Giá nhà rẻ hơn sẽ thúc đẩy năng suất lao động ra sao?

London Tower Bridge & The Shard. Photo courtesy Sam valadi.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, sự đình trệ trong tăng trưởng năng suất lao động đã khiến các chính trị gia và các nhà kinh tế nhiều đêm mất ăn mất ngủ. Kể từ năm 2007, năng suất lao động ở Mỹ chỉ tăng 9%; ở Pháp là 2%. Ở Vương quốc Anh, năng suất lao động còn tụt giảm. Cứ đà năng suất lao động như hiện nay, tiền lương không thể tăng. Đầu tư vào giáo dục, y tế và công nghệ được xem là cách thường thấy để thúc đẩy tăng năng suất lao động. Nhưng từ Úc, New Zealand đến Vương quốc Anh, các chính phủ trên khắp thế giới đang bắt đầu tranh luận rằng giải quyết một vấn đề lớn khác, thị trường nhà ở đang nóng lên, có thể tăng năng suất lao động. Liệu họ có đúng không?

Để có thể hiểu giá nhà ở thấp có thể làm tăng năng suất lao động như thế nào, chúng ta hãy xem xét nền kinh tế Vương quốc Anh. Cho đến nay, khu Nội London luôn được xem là khu vực có năng suất lao động cao nhất nước, nhờ vào cụm tài chính, công nghệ và những người đam mê máy tính. Kể từ cuộc suy thoái, hơn một phần ba số việc làm mới được tạo ra ở Vương quốc Anh tập trung ở thủ đô. London còn có thể tạo thêm nhiều việc làm nữa, nhưng việc thiếu nhà ở kìm hãm điều này. Một căn nhà ở London bình quân hiện nay có giá 370.000 bảng (tương đương 577.000 USD), gần gấp đôi mức trung bình của quốc gia. Nhu cầu nhà ở tăng cao trong khi nguồn cung lại hạn hẹp. Trong một thập kỷ qua, số các ngôi nhà ở London chỉ tăng 8%. Tác động của giá nhà ở cao là đẩy người dân ra khỏi London (hoặc ngăn cản họ vào thủ đô), và do đó khiến họ phải làm những công việc năng suất thấp. Những người khác tốn thời giờ đến cơ quan trên một quãng đường dài. Từ năm 2005 đến năm 2014, số lượng người ra vào trung tâm London để làm việc đã tăng 32%. Năm 2010, một nghiên cứu cho thấy số ngày nghỉ việc của người Đức sẽ giảm khoảng 15 đến 20% nếu họ không phải di chuyển. Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh, một tổ chức tư vấn, nếu có thể hoàn toàn loại bỏ việc phải di chuyển, nền kinh tế Vương quốc Anh sẽ tăng năng suất lao động ước tính khoảng 12 tỷ bảng một năm.

Do đó, chính quyền Vương quốc Anh đang cố gắng để nới lỏng những quy định về quy hoạch trên toàn quốc. Michael Oxley của Đại học Cambridge cho biết, một hệ thống “phân vùng” từ lâu được nói đến nhiều, sẽ cấp giấy phép quy hoạch tự động cho các khu đất không còn được sử dụng hay bỏ hoang thích hợp, một chính sách được vay mượn từ các thành phố của Mỹ. Những người dân London cũng sẽ được phép xây thêm tầng cho những ngôi nhà của họ ngang với độ cao của các tòa nhà liền kề. Và qua đó, chính quyền trung ương sẽ giành được thẩm quyền để thúc ép các chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch nếu họ vẫn chậm chạp.

Nhưng vấn đề thị trường nhà ở không chỉ là nguyên nhân duy nhất kìm hãm năng suất lao động. Theo một nghiên cứu, số lượng việc làm tại khu vực Vịnh San Francisco sẽ cao hơn khoảng năm lần so với hiện nay nếu như không có những quy định quá chặt chẽ về xây dựng. Một nghiên cứu tương tự, do Paul Cheshire và Christian Hilber của trường Kinh tế London thực hiện, ước tính rằng trong đầu những năm 2000, các quy định quá chặt chẽ hoạt động như một khoản thuế lên tới khoảng 300% ở Milan và Paris, 450% ở trung tâm London, và 800% ở phía Tây London. Chung quy lại, quy định về đất đai có tác động rất lớn đối với các nền kinh tế đã phát triển. Loại bỏ tất cả các rào cản đối với sự phát triển đô thị ở Mỹ có thể tăng GDP của nước này từ 6,5% đến 13,5%, tương đương khoảng 1 đến 2 nghìn tỷ USD. Thật khó nghĩ ra được những chính sách khác mà có thể mang lại hiệu quả như vậy.

Đoàn Khải
The Economist


Tags: economics

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc