Những năm đổi mới

Một kiến trúc sư ngoại giao tìm cách giảng hòa với lịch sử.
bài bình sách của Richard Bernstein

Không có gì ngạc nhiên khi cuốn sách thứ ba trong bộ trường thiên hồi
ký đầy tham vọng và toàn diện của Henry Kissinger, "Những năm đổi mới" (Years of renewal), đã trở thành một tác phẩm nổi bật và quan trọng. Kissinger đã viết hai cuốn hồi ký đầy trí tuệ trong 5 năm ông làm cố vấn an ninh quốc gia và Ngoại trưởng trong chính quyền Nixon.

Cuốn sách mới, viết về ba năm dưới thời Tổng thống Gerald R. Ford sau vụ bê bối Watergate, đưa độ dài toàn bộ hồi ký lên khoảng 3.800 trang, không tính các ghi chú và bảng thuật ngữ, khiến bộ hồi ký này trở thành một tác phẩm đồ sộ, một siêu truyện kể. (Để so sánh, cuốn hồi ký "Present at the Creation" (Chứng kiến sự khởi lập) của cựu Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson chỉ có khoảng 800 trang.)

Tuy nhiên, cuốn lịch sử của Kissinger về thời gian tại nhiệm của ông là một tác phẩm có tầm nhìn rộng, rõ ràng và quy mô dữ kiện lịch sử khiến
mức độ đồ sộ đó có thể hiểu được. Đây là một sự kiện, có lẽ là kinh điển của thể loại này.

Không nghi ngờ gì, một trong những mục đích của Kissinger khi viết dài và chi tiết như vậy là để nắm bắt bối cảnh lịch sử. Suy cho cùng, đây không phải một nhà văn bình thường. Giống như chính Richard M. Nixon, Kissinger đã phải hững chịu những chỉ trích từ mọi phía: từ những người theo trường phái bảo thủ vì quá nhân nhượng chế độ Xô viết hung đồ, và từ những người theo trường phái tự do vì đã trở thành kẻ theo đuổi chính sách chính trị thực dụng (realpolitik) đến độ vô cảm với việc "ưu tiên trật tự hơn là công lý" ("preference for order over justice"?), như ông đã lạnh lùng tổng kết.

Kissinger sử dụng 3.800 trang sách của mình để biện minh lại những người chỉ trích và những kẻ dèm pha, cố gắng -như đã từng qua nhiều năm- xóa bỏ những "huyền hoặc", mà theo ông, là đã tích tụ đeo bám ông (ví dụ, trong số đó, quan trọng hơn cả là việc ông đã không cố gắng thương lượng để có một giải pháp cho cuộc chiến ở Campuchia và phải gián tiếp chịu trách nhiệm cho chiến thắng và sự tàn bạo của Khmer Đỏ).

Nhưng "Những năm đổi mới" không chỉ là lời tự biện tỉ mỉ. Một trong những đặc tính của cuốn sách là lượng thông tin ngồn ngộn về cách các chính sách được thảo luận, xây dựng và triển khai (hoặc, cũng thường xuyên mang lại những kết quả đáng thất vọng) trong những năm Nixon và Ford nắm quyền.

Cuốn sách bao gồm các giai đoạn quan trọng như các cuộc đàm phán đầu tiên về giải trừ quân bị với Liên bang Xô viết (đồng thời tìm kiếm sự hòa hoãn), sự bắt đầu của cái gọi là quá trình hòa bình Trung Đông và sự sụp đổ của chính sách của Mỹ ở Đông Dương năm 1975. Ông kể về sự sụp đổ này với giọng hùng hồn, bi tráng và khiến nó trở thành tâm điểm cảm xúc và chính trị của toàn bộ cuốn sách.

Giống như các cuốn sách trước đó trong bộ hồi ký, cuốn sách mới này cũng đan xen các giai thoại, ví dụ như, việc Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên xô Leonid I. Brezhnev làm gián đoạn đàm phán Hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (SALT) bằng "các cố gắng thường xuyên và vô ích để một khẩu pháo đồ chơi có thể bắn đạn". Cuốn sách được thêm thắt nhiều phác hoạ với nhãn quan sắc xảo về các nhân vật quan trọng từ Tổng thống Ford (rất được Kissinger ngưỡng mộ) và Thượng nghị sĩ Henry M. Jackson (miễn cưỡng ngưỡng mộ) cho tới Mao Trạch Đông (ngưỡng mộ quá mức) và nhiều nhân vật khác nữa từ Tổng thống Cộng hòa Síp Archbishop Makarios cho tới Tổng thống Kenneth D. Kaunda của Zambia.

Kissinger không bỏ sót điều gì, kể lại những câu chuyện rất tỉ mỉ, trọn vẹn, đôi khi tới tận từng phút một, các sự kiện quốc tế lớn vào giữa những năm 1970 và những câu chuyện mà ngày nay có vẻ ít quan trọng hơn -- cuộc khủng hoảng ở đảo Síp, các cuộc điều tra về việc thu thập thông tin tình báo trong nước bất hợp pháp của Cục Tình báo Trung ương, vụ lính Khmer Đỏ ở Campuchia chiếm tàu chở hàng Mayaguez, việc giá dầu tăng gấp 4 lần vào năm 1973, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Âu tại Helsinki năm 1975 -- giúp một số câu chuyện trong số đó khỏi chìm vào bụi mờ quên lãng của lịch sử.

Nhìn chung, Kissinger chứng minh rằng ông không chỉ là một nhà ngoại giao đáng gờm mà còn là một người kể chuyện hấp dẫn, và ông coi các giai đoạn ngoại giao như những truyện kể, đầy rẫy những nhân vật thú vị, nhiều căng thẳng cực độ và, rõ ràng là, đầy mạo hiểm.

Nếu có một nhân vật lịch sử nhận thức được mối quan hệ giữa lý thuyết và hành động, đó chính là Kissinger và một trong những điểm nổi bật của toàn bộ hồi ký này là cách ông liên hệ vô số chi tiết hành động thực tiễn với một mục đích tổng thể.

Từ một giáo sư đại học Harvard thành một trong những người có quyền lực cao nhất vào năm 1968, giữa lúc hỗn loạn ở Việt Nam, ông đã thấm nhuần ý tưởng về việc thực hiện đúng đắn chính sách đối ngoại. Cụ thể, Kissinger nói rằng, ông muốn đưa Mỹ rời khỏi cái mà ông gọi là chủ nghĩa quốc tế lý tưởng hóa của Wilson và hướng tới một chính sách đối ngoại dựa trên hai trụ cột là tư lợi và cân bằng quyền lực.

Tìm kiếm một con đường trung dung giữa hai thái cực, vị chính khách này tự biện bạch theo kiểu Aristotle nhưng có lẽ sẽ vẫn không xóa hết được những lời chỉ trích đối với mình. Ví dụ, những người theo chủ nghĩa tự do sẽ thấy ông không đưa ra bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy việc cắt viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam rốt cuộc là nguyên nhân dẫn đến sự tan rã hoàn toàn vào năm 1975, chứ không phải việc những người lính miền Nam Việt Nam (một cách khó hiểu) không chiến đấu bằng nửa mức độ quyết liệt và quyết tâm so với cộng sản Bắc Việt.

Về vấn đề hòa hoãn với Liên Xô, Kissinger sa vào luận điểm mơ hồ rằng sự hòa hoãn thực ra là một công cụ tài tình để rốt cuộc đẩy nhanh sự sụp đổ của Liên Xô, chứ không phải là sự thừa nhận ngầm về vị thế siêu cường vĩnh viễn của Liên Xô. Nhưng dù có bị Kissinger thuyết phục hay không, các lập luận mà ông đưa ra, và những bằng chứng ông tập hợp để minh chứng cho những lập luận này, rất có sức thuyết phục.

Nhìn chung, Kissinger miêu tả chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm dưới thời chính quyền Nixon và Ford như là một thành công mang tính lịch sử, thay đổi cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho phương Tây dân chủ và khiến Liên Xô phải gánh chịu những bất lợi không thể vượt qua. Nhưng điều này không mâu thuẫn với một đặc điểm nổi bật khác trong tác phẩm của Kissinger: hàm ý thất vọng, ý nghĩa không thay đổi mà nó chuyển tải bi kịch về những vấn đề nhân văn.

Nhiều câu chuyện mà ông kể, từ thất bại tạm thời của tình trạng hòa hoãn vào năm 1974 tới việc quốc hội Mỹ cắt viện trợ cho các lực lượng chống Cộng Angola, có liên quan đến các thất bại về chính sách đối ngoại mà ông cho là do sai lầm của con người.

Ngáng trở lớn nhất trong thế giới của Kissinger là Quốc hội theo các chính sách của Thượng nghị sĩ McGovern [ứng cử viên Tổng thống năm 1972 của Đảng Dân chủ] lên nắm quyền sau vụ Watergate. Trong những dòng chữ đầy tức giận nhưng kiềm chế, Kissinger giải thích rằng việc cắt viện trợ ở Đông Dương không khác gì sự vô trách nhiệm ở mức độ hình sự, và lời khuyên của các phương tiện truyền thông chính thống rằng, bằng cách nào đó, ông phải đàm phán một giải pháp ngoại giao trong những tình cảnh này đồng nghĩa với những mơ mộng cảm tính.

Kissinger viết, "Chúng tôi bị hối thúc phải từ bỏ giải pháp quân sự để chuyển sang giải pháp chính trị vào đúng thời điểm khi các yếu tố làm cơ sở cho một thỏa hiệp chính trị đang bị hủy hoại một cách có hệ thống. Không có các yếu tố này, đòi hỏi một giải pháp chính trị đồng nghĩa với việc đàm phán các phương thức đầu hàng."

Có những cảnh rất đáng chú ý được miêu tả trong cuốn sách này: Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat vật lộn với những gì mà ông coi là sự ngăn trở của Israel, hoặc Mao Trạch Đông lo lắng ra mặt rằng chính sách của Mỹ có kế hoạch xảo quyệt nhằm khơi mào cuộc chiến tranh Nga - Trung và sau đó sẽ tấn công kẻ chiến thắng đã kiệt quệ. Nhưng có lẽ không gì thú vị hơn bức thư giản dị, trang nghiêm mà Kissinger đề cập đến để giải thích cho quan điểm của mình về chính sách của Mỹ ở Campuchia.

Đó là lời từ chối đề nghị di tản của Mỹ trước khi quân đội Khmer Đỏ tấn công, do cựu thủ tướng Campuchia Sirik Matak viết. "Chúng ta đều sinh ra và đều phải chết," ông viết. "Tôi chỉ phạm phải một sai lầm đó là đã tin tưởng vào ông."

Độc giả có thể tiếp tục thưởng thức sự thú vị xuyên suốt cuốn sách của Kissinger với những đoạn văn hấp dẫn trong cuốn hồi ký đồ sộ nhưng đầy năng lượng và nhiệt huyết này, và có vẻ như đây sẽ là một tác phẩm quan trọng về lịch sử đương đại.

Tuấn Minh
NYTimes

Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc