiếng nhất liên quan đến việc đánh đập của một thiếu niên người Mỹ bị buộc tội phá hoại.) Sẽ thú vị hơn đối với khán giả Mỹ nếu ông tranh cãi mạnh mẽ hơn và đối đầu với phản biện trực tiếp hơn. Người ta có thể không đồng tình với ông, nhưng chưa bao giờ có nhà lãnh đạo không khoan nhượng và chuyên quyền nào có tài hùng biện cực kỳ rõ ràng và kích thích như Lý Quang Diệu. Đây là những hồi ức phong phú, di sản của một người đàn ông phi thường, và trong nhiều điểm, cuốn sách này cũng giống như chính Lý Quang Diệu: thông minh, thấu đáo, thẳng thắn và đầy khiêu khích.

Quỳnh Anh
NYTimes

Bài trước: Lee Kuan Yew

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc