"Hơn cả ý Trời"

Lá bài Trung Quốc. Lá bài Ấn Độ. Lịch sử sự liên đới của Mỹ tại châu Á và khu vực Thái Bình Dương.

Thật là "hơn cả ý Trời" khi Mỹ, trong quá trình hơn hai thế kỷ qua, đã trở thành cường quốc nổi bật nhất hiện diện ở châu Á và Thái Bình Dương. Michael J. Green, người từng là trợ lý đặc biệt của Tổng thống George W. Bush và là chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á trong Ủy ban An ninh Quốc gia, nói rằng, chính thương mại, đức tin và khái niệm tự phòng vệ đã đưa nước Mỹ đi về hướng tây, không chỉ băng qua một lục địa mà còn qua cả một đại dương rộng lớn.

Green viết trong cuốn "By More Than Providence" (tạm dịch "Hơn cả ý Trời"), một nghiên
cứu quan trọng và toàn diện về các mối quan hệ của Mỹ với châu Á, "Sự hiện diện của nước Mỹ ngày nay ở Thái Bình Dương không phải là hệ quả ngẫu nhiên của chiến thắng trong Thế chiến II như những trang sử trước đây vẫn viết. Nó có nguồn gốc tri thức từ những người Mỹ đầu tiên mang theo Kinh thánh, nhân sâm và tầm nhìn về một đế chế ở Thái Bình Dương đến vùng Viễn Đông".

Khi vượt Thái Bình Dương, những người Mỹ không hề ngơi nghỉ đã chiếm lấy các hòn đảo nhỏ bé như quần đảo Sandwich — giờ đây được gọi là Hawaii — các đảo Samoa và Guam. Phần thưởng cho cuộc chiến với Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 19 là Philippines. Trong quá trình này, châu Á trở thành người hàng xóm của nước Mỹ, theo lời Bộ trưởng Tài chính Robert Walker dưới thời Tổng thống Polk.

Quan điểm của người Mỹ về lợi ích trong khu vực này đã đưa họ đến việc duy trì các cách tiếp cận và chính sách nhất quán, dù đôi khi có
những sai lầm và đảo ngược chính sách. Như tác giả Green và những người khác đã lưu ý, Washington đã trở thành một nước giữ cân bằng (quyền lực) ở ngoài khơi, với quan điểm cho rằng Mỹ phải ngăn chặn bất kỳ một cường quốc nào thống trị châu Á đại lục và các vùng biển lân cận. Mục đích là biến Thái Bình Dương trở thành "cầu nối để cho những ý tưởng và hàng hoá của Mỹ có thể tây tiến", Green viết, "và ngăn không cho những mối đe doạ từ phía đông tới được tổ quốc quê hương".

Do đó, bảo vệ Thái Bình Dương trở thành mối lưu tâm quan trọng nhất. Các vị tổng thống Mỹ, các nhà ngoại giao, các đô đốc và các nhà phân tích có thể không đồng ý với nhau về chiến lược, nhưng những bất đồng quan điểm đó chủ yếu là về việc đưa hàng rào phòng thủ của nước Mỹ đi bao xa. Như Walter Lippmann đã lưu ý, Mỹ không bao giờ theo chủ nghĩa biệt lập ở Thái Bình Dương.

Nỗ lực của Mỹ ngày càng tăng dần theo thời gian vì các nền dân chủ, về bản chất, không phù hợp để duy trì các chính sách đối ngoại nhất quán, điều mà Alexis de Tocqueville lưu ý trong tác phẩm "Nền dân trị Mỹ". Như Green đã viết: "Các tổ phụ lập quốc đã tạo ra một hệ thống được thiết kế để ngăn chặn chính kiểu trung ương tập quyền trong việc ra quyết định (chính sách) do Thucydides, Clausewitz và các nhà tư tưởng chiến lược cổ điển hình dung". Tuy nhiên, Mỹ vẫn có thể duy trì sự nhất quán vì chính sách của nước này "luôn bắt nguồn tự nhiên từ các giá trị của nền Cộng hòa và các hoàn cảnh địa lý", tác giả lưu ý đầy tinh tế.

Những hoàn cảnh địa lý này — (được bao bọc bởi) hai đại dương — đã không làm nước Mỹ cô lập. Mỹ tham gia hai cuộc chiến lớn ở châu Âu trong thế kỷ trước, cả hai đều nhằm ngăn không cho một cường quốc, Đức, chiếm lục địa này. Một đòi hỏi chiến lược tương tự cũng đã buộc Washington phải tham gia vào hai cuộc chiến tranh lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trước tiên là cuộc chiến tranh với Nhật Bản và sau đó là nỗ lực kéo dài nhiều thập kỷ để kiềm chế sức mạnh của Liên Xô.

Giờ đây, Mỹ lại buộc phải tham gia vào chiến dịch thứ ba để ngăn không cho một nhà nước thiết lập sự kiểm soát bá quyền ở châu Á. Tác giả Green chỉ ra rằng châu Á được xác định phần lớn "bằng việc xóa bỏ và làm suy yếu trật tự dĩ Hoa vi trung". Trong suốt thế kỷ 19 và 20, một Trung Quốc yếu thế là nguyên nhân của bất ổn khi các cường quốc xâu xé triều đình nhà Thanh đang suy tàn và sau đó là Cộng hòa Trung Hoa bị chiến tranh tàn phá dưới thời Tưởng Giới Thạch. Trung Quốc ngày nay không còn là "một con cừu đứng im chịu trận" (theo như lời George Marshall), và sự trỗi dậy của Trung Quốc đang làm đảo lộn cả khu vực.

Tuy nhiên, khi viết đến giai đoạn này và với những sự kiện rất liên quan đến những thách thức hiện tại, tác giả có đôi chút ngập ngừng. Để đánh giá đúng, rõ ràng là như Green thừa nhận "một nhà biên niên sử nội bộ" khó có thể là một sử gia, nhưng sự thiếu khách quan của ông có đôi chút ảnh hưởng đến việc tường thuật và phân tích.

Chẳng hạn, Green đã không đánh giá đúng vụ máy bay do thám tháng 4 năm 2001, khi một máy bay chiến đấu của Trung Quốc va vào cánh của một chiếc phản lực EP-3 của Hải quân Mỹ trên không phận quốc tế trên Biển Đông. Bắc Kinh đã giam giữ phi hành đoàn 24 người trong 11 ngày, lột sạch các thiết bị điện tử của máy bay và từ chối không cho phép chiếc máy bay này tự bay ra khỏi Trung Quốc.

Phản ứng của Nhà Trắng dưới thời tổng thống Bush con càng gây rắc rối — đưa ra những đề nghị khiến người Trung Quốc hiểu là lời xin lỗi và đề nghị trả tiền bồi thường —và gần như chắc chắn khiến Bắc Kinh tin rằng họ không còn phải tôn trọng các chuẩn mực hành xử trong các khu vực lãnh thổ quốc tế. Dù thế nào đi nữa, vụ việc đó đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ mà Trung Quốc trỗi dậy trong khu vực, với nhiều hành động gây tổn hại tới lợi ích của Mỹ. Với hy vọng duy trì mối quan hệ hợp tác, chính quyền Bush đã vô tình khiến các thành phần hiếu chiến ở Trung Quốc trở nên mạnh bạo khi cho thấy Mỹ hầu như không có ý chí ngăn chặn họ. Cuốn sách của Green đã lướt qua vụ việc này, bỏ qua các hậu quả từ những phản ứng không thích đáng của ông Bush đối với cuộc khủng hoảng đầu tiên trong khu vực.

Tác giả Green nói rằng ông Bush vẫn để tâm điều hành các vấn đề ở châu Á và ghi nhận ông là tổng thống duy nhất tham dự tất cả các hội nghị thượng đỉnh của diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương. Green nói, ông Bush cũng tiên phong trong việc khởi xướng và hoàn thành các hiệp định thương mại tự do trong khu vực này. Tuy nhiên, trên thực địa, nhiều người cảm thấy Washington đang rời khỏi châu Á, vấn đề không được Green thảo luận. Dù đề cập rất chi tiết và sâu sắc các sự kiện cho tới thời tổng thống Clinton, cuốn sách "Hơn cả ý Trời" chỉ điểm qua những năm dưới chính quyền Bush.

Tác giả Green lại trở nên xuất sắc khi phân tích chính quyền Obama. Obama không phải là “tổng thống Thái Bình Dương" đầu tiên như nhiều người vẫn nghĩ — mà là Richard Nixon — nhưng Obama "là tổng thống đầu tiên tuyên bố châu Á là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ". Trong những năm đầu của nhiệm kỳ đầu tiên, ưu tiên đó có nghĩa là theo đuổi các chính sách hòa hợp mà cuối cùng Bắc Kinh đã không đáp lại.

Cuối cùng, một Nhà Trắng thất vọng đã thông qua chiến lược "xoay trục" — sau đó đổi tên lại là "tái cân bằng" — "đại diện cho sự trở lại của chính sách ngoại giao cân bằng quyền lực". Sự phân tích thấu đáo của Green về cách tiếp cận của Obama trong nhiệm kỳ thứ hai đối với Trung Quốc cho thấy vị tổng thống này, với "quân bài Nhật Bản" và "quân bài Ấn Độ", đang trở lại với nghệ thuật lãnh đạo truyền thống của Mỹ.

Tuy nhiên, nghệ thuật đó không chỉ là một trò chơi chính trị thực dụng. Chính sách của Washington luôn bao hàm việc thúc đẩy dân chủ như một yếu tố trung tâm vì chủ nghĩa hiện thực hoài nghi đã không bền vững ở nền Cộng hòa Mỹ. Tác giả Green lưu ý — có lẽ chính xác — rằng Mỹ sẽ không bao giờ có thể giành chiến thắng trong một cuộc đấu thuần túy về sức mạnh với một Trung Quốc nhiều tiền nhưng thiếu lương tâm, nhưng Mỹ có thể thắng thế khi đề cập những giá trị dân chủ. Suy cho cùng, những giá trị này đã được chấp nhận rộng rãi ở khu vực.

Theo một nghĩa nào đó, những giá trị (dân chủ) là một phần trong chiến lược tổng thể của Mỹ. Một số người cho rằng thật vô lý khi nói vậy — "không có thứ gì gọi là chiến lược tổng thể cho châu Á", nhà ngoại giao Winston Lord từng viết — nhưng trên thực tế, Mỹ có một chiến lược như vậy và đã thành công. Green viết, "Đa số các nước châu Á ngày nay có chính phủ dân chủ, mặc dù sự can đảm và tầm nhìn to lớn của các công dân của các quốc gia này sẽ không thể thành hiện thực nếu không có cam kết lâu dài của Mỹ trong việc ủng hộ các chuẩn mực dân chủ trong khu vực này." Tóm lại, các quốc gia châu Á Thái Bình Dương có chung những lý tưởng với Mỹ đã giúp củng cố ảnh hưởng và an ninh của Mỹ.

"Liệu nước Mỹ có khả năng thực hiện chiến lược tổng thể đó?" Green đặt câu hỏi khi tóm tắt câu chuyện lịch sử đã kể. Câu trả lời là, ít nhất là trong phần lớn thời gian, chính sách của Mỹ đã và đang nhất quán, có hiệu quả và vì thế mang lại nhiều lợi ích, ngay từ thời điểm người Mỹ lần đầu tiên nhìn sang phía bên kia Thái Bình Dương. Hòa bình và sự thịnh vượng chung của khu vực này cho chúng ta biết câu trả lời cho câu hỏi của Green, thật may, là có.

Tuấn Minh
NYTimes

Tags: bookchina

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc