Cầu Chúa ban phước lành cho những người bảo vệ hòa bình

Trật tự tự do trong 70 năm qua đang bị đe dọa.

Trật tự này dựa trên nền tảng coi việc tiến hành chiến tranh xâm lược là bất hợp pháp, với lý do hoàn toàn xác đáng.

Trật tự quốc tế dựa trên quy tắc này, nổi lên từ đống tro tàn Thế chiến II, là bước tiến lớn so
với bất kỳ giai đoạn nào trước đây. Nó kích thích thương mại phát triển trên quy mô chưa từng thấy và cho phép các quốc gia dù nhỏ và yếu phát huy tiềm năng mà không sợ sự can thiệp của các nước lớn. Trung tâm của trật tự này là nguyên tắc nền tảng rằng những nước khơi mào chiến tranh sẽ không được tưởng thưởng. Cụ thể, bất kỳ lãnh thổ nào bị sáp nhập từ cuộc xâm lược đó sẽ không được cộng đồng quốc tế thừa nhận là chính danh. Thay vào đó, những kẻ xâm lược sẽ bị trừng phạt — thường là cấm vận kinh tế. Đôi khi, các biện pháp quân sự phối hợp được Liên Hợp Quốc phê chuẩn sẽ buộc họ phải từ bỏ những gì đã chiếm đoạt bất hợp pháp.

Tuy nhiên chủ nghĩa quốc tế tự do hiện đang bị tấn công từ nhiều phía. Học thuyết “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump hoàn toàn bác bỏ nó. Ngay cả hai trong số những người được gọi là "người lớn trong phòng", được cho là có nhiệm vụ kiềm chế chủ nghĩa bản địa bài ngoại quá mức của ông Trump, dường như vui vẻ về hùa với ông. Trong một bài báo đăng trên Wall Street Journal hồi tháng 5, H.R. McMaster và Gary Cohn, lần lượt là cố vấn an ninh quốc gia và cố vấn kinh tế của tổng thống, đã viết: "Thế giới không còn là một 'cộng đồng toàn cầu' mà là một
chiến trường nơi các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ và các tập đoàn tranh giành quyền lợi. Chúng tôi mang đến nơi này sức mạnh quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá và đạo đức chưa từng có. Thay vì phủ nhận bản chất này của các vấn đề quốc tế, chúng tôi chấp nhận nó."

Cả Vladimir Putin lẫn Tập Cận Bình, những người đều đang thách thức trật tự quốc tế tự do bằng cách tạo ra vùng ảnh hưởng thông qua đe dọa và bắt nạt quân sự, sẽ thấy đồng ý với mọi điều trong tuyên bố trên, ngoại trừ yếu tố sức mạnh văn hoá và đạo đức. Ông Putin đã sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014 (lần đầu tiên biên giới của châu Âu thời hậu chiến bị thay đổi bằng vũ lực) và tiến hành cuộc xâm lược bí mật ở phía đông Ukraine để ủng hộ cuộc nổi dậy ly khai. Ông Tập thì đang cố gắng biến biển Đông, nơi có hơn một nửa số tàu vận tải thương mại thế giới đi qua, thành "cái ao làng" của Trung Quốc bằng cách tạo ra các hòn đảo nhân tạo bất chấp luật pháp quốc tế.

Cuốn sách "The Internationalists" (Những người theo chủ nghĩa quốc tế) của Oona Hathaway và Scott Shapiro, hai giáo sư luật tại Đại học Yale, là một câu chuyện lịch sử cuốn hút về sự ra đời của trật tự quốc tế tự do và lý giải vì sao nó cần phải được bảo vệ hơn bất kỳ lúc nào hết. Hai tác giả tin rằng cơ sở của cái mà họ gọi là Trật tự Thế giới Mới (để phân biệt với Trật tự Thế giới Cũ, do học giả Hugo Grotius người Hà Lan đưa ra ở thế kỷ 17, cho rằng sức mạnh chính là công lý) là một sự kiện ngoại giao đặc biệt ở Paris vào năm 1928. Hiệp ước chung về việc Từ bỏ chiến tranh như một công cụ chính sách quốc gia, hay Hiệp ước Kellogg-Briand (theo tên những người bảo trợ là Ngoại trưởng hai nước Mỹ và Pháp), đã được hơn 50 nước ký, bao gồm tất cả các cường quốc.

Hiệp định này là kết quả trực tiếp của Thế chiến I năm 1914-1918 — một cuộc xung đột thực sự theo quan điểm của Hugo Grotius đã khiến 11 triệu người thiệt mạng. Mục đích của hiệp định coi chiến tranh xâm chiếm lãnh thổ là phi pháp. Nhưng có một vấn đề trong việc thực thi. Việc Nhật Bản chiếm đóng Mãn Châu năm 1931 chưa bao giờ được coi là chính danh, theo Trật tự Thế giới cũ thì có thể vậy, nhưng một hệ thống mới có thể khiến Nhật Bản giao nộp chiến lợi phẩm ấy lại vẫn chưa có hiệu lực. Các bên ký kết hiệp định và ngay cả Hội Quốc Liên cũng không sẵn sàng hoặc không có khả năng ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt trong suốt thập kỷ tiếp theo và sự tôn sùng nó trong Thế chiến II.

Tuy nhiên, những ý tưởng trụ cột của hiệp ước đã có ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm của các nước đồng minh trước cuộc chiến chống lại phe Trục và cả việc tổ chức lại nền hòa bình sau đó. Khi chiến tranh kết thúc, ngoại trừ Liên Xô, những nước thắng trận đã trao lại mảnh đất họ đã chinh phục. Các phiên tòa Nuremberg đã tái thiết lập nguyên tắc rằng tiến hành chiến tranh xâm lược là hành động phạm tội và đã trừng phạt một số trợ thủ đắc lực của Hitler. Việc thành lập Liên Hợp Quốc và Toà án Công lý quốc tế ở The Hague, dù chưa thật hoàn hảo, nhưng đã có những tác động tích cực. Ngoại giao pháo hạm do các cường quốc áp đặt lên các quốc gia yếu thế trở thành hành động đi ngược lịch sử. Nội chiến trong một nước cũng vậy.

Tất nhiên vẫn còn rất nhiều cuộc chiến tranh. Trong một số trường hợp, Trật tự Thế giới Mới, điều góp phần hạn chế các cuộc chiến tranh quốc tế có thể xảy ra, đã vô tình tạo ra nhiều cuộc "nội chiến" hơn. Các quốc gia yếu và dễ đứt gãy trước đây từng sợ bị những nước láng giềng mạnh mẽ hơn chinh phục giờ đây có thể trở thành nạn nhân của các cuộc nội chiến hoặc những cuộc nổi dậy đầy bạo lực mà không còn phải lo sợ mất lãnh thổ quốc gia mà họ muốn kiểm soát. Các nhóm phi nhà nước, chẳng hạn như Nhà nước Hồi giáo (một thuật ngữ sai), có thể chiếm và nắm giữ lãnh thổ, ít nhất là trong một khoảng thời gian, từ các chính quyền không có năng lực. Các cuộc chiến tranh với ý định tốt nhằm thay đổi các chế độ đáng ghét nhưng được thiết kế tệ hại đôi khi gây hậu quả nghiêm trọng vượt khỏi tầm kiểm soát. Các nhà ngoại giao theo chủ nghĩa hiện thực cũng sẽ, với lý lẽ biện minh, chỉ ra rằng các cường quốc không còn gây chiến với nhau nữa vì sức mạnh phá hủy của vũ khí hạt nhân đã loại bỏ bất kỳ động cơ nào để làm như vậy.

Tuy nhiên, các tác giả lập luận thuyết phục rằng trật tự tự do trong 70 năm qua tốt hơn bất kỳ lựa chọn nào khác và đáng để cố gắng bảo vệ. Các tác giả ngưỡng mộ những người đã xác định và đấu tranh để đưa những nguyên tắc này thành hiện thực. Đó là Salmon Levinson, luật sư người Chicago với những ý tưởng liên quan trực tiếp đến việc hình thành hiệp ước Kellogg-Briand; Sumner Welles, nhà ngoại giao Mỹ có viễn kiến thành lập một tổ chức thế giới với sức mạnh quân sự để trừng phạt những kẻ hiếu chiến trong tương lai; Hersch Lauterpacht, luật sư xuất sắc người Ba Lan góp phần tạo nên một bộ luật quốc tế dựa trên các giá trị phổ quát và phẩm giá con người; và James Shotwell, học giả người Canada cộng tác với Aristide Briand để soạn thảo bản hiệp ước và sau đó góp phần vào việc thiết kế mô hình tổ chức Liên Hợp Quốc.

Tác giả Hathaway và Shapiro đã đúng khi cảnh báo rằng sự đồng thuận về tính phi pháp của chiến tranh từ sau Thế chiến II đang bị đe dọa từ mọi phía. Trong số những mối đe dọa đó là quân nổi dậy Thánh chiến Hồi giáo; một nước Nga giận dữ và một Trung Quốc tham vọng quyết tâm thách thức một hệ thống quốc tế mà họ cho rằng không phản ánh được những lợi ích của họ; tài trợ của Iran cho các nhóm khủng bố; và hành động phủ nhận đầy khinh thường của Bắc Triều Tiên đối với những nỗ lực ngoại giao nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này. Nhưng có lẽ mối nguy hiểm lớn nhất hiện nay là nhiệm kỳ của một tổng thống Mỹ -- người coi thường các chuẩn mực quốc tế, chê bai thương mại tự do và luôn bỡn cợt với việc từ bỏ vai trò thiết yếu của Mỹ trong việc duy trì trật tự pháp lý toàn cầu. Những "người theo chủ nghĩa quốc tế" – những anh hùng của cuốn sách quan trọng này – hẳn phải đang muốn đội mồ sống dậy.

Minh Thu
The Economist


Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc