iPhone tròn 10 năm tuổi. Đây là câu chuyện về sự ra đời của nó.

bài bình sách của Lev Grossman
19 tháng 6 năm 2017

Trước khi được ai đó bên ngoài Apple biết đến, dự án iPhone được đặt mật danh là Purple. Không ai nhớ chính xác vì sao; có thể nó được đặt tên theo con chuột túi đồ chơi màu tím của một trong các kỹ sư.

Purple bí mật đến mức thậm chí ngay trong Apple cũng hiếm người biết về nó. Nó được phát triển trong một phòng thí nghiệm kín mít đằng sau các máy quẹt thẻ an ninh và những cánh cửa kim loại. Nhân viên phải ký các cam kết bảo mật. Phòng thí nghiệm đó còn được gọi là Ký túc Purple bởi vì mọi người làm việc ở đó suốt cả ngày, dù là cuối tuần, ngày lễ, kỳ nghỉ, tuần trăng mật. Họ ăn ở đó. Họ ngủ ở đó. Nơi này bốc mùi kinh khủng.

Trên thực tế, dù cuối cùng được coi là kết tinh sự hợp tác giữa nhà đồng sáng lập Apple - Steve Jobs và bậc thầy thiết kế Jony Ive, Purple có thể còn là một cơn ác mộng của làm việc quá sức, những hạn chế kỹ thuật không khắc phục được và những cuộc đấu đá chính trị. Andy Grignon, một trong những kỹ sư quan trọng của iPhone, cho biết: "Bạn tạo nên một nồi áp suất cho một nhóm những người thực sự thông minh với một thời hạn hoang đường, một nhiệm vụ bất khả thi, và sau đó bạn nghe nói rằng tương lai của toàn bộ công ty đang dựa vào nó." "Nó giống như món súp khốn khổ này." Ký túc Purple chắc chắn sẽ là bối cảnh cho một bộ phim kịch tính về chứng sợ không gian kín của một biên kịch nào đó giống Aaron Sorkin trong tương lai.

Nếu có, bộ phim đó có thể dựa trên cuốn "The One Device: The Secret History of the
iPhone” (iPhone: lịch sử bí mật), tác phẩm mới của Brian Merchant, biên tập viên của tờ Motherboard (Mạch chủ), bộ phận khoa học và công nghệ của công ty quảng cáo và truyền thông kỹ thuật số Vice. Merchant đã làm một công việc quan trọng là khai quật và biên soạn một số lượng lớn các chi tiết và giai thoại về sự phát triển của iPhone, nhiều điều trong số đó chưa bao giờ được ghi lại. Điều quan trọng là cùng với khả năng chống sốc, nước và bụi, iPhone cũng trụ được với lịch sử.

iPhone tồn tại giữa đời sống của chúng ta, nhưng nó trông như - nó được thiết kế để trông như – vừa bước vào thế giới của chúng ta từ một hành tinh đẳng cấp hơn, lý tưởng hơn trong chớp mắt. Như thể màn hình phẳng lì đen bóng của nó không nhường bước trước các đường
viền của sọ người, bề mặt lấp lánh của nó không lộ chút manh mối nào về nơi chốn và thời điểm nó được tạo ra, hay bởi ai, hoặc bằng cách nào. Bạn thậm chí không thể mở nó mà không có chiếc tuốc nơ vít đặc biệt Pentalobe. Đây không chỉ là kết quả từ thiết kế vật lý của iPhone mà còn là kết quả của nền văn hoá kỳ lạ về sự tôn sùng và bí mật mà Apple đã tạo ra xung quanh sản phẩm của mình. iPhone biết tất cả mọi thứ về chúng ta, nhưng chúng ta biết rất ít về nó.

Ví dụ: chạm đa điểm, công nghệ cho phép màn hình cảm ứng của iPhone tương tác với nhiều ngón tay cùng lúc — đó là lý do vì sao bạn có thể thu nhỏ hoặc phóng to. Công nghệ này đến từ đâu? Jobs luôn khẳng định rằng cảm ứng đa điểm được phát minh tại Apple. Sự thật không phải vậy.

Như Merchant chứng minh, nó đã được phát minh ra nhiều lần khác nhau, bao gồm cả những năm 1960 tại Cơ quan Radar Hoàng gia Anh và những năm 1970 tại Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu CERN. Vào đầu thiên niên kỷ mới, công nghệ cảm ứng đa điểm dùng trong iPhone ngày nay lần đầu tiên được áp dụng bởi một người mà chắc chắn bạn chưa từng nghe đến tên: Wayne Westerman. Là một tiến sĩ xuất sắc ngành kỹ thuật tại trường đại học Delaware, Westerman đã nghiên cứu cảm ứng đa điểm một phần do ông bị chứng tổn hại do căng thẳng thường xuyên [RSI: triệu chứng các đốt hoặc khớp bị tê liệt, sưng, viêm tấy do tư thế không đúng hoặc phải duỗi thẳng trong thời gian dài-ND] nghiêm trọng, khiến việc cử động trên bàn phím thông thường cực kỳ đau đớn. Apple mua lại công ty của Westerman, FingerWorks, vào năm 2005 — và từ đó FingerWorks và Westerman biến mất sau những tấm rèm thép của Apple. Phần còn lại là, và cũng không phải là, lịch sử. (Apple không cho phép Merchant phỏng vấn Westerman, hoặc bất kỳ nhân viên Apple hiện tại nào, cho cuốn sách này. Nhưng với tính cách cẩn thận của mình, Merchant đã tìm ra em gái của Westerman.)

iPhone được thiết kế để hiệu quả và tinh gọn tối đa. "The One Device" thì không. Ba chương về sự phát triển của iPhone là trung tâm của cuốn sách, và những chương với các tình tiết ly kì, hấp dẫn khác. Độc giả sẽ thấy say mê khi đọc phân tích kim loại của một chiếc iPhone bị nghiền hoặc khi xem Merchant đi khắp thế giới trên một chuyến hành trình kiểu như “tìm về vùng đất thánh” để tìm nguyên liệu mà Apple sử dụng — qua mỏ thiếc Stygian Bolivian và một mỏ lithium ở sa mạc Chilê, một bãi rác điện tử ở Nairobi, nơi kết thúc của rất nhiều chiếc iPhone.

Thành công nổi bật của ông trên lộ trình này là chuyến thăm đến một nhà máy của Foxconn bên ngoài Thẩm Quyến, Trung Quốc, nơi iPhone được sản xuất. Foxconn có tiếng về điều kiện lao động tồi tệ, và những vị khách phương Tây đến đây thường bị giám sát không rời, nhưng lấy cớ đi vệ sinh, Merchant đã tìm cách thoát được người hộ tống của mình và đi dạo quanh các cơ sở rộng lớn, một thiên đường úp ngược. "Từ trên xuống dưới, tất cả đều là nhà máy," ông viết, "hàng triệu thiết bị điện tử tiêu dùng đang được kết lại thành những khối đá xám xịt giống hệt nhau. Bạn thấy mình trở nên tí hon khi đứng giữa chúng, giống như một nhúm vật chất hữu cơ nhỏ bé giữa các động cơ có kích thước cỡ tàu sân bay của ngành công nghiệp." Đó là hình ảnh minh họa dễ hiểu cho cách mà iPhone, giống như một loại virut lấp lánh, đã định hình lại thế giới để tạo ra bản sao của chính nó.

Merchant cũng kể về nguồn gốc của các công nghệ hội tụ vào iPhone: Gorilla Glass, cảm biến chuyển động, pin lithium-ion, chip ARM, công nghệ không dây và nhiều thứ khác. Ông cho thấy việc tạo ra iPhone là kết quả công sức của rất nhiều người, một lời phản biện đối với "lầm tưởng iPhone chỉ có một nhà phát minh duy nhất — rằng sau vô số giờ làm việc, một người có thể làm nên một sáng chế thay đổi lịch sử." Chỉ sau một vài đoạn, nhà phát minh duy nhất [ám chỉ Steve Jobs] đã bắt đầu để lộ cái ruột toàn rơm [ý nói: tấm lòng nhỏ nhen - ND], nhưng Merchant dành toàn bộ các chương để trò chuyện với những người như Mitsuaki Oshima, cha đẻ của tính năng ổn định hình ảnh. Chắc chắn Oshima có nhiều kiến thức uyên bác muốn giữ kín, nhưng một người phỏng vấn như Merchant thì không có khả năng khám phá được chúng. ("Ngay cả khi máy ảnh bị rung/lắc khi bấm, hình ảnh cũng không hề bị mờ đi. Quá tốt để tin là sự thật", v.v ...)

Merchant cũng giảng giải rất chi tiết. Nhắc tới cảm biến từ kế (magnetometer), ta sẽ được biết thêm một bài học lịch sử. ("la bàn có thể được truy nguyên ít nhất đến triều đại nhà Hán, khoảng năm 206 trước Công nguyên"). Nhắc tới sản xuất theo dây chuyền, ta được dẫn dắt ngược về thời đại Pleistocene ("Homo erectus, cách đây 1,7 triệu năm, là loài đầu tiên sử dụng các công cụ ... "). Và nhiều ví dụ tương tự khác nữa.

Khi quay về với việc sáng tạo ra iPhone, câu chuyện của Merchant phong phú hơn tôi — một nhà báo đã theo dõi mọi tin tức về Apple trong nhiều năm — đã từng thấy trước đó. Nếu bạn đã từng có một dự án vô vọng mà cảm thấy nó sẽ chẳng đi đến đâu, bạn sẽ được tiếp thêm sức mạnh tinh thần từ câu chuyện cuộc đời của Merchant trong các trận chiến vì Purple. Nó bao gồm những bế tắc và cơ hội bị bỏ lỡ đầy thú vị (một nguyên mẫu dựa trên bánh xe điều khiển của iPod, phía sau có màu xanh da trời và cam); những hy sinh cá nhân ("iPhone là lý do tôi ly dị"); các rào cản kỹ thuật mơ hồ (cảm biến khoảng cách hồng ngoại của điện thoại làm tắt màn hình khi nó gần đầu bạn, sẽ không nhận ra tóc màu sẫm); căng thẳng hậu trường khi ra mắt (tôi đã thực sự ở đó, xem Jobs tập bài thuyết trình nổi tiếng của iPhone, nhưng rõ ràng đã bỏ lỡ mọi thứ); thậm chí là một vụ ám sát biểu tượng trên sân khấu (khi Jobs trình diễn thao tác xóa một địa chỉ liên hệ, ông đã xóa tên của Tony Fadell, Phó Chủ tịch Apple, báo trước sự ra đi sau đó của Fadell).

Chiếc iPhone được "ngụy trang" như thể nó không phải do con người làm nên. Cuốn sách của Merchant làm sáng tỏ những công sức lao động ấy, và trong quá trình này sẽ phần nào xua tan màn sương mờ và sự bóp méo bao quanh iPhone. Cuốn sách không phải lời khẳng định dứt khoát, nhưng nó là một sự khởi đầu. Chúng ta cần thứ giống như một chiếc Pentalobe, một cuốn sách sẽ mở ra ý nghĩa của iPhone, nghiên cứu kỹ lưỡng đồ vật cộng sinh, hoặc ký sinh này, thứ đã đưa vào cuộc sống của chúng ta những kết nối kiểu mới, đồng thời lấy đi từ đó những kết nối khác. Nếu iPhone là một cuộc cách mạng, nó sẽ lật đổ ai hay điều gì? Một trong những câu chuyện Merchant kể lại là của Grignon, người đầu tiên nhận cuộc gọi trên iPhone. Câu đùa là anh ấy không nhấc máy. "Thay vì trở thành khoảnh khắc tuyệt vời như của Alexander Graham Bell, nó lại chỉ kiểu như, 'E-hèm,… xin để lại lời nhắn trong hộp thư thoại,' " Grignon nói. "Tôi nghĩ như thế là quá hợp lý, với tình cảnh chúng ta hiện nay."

Minh Thu
NYTimes


Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc