Ngoại giao tiệc chiêu đãi của Roosevelt


Thủ tướng Anh Ramsay MacDonald phát biểu tại Hội nghị kinh tế London tháng Sáu, năm 1933. Nguồn: Getty Images.

Giáo sư Philip Scranton mới có bài ở Bloomberg, kể về 'Các quốc gia trên thế giới đang hướng về Roosevelt,' theo tít báo New York Times ngày 12 tháng Tư, năm 1933. Tờ báo tóm tắt sự mong đợi mà cuộc bầu cử Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã mang lại trong một thế giới hiện phải đối mặt với những căng thẳng kinh tế của cuộc Đại khủng hoảng.

Có công vực dậy khu vực ngân hàng bị tê liệt và khôi phục niềm tin công chúng, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ đã trở thành nhân vật quan trọng trong Hội nghị Kinh tế và Tiền tệ sắp tới của Hội quốc liên (League of Nations).

'Franklin Roosevelt, với tư cách một Tổng thống, biết được, như mọi người khác, rằng sẽ không có sự phục hồi kinh tế chung nào mà không có sự phối hợp hành động của tất cả các quốc gia,' tạp chí Time viết. 'Tổng thống cũng biết rằng Hội nghị Thế giới ở London sẽ thất bại một cách ảm đạm nếu cứ khai mạc (open cold) mà không có các cuộc thảo luận từ trước. Tổng thống tin vào tính hiệu quả (efficacy) của các tiếp xúc cá nhân.'

Roosevelt đã mời Thủ tướng Anh Ramsay MacDonald tới thăm Washington và ở lại Nhà Trắng. Sau đó là cựu Thủ tướng Pháp Edouard Herriot, và 42 nhà lãnh đạo từ 42 quốc gia khác, bao gồm Đức, Ý, Canada, Mexico, Argentina và Brazil.

Roosevelt đã lên kế hoạch hàng loạt các cuộc họp tập trung vào vấn đề thương mại và thuế quan. Tổng thống hi vọng không ai đả động đến vấn đề nhạy cảm (testy) về các món nợ và bồi thường (reparation) chiến tranh. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Cordell Hull trước đó đã chỉ trích mạnh mẽ các chính sách thuế quan bảo hộ.

'Thông lệ chính sách cô lập kinh tế dở điên dở khùng (half-insane) trong 10 năm qua bởi Mỹ và thế giới là nguyên nhân duy nhất và lớn nhất gây nên sự hoảng loạn trên thế giới,' ông nói. 'Sự theo đuổi chủ nghĩa dân tộc kinh tế điên rồ đã cho thấy kết quả thảm hại.'

Tuy nhiên ngay khi MacDonald và Herriot đang giong buồm trên Đại Tây Dương thì nước Mỹ đã hành động tư lợi và cấm xuất khẩu vàng. 'Các sự kiện trong 2 ngày qua đã hoàn toàn thay đổi tình hình,' MacDonald nói.

Khi Herriot biết tin qua đài, một thành viên trong Đảng của ông kêu lên: 'Chúng ta có thể quay tàu và về nước thôi.' Các chủ ngân hàng Pháp phản đối kịch liệt động thái của Mỹ như là một 'sự lừa đảo chính trị.'

'Những điều kiện chung mà tôi và các chuyên viên của tôi được chuẩn bị đã bị thay đổi hoàn toàn,' Herriot nói.

Tuy nhiên, việc Mỹ đơn phương từ bỏ chế độ bản vị vàng đã không làm hỏng các cuộc đàm phán. Roosevelt và Thủ tướng Anh nói chuyện rất lâu, và con gái của MacDonald là Ishbel đi ngắm cảnh với Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt.

Tuyên bố tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, MacDonald cám ơn 'Tổng thống rất ôn hòa, mạnh mẽ và dũng cảm của các bạn' trong việc cùng ông tìm kiếm sự đồng thuận quốc tế về giảm thất nghiệp và khôi phục thương mại.

Herriot cũng đã thể hiện phép lịch sự ngoại giao khôn khéo. 'Tôi sẵn sàng, nếu sự trợ giúp của tôi được cần đến, hợp tác toàn diện trong một giải pháp cho các khó khăn chồng chất đang đè nặng lên người dân Mỹ, và coi đây là một đặc ân quý giá để hợp tác với người lãnh đạo quốc gia xuất sắc (eminent), người mà lòng dũng cảm, nhiệt huyết, trí tuệ rộng lớn và lòng vị tha cao quý xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ của bản thân tôi cũng như của thế giới.'

Dù không một thỏa thuận nào đạt được, nhưng sự hiểu biết lẫn nhau đã được cải thiện. Ngày khai mạc hội nghị thế giới được ấn định là ngày 12 tháng Sáu ở London.

Roosevelt, MacDonald và Herriot cùng chia sẻ sự ủng hộ đối với việc ngừng đánh thuế và ổn định tiền tệ, nhưng vẫn tồn tại một bí ẩn: Làm thế nào những vấn đề này được giải quyết một cách hợp tác trên cơ sở các căng thẳng chính trị vẫn dai dẳng trên toàn thế giới?

Sơn Phạm
Bloomberg


Khi Roosevelt từ bỏ chế độ bản vị vàng
Luật Ngân hàng khẩn cấp năm 1933 ở Mỹ
Tags: economics

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc