Các cuộc bầu cử được đoán trước năm 1932 ở Pháp

Tổng thống Pháp Paul Doumer bị kẻ ám sát bắn, ngày 6 tháng Năm năm 1932. Nguồn: Associated Press.

Giáo sư Philip Scranton có bài ở Bloomberg, kể về việc tháng Tư năm 1932, cuộc tranh cãi về chính sách thương mại giữa Pháp và Mỹ đã được tạm hoãn, nhường chỗ cho cuộc bầu cử ở nước Pháp mà sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong vị trí kinh tế và chính trị của nước này.

Mặc dù nhập khẩu của Pháp so với năm trước đó đã giảm khoảng 40%, xuất khẩu còn giảm xuống hơn nữa, dẫn đến mức thâm hụt gần 1 tỷ franc mỗi tháng. Nước Pháp đã thiết lập mức hạn ngạch đối với hàng hóa nhập khẩu và tăng thuế suất để khuyến khích người dân mua các sản phẩm thay thế trong nước, nhằm trả đũa lại việc nước Mỹ tăng thuế quan vào năm 1930.

Trên đường đến Hội nghị giải trừ quân bị Geneva, Ngoại trưởng Mỹ Henry Stimson dừng chân ở Paris để tham vấn với Thủ tướng Pháp Andre Tardieu. Nhưng không cuộc đàm phán có lợi nào có thể diễn ra cho đến khi cuộc bầu cử Quốc hội kết thúc. Được tổ chức thành hai giai đoạn - vận động bầu cử ngày 1 tháng Năm và bầu cử lại ngày 8 tháng Năm cho hai ứng viên hàng đầu của mỗi quận - các cuộc bầu cử sẽ khẳng định các chính sách hiện hành hoặc vứt bỏ chúng.

Mặc dù kết quả được cho là chắc chắn 'sẽ có ảnh hưởng trên toàn thế giới', chiến dịch này đã trở nên 'hết sức chán ngắt,' tờ New York Times đưa tin. Tờ Times mô tả các ứng cử viên Pháp như bơ phờ, 'giống diễn viên mất hết can đảm trước khán giả lạnh lùng thờ ơ với các nỗ lực của họ.'

Ở các tỉnh, nông dân lo sợ về một tương lai ảm đạm, và thái độ công chúng ở Paris cũng không tốt hơn là bao, tờ Times đưa tin. 'Ngay cả báo chí riêng từng đảng cũng không thể nhiệt tình.'

Nhà lãnh đạo trung tả Edouard Herriot đổ lỗi sự đình trệ (kinh tế) lên chính phủ trung hữu của Tardieu, mà ông cho rằng đã đánh mất niềm tin của nhân dân. Còn Tardieu lại cho rằng một chiến thắng của cánh tả sẽ dẫn đến sự đổ vỡ kinh tế khác.

Kết quả vòng đầu tiên chưa rõ ràng; 217 nghị sĩ chiếm đa số, 600 ghế còn lại cần bầu cử lại. Tuy nhiên, nhiều người đã đi bỏ phiếu nhiều hơn so với dự kiến - khoảng 82 phần trăm số cử tri đủ điều kiện, so với bình thường chỉ là 70 tới 75 phần trăm. Các kết quả cũng cho thấy một sự chuyển hướng thiên tả đang hình thành.

Nhưng trước khi vận động chính trị cho vòng hai đi vào giai đoạn quyết liệt, một tay súng đã ám sát Tổng thống Pháp Paul Doumer, người đứng đầu nhà nước 75 tuổi thờ ơ đối với các ý thức hệ cũng như đối với sự an toàn của bản thân. Tổng thống Doumer, người được rất đông quần chúng yêu mến một phần vì ông đã mất bốn người con trai trong Thế chiến I, đã bị bắn khi rời cuộc triển lãm sách của các tác giả cựu chiến binh.

Kẻ tấn công ông, Paul Gorguloff, được mô tả như là một 'gã điên nước ngoài' và đầu tiên được cho là một điệp viên của Đức, nhưng sau đó được nhận diện là người theo chủ nghĩa quân chủ của Nga, khiến một số người bảo thủ khẳng định hắn 'thuộc về lực lượng Bolshevist chuyên nghiệp', tờ New York Times đưa tin.

Tuy nhiên, cử tri đã lựa chọn hơn 340 đại biểu trung tả và xã hội chủ nghĩa. Sự 'thắng lợi ngoạn mục này của cánh tả' đã làm cộng đồng quốc tế ngạc nhiên, những người trước đây cho rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn đáp lại 'Thách thức của Hitler' sẽ thành công ở Pháp.

Thay vào đó, Herriot trở thành Thủ tướng, lãnh đạo một liên minh Xã hội chủ nghĩa cấp tiến, mà tờ Times đưa tin là 'không cấp tiến, cũng chẳng xã hội chủ nghĩa mà là tự do ôn hòa.' Tờ Times khen ngợi nước Pháp vì đã không 'hoảng sợ trước sự khích động.'

Nước Pháp sẽ phải đối mặt với rất nhiều sự khích động trong những năm tháng sắp tới, tuy một phần từ Fuehrer nhưng hầu hết là từ các cuộc xung đột nội bộ sâu sắc. Cánh tả sẽ nắm quyền trở lại, tuyên bố chống lại chủ nghĩa Bolshevik trong khi ngưỡng mộ các công việc mà Adolf Hitler thực hiện ở Đức.

Sơn Phạm
Bloomberg


Tags: economics

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc