Thí nghiệm "Kẻ chen ngang"

Để cho các thông lệ vận hành hiệu quả thì đôi khi vẫn cần đến những áp đặt từ bên ngoài. Milgram đã tìm hiểu điều này khi ông làm thí nghiệm xem điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người cố tình chen ngang vào hàng người dài đang chờ đợi. Milgram yêu cầu các sinh viên của mình chen ngang vào dòng người đang xếp hàng trước cửa hiệu OTB và quầy bán vé. Ở đây, cũng có khoảng 50% số lần các sinh viên chen ngang được mà không gặp vấn đề gì rắc rối. Nhưng khác với trường hợp trên tàu điện ngầm - khi mọi người từ chối nhường chỗ họ nói chung chỉ trả lời "không" hoặc thậm chí không thèm trả lời - còn ở đây, khi muốn ngăn chặn việc chen ngang, mọi người đã phản ứng quyết liệt hơn. 10% số lần mọi người phản ứng bằng hành động, có trường hợp còn đẩy "kẻ chen ngang" ra khỏi hàng (tuy nhiên, thường là họ chỉ vỗ nhẹ hoặc kéo vai). Khoảng 25% số lần mọi người lên tiếng phản đối và không để cho kẻ chen ngang đứng vào hàng. Và khoảng 15% số lần người chen ngang chỉ nhận được những ánh mắt khinh bỉ và phẫn nộ.

Khía cạnh thú vị nhất trong cách hàng người phản ứng việc chen ngang là trách nhiệm đối phó với kẻ chen ngang lại rơi ngay xuống vai người bị kẻ đó đứng trước mặt. Những người phía sau chịu đựng khi có kẻ chen ngang và những người ở vị trí thứ hai hay thứ ba sau kẻ chen ngang đôi khi lên tiếng phản đối nhưng nói chung có khả năng phản ứng là người gần kẻ mới vào nhất (Người gần nhất, nhưng ở phía sau: những người đứng trước kẻ chen ngang hiếm khi nói gì.) Một lần nữa, đây không phải là luật lệ chính thức, nhưng nó có ý nghĩa về trực giác. Người đứng ngay sau kẻ chen ngang không những phải chịu đựng nhiều nhất (tương ứng với thời gian anh ta còn phải chờ đợi) mà còn dễ gây ầm ĩ nhất mà không làm lộn xộn đối với hàng người nói chung.

Tâm lý lo ngại sự lộn xộn trong hàng, hóa ra, đã tạo điều kiện để chen ngang vào hàng dễ dàng hơn mong đợi, ngay cả ở New York. Milgram lập luận rằng trở ngại lớn nhất để hành động chống lại kẻ chen ngang là sợ bị mất chỗ của mình trong hàng. Xếp hàng, giống như quy tắc đến trước - phục vụ trước, là một cơ chế đơn giản nhưng hiệu quả để phối hợp giữa mọi người, nhưng thành công của nó phụ thuộc vào sự tự nguyện tôn trọng trật tự trong hàng của tất cả mọi người. Thật nghịch lý là điều này đôi khi có nghĩa là để mọi người chen ngang trước mặt còn hơn là có nguy cơ phá vỡ cả hàng. Đó là lý do tại sao Milgram coi khả năng nhượng bộ những kẻ chen ngang là dấu hiệu co giãn của hàng người, chứ không phải là điểm yếu của nó.

Thực chất, xếp hàng là một cách tốt để phối hợp hành vi của những cá nhân đang tập trung ở một chỗ để tìm kiếm một hàng hóa hay dịch vụ. Xếp hàng một là hiệu quả nhất, theo đó, người đứng đầu hàng được phục vụ trước tiên. Ngược lại, những hàng người dày đăc bạn thường thấy ở các siêu thị, với mỗi quầy thu tiền có một hàng riêng, lại là một cách khiến người ta mệt mỏi. Các hàng khác không những dường như luôn ngắn hơn hàng bạn đang đứng - có nghĩa là họ có một cơ hội tốt, vì việc bạn đứng ở hàng này mà không phải hàng kia, làm cho hàng này có khả năng dài hơn - mà các nghiên cứu về cách con người nhận thức tốc độ giao thông cũng cho thấy có thể bạn đánh giá rất kém tốc độ di chuyển của hàng mà bạn đang đứng so với những hàng khác. Tương tự, việc xếp thành nhiều hàng khiến mọi người cảm thấy trách nhiệm trước tốc độ thanh toán, vì họ tin rằng nếu chọn một hàng khác, họ có thể đã làm tốt hơn. Giống như chiến lược đối với chỗ ngồi trên tàu điện ngầm, công sức bỏ ra quá nhiều so với thành quả thu được. Xếp hàng một có nhược điểm là cảm giác lâu hơn nhiều so với nhiều hàng (vì mọi người cùng dồn vào một hàng duy nhất), nhưng nếu tính trung bình, mọi người sẽ được phục vụ nhanh hơn khi xếp hàng một. Nếu có một cách xếp hàng chờ đợi khôn ngoan, thì đó chính là cách xếp hàng một.

Tuy nhiên, ngay cả một hàng rất có trật tự thì đó thật sự có phải là một giải pháp hiệu quả? Nói cách khác, nó có làm tốt công việc phân phối hàng hóa và dịch vụ hay không? Ở đây một lần nữa, việc áp dụng những tiêu chuẩn giống như chúng ta đã sử dụng trong phần đầu của cuốn sách đòi hỏi phải thật khéo léo. Việc xếp hàng phản ánh khá chính xác nhu cầu của mọi người - chẳng hạn, những người đợi 5 ngày để đón xem buổi chiếu ra mắt của phim Sự uy hiếp của bóng ma (The Phantom Menace) có thể muốn xem hơn bất cứ người nào khác. Và bởi vì những người xếp hàng coi thời gian là đặc quyền hơn tiền bạc, nên họ có một quan niệm về mức bình quân mà người ta có thể thấy rất hấp dẫn. Nhưng thực chất chính vì họ coi thời gian như một đặc quyền trong một xã hội đề cao giá trị của nó, nên việc xếp hàng của dân Mỹ có thể vận hành tốt hơn nếu người ta có thể bán chỗ của mình trong hàng. Theo cách đó, ai thực sự muốn đi xem phim Sự uy hiếp của bóng ma nhưng bận phải làm việc thì có thể trả tiền cho người khác xếp hàng hộ mình. Người giữ chỗ có việc làm và những vé xem sẽ đến tay người đánh giá chúng cao nhất. Dĩ nhiên chúng ta coi điều này rất giống với việc đầu cơ vé, nhưng đầu cơ vé là bất hợp pháp ở nhiều nơi và bị coi thường ở hầu hết mọi nơi.

Không có lý do rõ ràng tại sao việc đầu cơ là đáng chỉ trích - nó đơn giản làm cho giá vé thực sự phản ánh nhu cầu đối với chiếc vé đó, đó là điều nó nên phản ánh - nhưng ác cảm của chúng ta đối với nó là bằng chứng cho thấy xếp hàng là một việc phải làm theo quy ước. Chờ đợi trong hàng là một dạng lao động và vé (hay bất cứ thứ gì) là phần thưởng cho lao động đó. Nếu người nào đó không đợi trong hàng, nhưng cuối cùng lại xông vào - cho dù là anh ta trả tiền - là vi phạm trật tự hệ thống. (Có lẽ cũng giống như ai đó có thể bỏ tiền mua chỗ của bạn trên tàu điện ngầm.) Quy tắc này dường như đang thay đổi.
P. 164 - The Wisdom of Crowds

Thí nghiệm nhóm gây áp lực buộc các thành viên tuân theo
Con người cần tư duy độc lập
Thuyết Bằng chứng xã hội
Thí nghiệm con khỉ Imo về sự bắt chước
Chiến lược định giá Goldilocks
Thí nghiệm "Kẻ chen ngang"
Cuộc chơi được mất
Lý do hợp tác
Giao thông tại Singapore
Đám đông khích động
Tags: book

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc