Hàn Quốc và Nhật Bản có thể bất hòa, nhưng Busan và Fukuoka vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp

Busan to Fukuoka Hydrofoil. Photo courtesy Jeremy Thompson.

Có lịch sử chung, thường xuyên trao đổi thương mại và tranh cãi vặt về những bức tượng bị đánh cắp

Trong hàng thế kỷ, wako, những tên cướp biển đê tiện của Nhật Bản, vẫn lẩn lút trong vô số vịnh nhỏ quanh đảo Tsushima, khoảng giữa quần đảo Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên, và thường xuyên cướp phá vùng bờ biển của Hàn Quốc. Năm 1592 tướng Toyotomi Hideyoshi và 200.000 quân bắt đầu cuộc chiến xâm lược Imjin dài bảy năm xuất phát từ đảo Tsushima, cập bến Busan - bờ biển phía nam Hàn Quốc. Nhiều thế kỷ trước gốm sueki, hình thức đồ gốm mới, được truyền từ Hàn Quốc đến Nhật Bản qua Tsushima.

Ngày nay hầu như chỉ có những người có thì giờ rảnh rỗi đi chuyến phà kéo dài một giờ từ Busan đến Tsushima: ngư dân, khách bộ hành đường dài và những thiếu niên đi chơi trong ngày. Tuy nhiên, mỗi năm một lần, một phái đoàn Hàn Quốc ăn vận trang phục đầy màu sắc của phái viên thế kỷ 17 đi phà sang bên kia. Họ tái hiện chuyến đi sứ Joseon tongsinsa (Thông tín sứ), nghĩa là "chia sẻ thiện ý từ Joseon" (tên cổ của Hàn Quốc), nhiệm vụ bắt nguồn từ sau chiến tranh Imjin để tái khẳng định quan hệ hữu nghị giữa vua Hàn Quốc và shogun (tướng quân) Nhật Bản.

Các phái viên đi theo tuyến đường 2.000 km, từ Hanyang, tên cũ của Seoul, đến Edo, Tokyo ngày nay, qua Busan và Tsushima. Các sứ thần mang theo chiếu thư về tình hữu nghị, và rất nhiều tác phẩm nghệ thuật rực rỡ của Hàn Quốc. Qua hơn hai thế kỷ, hơn chục chuyến đi như vậy đã đưa các nhà thơ, họa sĩ, diễn viên nhào lộn và cả nhà thư pháp từ Hàn Quốc sang Nhật Bản; khi khởi hành từ Busan, họ đã có khoảng 400 nghệ sĩ trong đoàn. Khoảng 1.800 người nữa tham gia từ phía Nhật Bản. Dân làng xếp hàng trên đường phố để chào đón họ, chờ đợi cả đêm để nhận được một bài thơ hoặc một bức tranh vẽ.

Ngày nay, hai chính phủ còn cách mối giao lưu thân mật như vậy cả chặng đường dài. Tại vùng biển phía đông bắc Tsushima, hai bên tranh chấp một cụm đá (Hàn Quốc gọi là Dokdo và người Nhật Bản gọi là Takeshima), và tranh cãi về lịch sử. Nhật Bản thôn tính Hàn Quốc vào năm 1910 và bóc lột không thương tiếc cho đến năm 1945; nhiều người Hàn Quốc cảm thấy Nhật Bản đã làm quá ít để chuộc lỗi cho những hành động thực dân tàn bạo.

Một trong những sự việc đau đớn nhất cho người Hàn Quốc là việc bắt ép hàng chục ngàn phụ nữ vào nhà thổ của quân đội Nhật Bản. Các nhóm dân sự Hàn Quốc đã dựng một bức tượng bằng đồng hình ảnh "người phụ nữ giải khuây" bên ngoài đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul vào năm 2011, như một lời mắng nhiếc hàng ngày đến các nhà ngoại giao bên trong. Tháng 12, một bức tượng tương tự đã được dựng lên bên ngoài lãnh sự quán Nhật Bản tại Busan. Trong một cơn giận dữ, chính phủ Nhật Bản, vốn cho rằng họ đã giải quyết vấn đề này bằng cách đồng ý bồi thường cho những phụ nữ giải khuây còn sống sót hồi năm 2015, đã triệu hồi Đại sứ của Nhật tại Seoul cũng như Lãnh sự tại Busan. Cả hai người này vẫn chưa trở lại vị trí của họ.

Tranh cãi cũng đe dọa phá vỡ trao đổi kéo dài nhiều thế kỷ giữa Busan và thành phố chị em tại Nhật Bản, Fukuoka, nằm cách khoảng 200 km qua eo biển Tsushima. Cả hai thành phố gần gũi với nhau hơn là hai thủ đô. Trong những năm 1960, người dân Busan dễ bắt được tín hiệu truyền hình Nhật Bản hơn là sóng truyền hình từ Seoul. Máy Karaoke, ngày nay là món đồ phổ biến ở cả hai quốc gia, lần đầu tiên đến Hàn Quốc qua Busan, hồi những năm 1980.

Năm ngoái ghi nhận kỷ lục 1,2 triệu người Hàn Quốc đi du lịch bằng phà đến Kyushu, hòn đảo có thủ phủ là thành phố Fukuoka để mua sắm, thưởng thức ẩm thực và tắm onsen (suối nước nóng). Các chuyến bay giữa Busan và Fukuoka đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, lên đến tám chuyến khứ hồi một ngày. Akihiko Fukushima quận trưởng Fukuoka nói Busan là geta-baki de iku: nghĩa là đủ gần để đi dép lê sang thăm, giống như đi dạo quanh thăm hàng xóm.

Trao đổi giữa hai bên vẫn khá sôi nổi, bất chấp chuyến thăm năm 2012 của ông Lee Myung-bak, tổng thống Hàn Quốc vào thời điểm đó, đến Dokdo, khiến quan hệ ngoại giao rơi vào tình trạng bế tắc. Năm đó sự kiện Fukuoka Asia Collection, show diễn thời trang thường niên, mời các nhà thiết kế từ Busan, và hiện nay vẫn vậy (Busan cũng đáp lễ bằng một sự kiện tương đương). Các tổ chức của cả hai bên đã cùng làm việc trên một hồ sơ chung về tài liệu lịch sử ghi lại những chuyến Joseon tongsinsa cho UNESCO. Các nhà báo của Nhật báo Busan DailyNishinippon Shimbun ở Fukuoka vẫn tham gia vào chương trình trao đổi—một việc rất đáng chú ý ở các quốc gia có phương tiện truyền thông thường xuyên đi theo chủ nghĩa dân tộc.

Mối đe dọa từ bức tượng thần
Năm 2013 một trường hợp cá biệt ở địa phương đe dọa kết thúc vĩnh viễn các buổi liên hoan cuồng nhiệt trên Tsushima để tôn vinh các chuyến tongsinsa. Năm trước đó vài tên trộm Hàn Quốc đã đánh cắp một bức tượng nhỏ có từ thế kỷ 14, được cho là làm tại Hàn Quốc, từ ngôi chùa Kannonji nhỏ bé trên đảo. Cảnh sát Hàn Quốc tìm được nó ngay sau đó. Thế nhưng, tòa án địa phương ngăn cản trao trả bức tượng về Tsushima, với lý do có thể bức tượng đã bị cướp hàng thế kỷ trước do bọn wako từ một ngôi chùa Hàn Quốc mà nay bỗng nhiên họ đòi trả lại. Người dân trên đảo tức giận nói với đoàn Hàn Quốc tham dự lễ hội rằng họ chẳng cần phải tới nữa. Nhưng người Nhật vẫn tiếp tục tự tổ chức các lễ tưởng niệm; một trong những người tham gia là Akie Abe, đệ nhất phu nhân Nhật Bản, bà tuyên bố có một tủ lạnh đặc biệt chỉ để kimchi, món cải thảo muối vốn là món ăn dân tộc của Hàn Quốc. Và năm 2014, khi các du khách đến từ Busan đòi trao trả bức tượng, Tsushima lại cho phép lễ hội tiến hành, bất chấp sự phản đối từ những người phe chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản.

Năm ngoái, bảo tàng Bokchon tại Busan tổ chức kỷ niệm hai thập kỷ trao đổi các món đồ tạo tác với bảo tàng ở Fukuoka, hoàn toàn miễn phí. Một người phụ trách cho biết trao đổi như vậy sẽ không thể thực hiện nếu không có tình bạn cá nhân và tin tưởng lẫn nhau. Sekko Tanaka, vị trụ trì đã nghỉ hưu của đền Kannonji, cho hay ông cảm thấy bị tòa án "phản bội". Tuy nhiên, ông đón chào du khách Hàn Quốc đến nhà khách của ngôi đền.

Các nhà ngoại giao Nhật Bản nói rằng họ coi sự trao đổi ấy là thước đo chính xác về thái độ của công chúng đối với Hàn Quốc hơn là những bài báo gay gắt và biểu tình ồn ào của các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc có tổ chức. Cư dân đảo Tsushima, không giống những người Nhật Bản khác, dùng từ chingu, từ vay mượn tiếng Hàn Quốc, để chỉ người bạn thân. Du khách Hàn Quốc thích thú khi biết, vào những ngày trời quang đãng, đứng từ đảo Tsushima họ có thể thấy được đường bờ biển của Busan; chỉ có vài kẻ phá đám cho rằng những hình ảnh ấy trên thực tế chỉ là ảo ảnh.

Quỳnh Anh
The Economist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc