Sự trung thành của những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan với Nhật hoàng không được đền đáp

Photo courtesy kantokuruza.

Có chút vấn đề đối với những kẻ cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc

Thay mặt Thiên hoàng Minh Trị, Sắc chỉ Giáo dục đã được ban hành tháng 10 năm 1890. Với 315 chữ Hán, sắc chỉ này thúc giục thần dân của Thiên hoàng trau dồi lòng trung thành, hiếu thuận và trên hết, sẵn sàng cống hiến cuộc đời mình cho sự sống còn của hoàng thất. Tại tất cả các trường học, các bản chép nguyên văn của sắc chỉ được đặt trong đền thờ nhỏ thờ hoàng gia. Trẻ em ghi nhớ nằm lòng bản sắc chỉ đó. Đó là tài liệu nền tảng cho khái niệm về kokutai (quốc thể), một mối dây liên kết thần bí về sự hình thành quốc gia giữa Nhật hoàng thiêng liêng và những thần dân của mình. Do đó, bản sắc chỉ này là sự khởi đầu của con đường truyền bá, theo đó, người Nhật thực thi những mệnh lệnh trên danh nghĩa Nhật hoàng — con đường dẫn đến chủ nghĩa quân phiệt, chiến tranh tổng lực và cuối cùng là thất bại tan tác. Vì vậy, không có gì phải thắc mắc khi giờ đây, từ kokutai khiến người ta phải lạnh gáy giống như từ lebensraum (không gian sống) ở Đức vậy. Năm 1948, ba năm sau khi Nhật đầu hàng, Quốc hội Nhật Bản đã bãi bỏ sắc chỉ đó.

Thế thì nội các của ông Shinzo Abe, thủ tướng Nhật Bản hiện nay, đang định làm gì khi vào đầu tháng Tư này, họ lại cho phép sử dụng sắc chỉ đó trong các trường học? Ngài chánh văn phòng nội các, Yoshihide Suga, úp mở cho biết rằng chính phủ hầu như không có ý rằng sắc chỉ đó nên là “nền tảng duy nhất” để giáo dục trẻ em, như thể những người chỉ trích chính sách này là những kẻ theo chủ nghĩa cơ hữu/trào lưu chính thống. Ông nhẹ nhàng nói, chính phủ cũng không tích cực thúc đẩy việc sử dụng sắc chỉ ấy trong các lớp học: việc đó là tùy giáo viên, và họ không nên làm trái hiến pháp.

Tuy nhiên, động thái này diễn ra ngay sau cuộc tranh cãi sôi nổi về công ty Moritomo Gakuen, một nhóm những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan điều hành một nhà trẻ. Những đoạn phim chiếu cảnh những đứa trẻ của nhà trẻ này cúi chào trước hình ảnh Nhật hoàng hiện tại, Akihito, và hoàng hậu; đồng ca các bài hát quân đội; kêu gọi người lớn bảo vệ các vùng lãnh thổ tranh chấp mà Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga cũng tuyên bố chủ quyền; và hô vang khẩu hiệu chống Trung Quốc và Hàn Quốc. Tại Nhật Bản, việc này gần như là một vụ bê bối vì có vợ của Ngài thủ tướng, bà Akie Abe, tham gia và bà đã đồng ý trở thành hiệu trưởng danh dự của một trường tiểu học mà công ty Moritomo Gakuen đang xây dựng ở Osaka. Bà đã từ bỏ chức danh đó vào cuối tháng Hai, sau khi có tin rằng nhà trường đã mua lại đất từ chính quyền địa phương với giá rất thấp và một cuộc điều tra về vấn đề đang được tiến hành.

Ông Kazutoshi Hando, một nhà sử học sinh ra trong đầu những năm 1930, vẫn có thể đọc thuộc lòng sắc chỉ này. Ông nói, sắc chỉ này có những chỗ hay: ai có thể phản đối lòng hiếu thuận, hòa hợp với anh chị em và gần gũi với bạn bè? Nhưng nó cũng hàm ý rằng một thần dân tốt phải sẵn sàng chết cho Nhật hoàng. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với hiến pháp tự do mà những người Mỹ chiếm đóng Nhật Bản đã đặt ra cho nước này vào năm 1947. Hiến pháp đó phủ nhận sự thần thánh của Nhật hoàng, coi ngôi vua chỉ đơn thuần là biểu tượng của dân tộc. Nó cũng tuyên bố chủ quyền nằm vững chắc ở phía người dân. Ông Hando coi khinh những người ủng hộ việc hồi sinh sắc chỉ đó nhưng lại không đề cập đến ngụ ý rằng Nhật hoàng nên trở lại nắm quyền.

Những kẻ cánh hữu và theo chủ nghĩa dân tộc thì muôn hình muôn vẻ. Trên đường phố trung tâm Tokyo, lũ du côn nhễ nhại mồ hôi bên cạnh những “xe loa phóng thanh”, tay phất lá cờ Nhật hoàng và gào rú ầm ĩ các bài hát từ thời chinh phạt của Đế quốc Nhật. Tại đền thờ Yasukuni ở Tokyo, nơi tưởng niệm những người chết trong chiến tranh Nhật Bản, những kẻ ảo tưởng đi lại khệnh khạng trong các bộ đồng phục phi công cảm tử kamikaze. Ở những nơi khác, những “sử gia” tự học nhút nhát ngồi trong những xó tồi tàn đầy những giấy tờ “chứng minh” tất cả những điều sai trái và dối trá người ta đã đổ cho Nhật Bản, trong khi các nhà bình luận theo chủ nghĩa xét lại buông lời chỉ trích trong những phòng thu truyền hình cáp với những cảnh quay nghiêng ngả.

Một điểm chung của tất cả họ là sự sùng kính dòng dõi đế vương không ngừng được tiếp nối—mặc dù việc tin tưởng Nhật hoàng là hậu duệ của nữ thần mặt trời đòi hỏi phải tư duy linh hoạt. Có lẽ đó là lý do vì sao chủ nghĩa xét lại lịch sử lại được nhóm người này tiếp thu dễ dàng. Họ phủ nhận Nhật Bản đã gây ra những tội ác trong Thế chiến II, chẳng hạn như tàn sát thường dân hoặc ép phụ nữ làm gái mại dâm.

Có những kẻ cơ hội trong các phong trào này, nhưng có lẽ hầu hết người ta lại tin những gì chúng nói ra. Như ông Hando nói, “Ở Nhật Bản, chúng tôi có lối suy nghĩ rằng nếu điều gì đó không nên xảy ra thì đã không xảy ra.” Hai người theo chủ nghĩa xét lại đến độ điên dại ở trong nội các của ông Abe: Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada và Bộ trưởng nội vụ Sanae Takaichi. Nippon Kaigi, một tổ chức theo chủ nghĩa xét lại quyết tâm viết lại hiến pháp hòa bình và khôi phục vai trò trung tâm của Nhật hoàng, có 38.000 thành viên đóng phí, bao gồm 3/4 nội các của ông Abe.

Một điểm chung nữa của những nhóm người này là họ đều tin rằng một nền văn hóa cảm thấy tội lỗi về chiến tranh và tất cả những lời xin lỗi đối với các nước láng giềng trong thời kỳ chiến tranh xâm lược đã khiến Nhật Bản hiện nay trở nên yếu đuối. Ông Tadae Takubo, Chủ tịch tổ chức Nippon Kaigi, cho biết mục đích trong việc thúc đẩy “giáo dục đạo đức” trong các trường học và một góc nhìn với nhiều ánh hào quang hơn về cuộc chiến trong sách giáo khoa là để “chỉnh lại con lắc” sau bảy thập kỷ “tẩy não” bởi các giáo viên cánh tả, những người thậm chí phản đối cả việc bắt buộc hát quốc ca.

Những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã đạt được một số tiến triển. Việc ông Suga, bản thân ông không hề cực đoan, bảo vệ sắc chỉ giáo dục đó là một thành công nhỏ. Tuy nhiên, những người này đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng: chính là vị Nhật hoàng mà họ sùng kính. Ngài Akihito, 83 tuổi, đã dành cả đời mình suy tư về bi kịch của chiến tranh mà cha mình, Nhật hoàng Hirohito, đã dung túng hoặc thậm chí khuyến khích. Ông đã dành phần lớn thời gian trên ngôi vị Nhật hoàng để đến thăm các chiến trường, xót thương cho những người đã ngã xuống bất kể họ ở phe nào trong cuộc chiến, không chỉ riêng người Nhật Bản.

Tiếng hoa cúc rên rỉ
Hành động của Nhật hoàng là một lời chỉ trích hiển hiện đối với những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc. Những người lãnh đạo tổ chức Nippon Kaigi rõ ràng đã phải rùng mình kinh ngạc khi biết rằng hoàng đế mời những người như ông Hando tới để cùng trò chuyện—điều mà họ chưa bao giờ làm được. Giờ đây, Nhật hoàng đang xin phép nhân dân Nhật Bản để được thoái vị, vì tuổi già đang làm cho ông cảm thấy khó khăn khi thực hiện vai trò của mình. Điều này cũng khiến những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cảm thấy bị xúc phạm, vì việc thoái vị được cho là sẽ chấm dứt truyền thống đã không thay đổi hơn hai thiên niên kỷ qua. Ông Yoichi Funabashi, một trong những trí thức theo chủ nghĩa tự do nổi tiếng nhất của Nhật Bản, nói Nhật hoàng được người dân vô cùng yêu quý và tôn trọng: “Vì vậy, Ngài ấy là bất khả chiến bại.” Những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, trong sâu thẳm, biết rằng chúng không có được điều đó.

Tuấn Minh
The Economist

Tags: japan

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc