Đám đông khích động

Ta hãy xem một đám đông ở Seattle đã kích động một phụ nữ 26 tuổi  nhảy xuống cầu Seattle Memorial hồi tháng Tám năm 2001. Người phụ nữ này đã dừng xe trên đường và leo qua thành cầu. Phía sau xe cô, giao thông bắt đầu ùn tắc và những người tò mò bên kia đường cũng chạy chậm lại khiến cho giao thông như bò lê trên đường. Cảnh sát được lệnh tới hiện trường và họ cố gắng thuyết phục cô ra khỏi chỗ nguy hiểm. Khi cảnh sát làm vậy thì những người lái xe, người đi bộ và hành khách trên một chiếc xe buýt của hãng MetroBus bị ách lại bắt đầu gào thét giục người phụ nữ nhảy xuống. "Hãy nhảy đi!" họ la lên: "Nhảy đi, đồ quỷ cái! Nhảy đi chứ!". Cảnh sát đã tìm cách trấn an người phụ nữ. Nhưng những nỗ lực của họ đều vô ích. Vì đám đông liên tục gào thét, cô đã nhảy xuống sông từ độ cao bằng một tòa nhà 16 tầng. (Thật khó tin, cô vẫn sống.)

Sự việc ở Seattle là điều bất thường vì nó diễn ra vào buổi sáng, nhưng sự hiện diện của cái mà nhà xã hội học Leon Mann gọi là "đám đông khích động" hoàn toàn không có gì ngạc nhiên. Trong một nửa số vụ nhảy sông tự vẫn mà Mann nghiên cứu, các đám đông đã tập trung lại để thúc giục người nhảy. Mann nhận thấy các đám đông hay hành động theo cách này nhất là vào ban đêm, lúc này không những họ khi bị nhận diện mà còn có thể hình dung mình thuộc một nhóm lớn hơn. Và đám đông càng lớn, càng dễ cảm thấy giấu được mình, chắc chắn như vậy. và dường như còn một khả năng nữa là càng nhiều người càng la hét thì càng có nhiều người muốn la hét theo.

Tất nhiên, các đám đông khích động tương đối hiếm. Thế nhưng, động cơ thúc đẩy họ có vẻ rất giống với hành vi của các đám đông nổi loạn. Và quá trình hình thành một đám đông nổi loạn lại tương tự với cơn sốt trong thị trường chứng khoán. Đám đông đang trong cơn náo loạn nhất xem ra giống như một tổ chức đơn lẻ, cùng hành động theo một ý chí. Và rõ ràng, hành vi của đám đông này có tính tập thể mà nhóm người ngẫu nhiên nào đó sẽ không có. Nhưng nhà xã hội học Mark Granovetter lập luận rằng tính chất tập thể của một đám đông là sản phẩm của một quá trình phức tạp, không phải là việc đột ngột trở nên điên khùng. Granovetter cho thấy, trong bất kỳ đám đông nào cũng có một vài người không bao giờ nổi loạn và một vài người gần như lúc nào cũng sẵn sàng nổi loạn - đây là những "kẻ xúi giục". Nhưng đa số mọi người là trung dung ở giữa. Ý muốn nổi loạn của họ phụ thuộc vào việc những người khác trong đám đông đang làm. Đặc biệt, nó phụ thuộc vào cách nhiều người khác trong đám đông đang nổi loạn như thế nào. Khi đó, càng nhiều người nổi loạn, thì càng nhiều người quả quyết rằng họ cũng muốn nổi loạn. (Hãy nghĩ đến những điều Andy Serwer viết về sự bùng nổ của thị trường chứng khoán: "Các cổ phiếu càng tăng giá, càng nhiều người tham gia vào thị trường".)

Điều đó nghe như thể là khi một người bắt đầu gây ầm ĩ thì tất yếu sẽ dẫn đến sự náo loạn. Nhưng theo Granovetter, thực tế không phải vậy. Điều quan trọng là sự kết hợp của mọi người trong đám đông như thế nào. Nếu chỉ có vài kẻ xúi giục và nhiều người vẫn hành động theo số đông thì khả nắng sẽ chẳng có gì xảy ra. Để một đám đông bùng nổ bạn cần có những kẻ xúi giục, "những kẻ cấp tiến" - những người có ngưỡng bạo lực thấp (rất dễ gây bạo lực) - và cần số lượng lớn những người dễ bị dao động.

Công trình của Granovetter còn một hàm ý nữa là nếu trong đám đông có đủ số người không bảo giờ nổi loạn trong bất cứ điều kiện nào - tức là, hành động của họ không phụ thuộc vào hành vi của cả đám đông nói chung - thì cuộc nổi loạn sẽ ít có khả năng xảy ra, bởi vì càng nhiều người không nổi loạn, thì càng nhiều người ở đó sẽ là những người không muốn nổi loạn. Điều tương tự đối với con sốt trong thị trường chứng khoán là đương nhiên: càng nhiều nhà đầu tư từ chối mua cổ phiếu chỉ vì những người khác đang mua chúng thì sẽ càng ít khả năng bùng lên cơn sốt. Càng ít nhà đầu tư coi thị trường như thể là cuộc thi hoa hậu của Keynes thì các quyết định của thị trường sẽ càng thông minh và thiết thực hơn.

Nếu như mô hình của Granovetter cho chúng ta biết đôi chút về cách phòng ngừa hay ít nhất cũng giảm nhẹ được các cuộc nổi loạn, các cơn sốt và các cuộc đổ vỡ, thì nó cũng cho biết đôi điều về lý do tại sao, khi nào các nhóm đi sai hướng, họ đi sai hướng theo cách cực đoan. Về một ý nghĩa nào đó, khi một đám đông vượt qua ngưỡng để gây bạo lực thì hành vi của họ sẽ diễn ra theo những thành viên bạo lực nhất trong đám đông. Đám đông hỗn tạp không phải là khôn ngoan. Đánh giá của họ mang tính cực đoan.
P. 356 - The Wisdom of Crowds

Thí nghiệm nhóm gây áp lực buộc các thành viên tuân theo
Con người cần tư duy độc lập
Thuyết Bằng chứng xã hội
Thí nghiệm con khỉ Imo về sự bắt chước
Chiến lược định giá Goldilocks
Thí nghiệm "Kẻ chen ngang"
Cuộc chơi được mất
Lý do hợp tác
Giao thông tại Singapore
Đám đông khích động
Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc