Vì sao vấn nạn bắt nạt trong trường học Nhật Bản lại đặc biệt đau lòng

Photo courtesy Mathias Erhart.

Những học sinh sơ tán khỏi Fukushima là nạn nhân mới nhất bị chòng ghẹo khi tới lớp.

Năm tháng sau thảm họa sóng thần khiến gia đình phải sơ tán khỏi Fukushima, cậu bé theo học tại một ngôi trường mới ở Yokohama. Những đứa bạn mới cùng lớp của cậu đều rất tàn nhẫn. Chúng gọi cậu là “thằng mắc dịch”. Chúng lấy trộm đồ đạc của cậu. Chúng đấm đá và xô nhào cậu xuống cầu thang; đưa cậu đến một phòng “học” và tiếp tục đánh đập thêm nữa. Cậu bé ấy mới lên tám tuổi.

Việc bạo hành này kéo dài gần ba năm và rồi những kẻ bắt nạt lên nước. Năm 2014 chúng bảo cậu bé giao nộp bất kỳ khoản tiền bồi thường nào gia đình cậu có thể đã nhận sau khi sơ tán. Thực tế, cha mẹ cậu bé không đủ điều kiện nhận bất kỳ khoản bồi hoàn nào, nhưng họ hàng đã cho họ mượn 1,5 triệu Yên (13.000 USD). Bố mẹ cậu bé giữ số tiền mặt đó ở nhà vì sợ rằng họ sẽ một lần nữa không thể truy cập vào tài khoản ngân hàng. Cậu bé đã đưa tất cả số tiền đó cho các bạn cùng lớp của mình. Sau khi hết số tiền đó, cậu bé cũng nghỉ học hẳn.

Cậu bé ấy, giờ đây 13 tuổi, là một trong hàng trăm học sinh sơ tán bị bắt nạt ở trường. Và các em là một phần của một vấn đề lớn hơn. Vấn nạn bắt nạt ở trường học Nhật Bản có thể không phổ biến hơn là bao so với các nơi khác, nhưng một khi xảy ra, mức độ của nó nghiêm trọng hơn rất nhiều. Năm 1986, một cậu bé đã tự sát sau khi các bạn cùng lớp, được giáo viên khuyến khích, gây ra sự tra tấn tinh thần hàng tháng trời bằng một đám tang giả. Kể từ đó, hàng ngàn bài báo và hàng trăm cuốn sách đã được viết về đề tài này. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy vấn nạn bắt nạt sẽ dừng lại. Theo số liệu của chính phủ, năm 2015, có chín học sinh tự sát do bị bắt nạt. Tự sát là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất đối với người Nhật Bản từ 10 đến 19 tuổi, và ngày đầu tiên đến trường thường là ngày phổ biến nhất diễn ra các vụ tự sát.

Theo ông Mitsuru Taki thuộc Bộ Giáo dục Nhật Bản, vấn nạn bắt nạt ở các nước khác có xu hướng có hai hoặc ba học sinh tham gia bắt nạt một học sinh khác. Ngược lại, ở Nhật Bản, hầu hết các trường hợp bắt nạt có sự tham gia của một phần lớn lớp học, gây ra sự hành hạ tâm lý (và đôi khi về thể xác) không tránh khỏi cho một nạn nhân duy nhất. “Những kẻ bắt nạt ở Nhật Bản không phải con sâu làm rầu nồi canh”, ông nói. “Đó là một hiện tượng nhóm.”

Có nhiều lý do giải thích cho hình thức bắt nạt không giống đâu này. Hiệu trưởng một trường trung học ở Tokyo cho rằng, “Một đặc tính của Nhật Bản là bạn không nên nổi bật”. [deru kui wa utareru = The nail that sticks out gets hammered down -- chiếc đinh trồi ra sẽ bị đập xuống] “Học sinh phải sống cuộc sống tập thể khi họ ở trường,” Koju Matsubayashi, một viên chức thuộc Cục phòng chống bắt nạt ở Bộ Giáo dục cho biết thêm. Erika, một bạn nữ 18 tuổi đã rời ghế nhà trường ở Tokyo sau khi bị bắt nạt, cũng đồng ý như vậy. “Giáo viên bảo tôi là phải thích ứng hoặc bỏ học, vì vậy tôi đã bỏ học.”

Cách thức tổ chức của trường học ở Nhật Bản cũng gia tăng thêm áp lực phải hòa mình. Trẻ em học trong một môi trường “trường học như là nhà”(homeroom): giáo viên dạy các môn khác nhau đến dạy học sinh. Các hoạt động ở trường, chẳng hạn như quét dọn, ăn trưa và học tập, được tổ chức theo nhóm. Học sinh thường phải tuân thủ nghiêm các quy định về trang phục, kiểu tóc và cách các em chải chuốt. Những cá nhân không thể kuuki wo yomu (dịch nôm na là “bắt nhịp”) có thể bị những thành viên khác trong lớp xa lánh.

Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế -- OECD, được thực hiện ba năm một lần, cho thấy học sinh Nhật Bản có kết quả học tập nằm trong tốp đầu. Nhật Bản cũng là một trong những nước có tỷ lệ học sinh trốn học thấp nhất. Nhưng học sinh Nhật nói rằng các em không thích đi học nhất so với hầu hết các nước khác. Bà Shoko Yoneyama thuộc Đại học Adelaide cho rằng các trường học Nhật Bản là “những cộng đồng rối loạn”.

Tiếp tay cho kẻ xấu
Giáo viên hiếm khi giúp đỡ. Họ nổi tiếng với năng lực sư phạm tuyệt vời, nhất là toán học. Nhưng hầu hết giáo viên đều không được đào tạo để phát hiện hành vi bắt nạt. Bà Kanae Doi thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch -HRW) lưu ý rằng, hầu như không có động lực nào để các giáo viên chú ý tới hoặc đối phó với việc bắt nạt. Những giáo viên không giữ được không khí hài hòa bị coi là yếu kém, bà cho biết. Một cuộc khảo sát cho thấy khoảng 12% giáo viên đã tham gia vào việc bắt nạt. Một phần tư các trường cấp III ở Nhật cho phép sử dụng nhục hình.

Từ những năm 1980, nhiều đơn vị chuyên biệt đã cố gắng kiểm soát vấn nạn bắt nạt. Tuy nhiên, các hội đồng giáo dục địa phương có quyền tự triển khai các chương trình giảng dạy quốc gia và thuê giáo viên đã bỏ qua vấn đề này. Trong trường hợp cậu bé tới từ Fukushima, hội đồng trường học tại Yokohama đã cố đổ lỗi cho cậu bé về những gì đã xảy ra trong nhiều tháng liền, hàm ý rằng cậu bé đã tự nguyện giao nộp tiền tiết kiệm của gia đình, trước khi hội đồng này thay đổi suy nghĩ của mình sau khi bị cộng đồng lên án mạnh mẽ.

Năm 2013, một luật chống bắt nạt đã được thông qua yêu cầu các trường phải báo cáo các trường hợp bắt nạt. Điều này đã dẫn đến số lượng các trường hợp được được báo cáo tăng mạnh, từ một vài ngàn vụ một năm lên tới 224.450 trường hợp vào năm 2015. Tuy nhiên, con số giữa các vùng có sự chênh lệch lớn rất đáng nghi ngờ. Năm 2015, tỉnh Kyoto báo cáo có 90,6 trường hợp trên 1.000 học sinh; tỉnh Saga, ở miền nam Nhật Bản, chỉ ghi nhận 3,5 trường hợp. Ông Taki cho rằng ngay cả Kyoto cũng không lường hết được quy mô của sự bạo hành.

Luật này đã thúc giục các giáo viên báo cáo các vụ bắt nạt nhưng nó hầu như không giúp ích gì trong việc thay đổi cách các giáo viên đối phó với vấn đề này. Những kẻ bắt nạt hiếm khi bị trừng phạt: năm 2014 có 188.057 trường hợp được báo cáo và chỉ có hai trường hợp bị đình chỉ học. Luật này cũng cho rằng sự hòa mình là cách để ngăn chặn việc bắt nạt. Luật cho rằng giáo viên nên “trau dồi nhận thức... giữa các học sinh rằng các em là một phần của nhóm”. Nhưng đơn thuần là có một số học sinh nhiều khả năng trở thành nạn nhân và cần được bảo vệ, ví dụ như nhóm học sinh phải sơ tán.

Hoặc như những học sinh đồng tính. Một báo cáo năm ngoái của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kết luận rằng việc bắt nạt trẻ em đồng tính trong các trường học của Nhật Bản là “gần như diễn ra ở khắp mọi nơi”. Báo cáo này trích dẫn một cuộc khảo sát do ông Yasuharu Hidaka thuộc Đại học Takarazuka thực hiện với phát hiện rằng 44% bé trai tuổi teen đồng tính bị bắt nạt. Có học sinh đã nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng rằng giáo viên của cậu nói rằng thiên hướng tính dục của em đã phá vỡ sự hài hòa trong trường học. Một nghiên cứu riêng biệt do ông Hidaka thực hiện cho thấy cứ ba giáo viên Nhật Bản thì có gần một người nghĩ rằng đồng tính luyến ái là một bệnh tâm thần.

Chính phủ Nhật cho biết họ sẽ xem xét lại các chính sách chống bắt nạt của mình. Nhưng chỉ có luật lệ không thôi sẽ không kiểm soát được vấn đề này. Điều đó đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách và giáo viên nhận ra một điều rằng sự hòa mình quá mức cũng là một phần nguyên nhân của vấn đề . Tháng 11, cậu bé 13 tuổi đến từ Fukushima đã đưa ra một thông điệp cho những học sinh di tản phải chịu đựng sự hành hạ giống như cậu. Bố mẹ cậu chuyển lại lời của cậu bé, “Thật là đau đớn nhưng xin đừng chọn cái chết.”

Tuấn Minh
The Economist

Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc