Sự lôi cuốn lâu đời của sân khấu truyền thống Nhật Bản

Amazing Onnagata. Photo courtesy federica intorcia.

Hơi thở mới cho hình thức nghệ thuật lâu đời

Sự tây hóa của Nhật Bản chỉ là trên bề mặt. Minh chứng về mặt âm nhạc cho điều này chính là sự háo hức của người Nhật khi họ định kỳ từ bỏ con người công nghệ cao để tới đắm mình trong trong những nhà hát lâu đời. Hình thức nghệ thuật nổi tiếng nhất là Kabuki, trình diễn nhiều cảnh bạo lực, máu me và cảnh quan hệ kích động giữa những người nam giả nữ (tất cả các diễn viên đều là nam giới). Nhưng người Nhật cũng yêu thích sự bó buộc đầy tinh tế của nhà hát kịch Noh, và vẻ đẹp thanh nhã thánh thiện của nhạc Gagaku, hầu như không thay đổi trong 1.000 năm qua. Mỗi hình thức này đều đã được UNESCO công nhận là đại diện "di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại", để cả thế giới có thể thực sự chú ý đến.

Gagaku, nghĩa đen là "nhã nhạc", khởi đầu là âm nhạc cho yến tiệc xuất phát từ Trung Quốc đời Đường. Về sau loại âm nhạc này mới được sử dụng trong chùa chiền, đền thờ Shinto và trong triều đình Nhật Bản. Mặc dù đoàn nhạc gia đình hoàng gia giờ đây chỉ công diễn đôi lần mỗi năm, nhiều đoàn nhạc khác vẫn đang mang loại âm nhạc này đi xa hơn.

Biểu diễn ở sân khấu chật kín khách tại Nhà hát Quốc gia Tokyo là một trong các đoàn nhạc kể trên: đoàn nhạc Reigakusha, đứng đầu là ông Sukeyasu Shiba, ông lão tám mươi tuổi hoạt bát. Trong tấm áo dài lụa kiểu cổ, các nhạc công bất động trên sân khấu như những quân cờ. Rồi âm nhạc dần dần nổi lên với tốc độ rất chậm rãi. Một tiếng sáo cao vút ngân lên theo sau là vài nhịp ngắt quãng trầm ngâm của đàn koto; âm thanh chậm rãi của đàn môi sho—gồm 17 ống tre gắn với nhau theo chiều dọc như các thạch nhũ bằng băng—được tôn thêm bởi ba tiếng vang rền của trống taiko to lớn. “Ma” là từ trong tiếng Nhật có nghĩa là "không gian ở giữa"—trong âm thanh đó là điều người phương Tây chỉ coi là quãng lặng. Trong nhạc lý của Reigakusha, quãng lặng nói lên rất nhiều điều.

Reigakusha cũng chơi bản nhạc mới của ông Shiba trong đó các thanh âm truyền thống được pha với âm nhạc phương Tây, thêm chút chất jazz, nhưng tinh tế đến mức thế giới âm thanh Gagaku vẫn được giữ nguyên vẹn. Trả lời phỏng vấn sau đó, ông giải thích rằng ông không chỉ làm sống lại những nốt nhạc bị lãng quên, mà ông còn mở rộng đối tượng khán giả. "Cho tới nay, Gagaku đã được tấu lên cho thần thánh, Đức Phật và các vị hoàng đế. Bây giờ tôi muốn cả trẻ em thưởng thức, vì vậy chúng tôi tới các trường học biểu diễn, và đẩy nhanh tiết tấu." Việc nhại các bài hát vô nghĩa được ưa thích theo kiểu Gagaku hài hước được các nghệ sĩ của ông gần đây đăng trên mạng Internet có thể giúp lan truyền loại hình này, nhưng ông Shiba thừa nhận rằng Gagaku vẫn là sở thích của thiểu số.

Nhạc công được đào tạo bài bản của ông kiếm sống bằng việc dạy piano và violin, và bằng cách làm nhà sư trong các đền, chùa. Nhưng ông tin rằng tương lai của loại nhạc này sẽ tươi sáng như trong quá khứ. Là bậc thầy chơi sáo ryuteki, ông mỉm cười nhớ lại quá khứ của mình: "Cha tôi chơi ryuteki trong đoàn nhạc hoàng gia, cũng như ông nội tôi, cũng như cha ông đời trước, và cứ như vậy qua tám thế kỷ."

Trong khi đó, trên các sân khấu nhỏ bằng gỗ khắp Nhật Bản, kịch Noh vẫn đang được biểu diễn như 600 năm trước đây trên hòn đảo lưu đày Sado. Tại Nhà hát kịch Noh Quốc gia ở Tokyo, buổi diễn kịch ma quái đưa khán giả vào một thế giới thậm chí còn tinh tế hơn nhiều so với Gagaku. Các diễn viên phục sức lộng lẫy tạo hình như pho tượng—với những khoảnh khắc diễn xuất xuất thần—và giọng nói buồn thảm kèm theo tiếng sáo và trống, tạo nên cảm giác của một giấc mơ.

Người hâm mộ loại hình nghệ thuật này ở phương Tây gồm W.B. Yeats, nhà thơ Ireland, và Peter Brook, giám đốc nhà hát. Một trong số tín đồ người Nhật của loại hình này là ông Toshio Hosokawa, nhà soạn nhạc đã kết hợp sự nghiệp tiên phong thành công ở châu Âu và sự tuân thủ trung thành với cội nguồn Nhật Bản. Kịch Noh, ông nói, đã cuốn hút ông bằng khả năng thanh tẩy qua cách tiếp xúc với thế giới tinh thần, và thông qua sự phụ thuộc vào sức mạnh của sự im lặng, qua diễn xuất những cử chỉ nghi thức của các nhạc công và diễn viên trước một tiếng trống hoặc một lần vung kiếm. "Âm nhạc của tôi là thư pháp vẽ trên tấm vải của không gian và thời gian", ông Hosokawa nói. "Chuyển động lặng lẽ trong không khí—như khi người chơi trống thực hiện các cử chỉ—cũng sống động chẳng kém gì âm thanh. Và chuyển động như vậy ẩn chứa trong âm nhạc của tôi."

Có phải tất cả điều này nghe quá tinh tế tới mức khó chịu? Khán giả Nhật Bản thế kỷ 17 chắc chắn đã nghĩ như vậy, và kết quả là Noh bị đánh bật khỏi sân khấu chính bởi loại hình Kabuki điên cuồng và sặc sỡ, vốn trái ngược hẳn với Noh. Thay vì các biểu cảm khắc khổ của Noh, Kabuki hấp dẫn bởi vẻ táo bạo đối với tầng lớp thương gia—và cả samurai, bất chấp việc các võ sĩ bị cấm tham dự các buổi biểu diễn có cảnh tượng hư hỏng của loại hình này.

Các vở hài kịch và bi kịch thế kỷ 18 được khán giả đổ xô đến xem tại nhà hát Kabuki-za ở Tokyo đại diện cho một loại nghệ thuật rực rỡ về biên đạo và mạnh mẽ về thể chất, với những câu chuyện về tình yêu và cái chết vẫn cộng hưởng mạnh mẽ đối với khán giả thế kỷ 21. Có một điểm chung của tất cả loại hình nghệ thuật này với sân khấu Broadway và West End ở London, đó là sự phấn khích, đặc biệt là khi một trong những ngôi sao Kabuki-za huyền thoại xuất hiện trên sân khấu, vốn chính là nét tinh túy của Nhật Bản. Ở đây, bạn cũng thấy được tinh thần của nền văn hóa cổ xưa vẫn hừng hực— phía sau bề mặt hiện đại.

Quỳnh Anh
The Economist

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc