Vẫn còn may: Khi Nhật Bản già đi, lực lượng lao động của nước này cũng vậy

Người già tiếp tục lao động cật lực.
Photo courtesy A.Davey.

Giống như nhiều hãng ở tỉnh Aichi, trung tâm sản xuất của Nhật Bản, Nishijimax, một nhà sản xuất máy công cụ cho ngành sản xuất ô tô, đang phải vật lộn tìm kiếm công nhân. Trong một thị trường lao động căng thẳng, giải pháp mà hãng này lựa chọn đang ngày càng phổ biến ở Nhật Bản: nâng tuổi về hưu. Hơn 30 trong tổng số 140 nhân viên của công ty này có độ tuổi trên 60; người già nhất là 82 tuổi. Ông Hiroshi Nishijima, giám đốc công ty nói rằng, cho những người có trình độ về vườn sớm là một sự lãng phí. “Nếu họ còn muốn làm việc thì họ nên làm việc.”

Sau đỉnh điểm với hơn 67 triệu lao động vào cuối những năm 1990, lực lượng lao động Nhật Bản đã giảm đi khoảng 2 triệu người. Chính phủ nước này cho biết, con số đó có thể giảm xuống ở mức 42 triệu vào giữa thế kỷ này khi dân số Nhật Bản già hóa và giảm xuống. Số lượng người nước ngoài dần dần tăng lên vào năm 2015, đạt mực cao kỷ lục 2,2 triệu người, nhưng như vậy còn lâu mới đủ đáp ứng sự thiếu hụt lao động. Thay vì mở rộng cửa hơn cho những người nhập cư, Nhật Bản đang cố gắng tận dụng chính người dân còn có khả năng làm việc.

Những công ty lớn ở Nhật Bản hầu hết quy định tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 60—chủ yếu là một cách để giảm chi cho quỹ lương trong một hệ thống đề cao tuổi tác. Nhưng những doanh nghiệp khác lại không khắt khe như vậy. Có khoảng 12,6 triệu người Nhật Bản từ 60 tuổi trở lên lựa chọn tiếp tục làm việc, tăng so với mức 8,7 triệu người vào năm 2000. Theo một khảo sát của chính phủ, 2/3 người Nhật trên 65 tuổi nói rằng họ muốn tiếp tục làm việc kiếm tiền. Theo OECD, một tổ chức nghiên cứu ở các nước giàu, tuổi nghỉ hưu thực sự đối với nam giới ở Nhật giờ đây là 70. Ở hầu hết các nước, người ta thường thôi làm việc trước tuổi đủ điều kiện nhận lương hưu của nhà nước. Nhật Bản, nơi nhà nước bắt đầu trả lương hưu vào tuổi 61 (và sẽ được nâng lên 65 vào năm 2025), là một ngoại lệ hiếm hoi.

Sự già hóa của lực lượng lao động Nhật Bản là điều rất rõ ràng. Người ta thấy ngày càng có nhiều người già lái taxi, phục vụ ở các siêu thị và ngay cả làm bảo vệ ở các ngân hàng. Những ông chủ cũng đang già đi. Ông Mikio Sasaki, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Mitsubishi, 79 tuổi. Ông Masamoto Yashiro, chủ tịch kiêm CEO của Ngân hàng Shinsei Bank, 87 tuổi. Ông Tsuneo Watanabe, tổng biên tập của tờ báo có lượng độc giả nhiều nhất thế giới, tờ Yomiuri Shimbun, vẫn còn hoạt bát ở tuổi 90.

Ông Ken Ogata, chủ tịch của Koreisha, công ty cung cấp việc làm tạm thời dành riêng cho người trên 60 tuổi, cho biết rõ ràng mọi người sẽ tiếp tục làm việc lâu hơn. Ông lưu ý rằng Nhật Bản hầu như không mong muốn nhập khẩu lao động, vì vậy nước này sẽ pải tận dụng hơn nữa những người nghỉ hưu, phụ nữ và những con robot. Nhiều người tìm việc thông qua công ty Koreisha đã từng là nhân viên của công ty Tokyo Gas, nhà cung cấp khí gas tự nhiên lớn nhất Nhật Bản cho các gia đình. Giờ đây, những người công nhân đó vẫn làm công việc trước đây của họ— đọc đồng hồ đo và hướng dẫn cách dùng các thiết bị cho những người chủ nhà. Ông Ogata nói, “Họ có rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức có thể có ích.”

Giá lao động của họ cũng rẻ hơn. Các công ty thường thuê lại những người nghỉ hưu bằng những hợp đồng ngắn hạn với những điều khoản kém hơn so với trước kia. Chuỗi cửa hàng tạp hóa Takashimaya đã áp dụng hệ thống đánh giá dựa trên hiệu quả đối với những nhân viên từ 60-65 tuổi (không tốn thêm chi phí cho công ty, công ty này cho hay).

Sự khó khăn của thị trường lao động Nhật Bản đã gây nên sự thiếu hụt kinh niên đội ngũ chăm sóc những người già không còn đủ khả năng làm việc. Hãng tư vấn McKinsey cho biết Nhật Bản nên khuyến khích những người già còn khả năng làm việc để họ giúp sức. Hãng này tính toán rằng nếu 10% trong số họ chấp nhận những công việc như vậy, nước này sẽ có thêm khoảng 700.000 người chăm nom người già vào năm 2025. Theo hãng McKinsey, có một cách khuyến khích điều này là ưu tiên những người trước đây đã từng làm nghề chăm sóc khi phân việc tại những viện dưỡng lão. Tuy nhiên, điều này không có tác dụng vì hệ thống lương hưu nhà nước không khuyến khích người già làm việc bằng cách cắt giảm những phúc lợi của họ nếu như những người này có thu nhập nhiều hơn một mức nhất định.

Tại Nishijimax, những người quản lý rõ ràng mong muốn những công nhân có tuổi tiếp tục ở lại làm việc. Lịch làm việc của công ty được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của những người già. Và những món ăn ở căng-tin của công ty này cũng vậy—ngay cả từ món súp truyền thống miso cũng được làm nhạt hơn.

Tuấn Minh
The Economist

Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc