Vì sao giá dầu đang giảm?

Sanford, Texas. Photo courtesy Charles Henry.

Giá dầu đã giảm hơn 40% kể từ tháng Sáu, khi nó ở mức 115 USD một thùng. Hiện nó ở mức dưới 70 USD một thùng. Điều này xuất hiện sau gần năm năm ổn định. Tại một cuộc họp ở Vienna ngày 27 tháng 11, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), kiểm soát gần 40% thị trường thế giới, đã không đạt được thỏa thuận về việc hạn chế sản xuất, khiến giá giảm mạnh. Cũng bị tác động mạnh là những nước xuất khẩu dầu mỏ như Nga (nơi đồng rúp đã ở mức thấp kỷ lục), Nigeria, Iran và Venezuela. Vì sao giá dầu đang giảm?

Giá dầu được quyết định một phần bởi cung và cầu thực tế, và một phần bởi sự kỳ vọng. Nhu cầu năng lượng có liên quan chặt chẽ đến hoạt động kinh tế. Nó cũng tăng mạnh trong mùa đông ở Bắc bán cầu, và trong suốt mùa hè ở các nước có sử dụng điều hòa nhiệt độ. Nguồn cung có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết (ngăn cản tàu chở dầu bốc hàng) và rối loạn về địa chính trị. Nếu các nhà sản xuất nghĩ rằng giá ở mức cao, họ sẽ đầu tư, mà sau một độ trễ sẽ làm tăng nguồn cung. Tương tự như vậy, giá thấp dẫn đến đầu tư bị giảm. Quyết định của OPEC định hình kỳ vọng: nếu tổ chức này hạn chế mạnh nguồn cung, nó có thể khiến giá tăng. Ảrập Xêút sản xuất gần 10 triệu thùng một ngày - một phần ba tổng sản lượng của OPEC.

Bốn điều đang ảnh hưởng đến bối cảnh này. Nhu cầu thấp do hoạt động kinh tế yếu kém, hiệu quả tăng và sự chuyển đổi ngày càng mạnh từ dầu sang các nhiên liệu khác. Thứ hai, bất ổn ở Iraq và Libya - hai nước sản xuất dầu lớn với tổng gần 4 triệu thùng một ngày - đã không ảnh hưởng tới sản lượng của họ. Thị trường lạc quan (sanguine) hơn về rủi ro địa chính trị. Thứ ba, Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Dù nước này không xuất khẩu dầu thô, nước này hiện nhập khẩu ít hơn nhiều, tạo ra rất nhiều nguồn cung dư thừa. Cuối cùng, người Ảrập và các đồng minh vùng Vịnh của họ đã quyết định không hy sinh thị phần của chính mình để khôi phục giá tăng trở lại. Họ có thể hạn chế mạnh sản xuất, nhưng các lợi ích chính sẽ đến những nước họ ghét cay ghét đắng như Iran và Nga. Ảrập Xêút có thể chịu đựng mức giá dầu thấp hơn khá dễ dàng. Nước này có 900 tỷ USD trong dự trữ ngoại hối. Giá thành sản xuất dầu của họ rất thấp (chỉ khoảng 5-6 USD một thùng) để khai thác khỏi mặt đất.

Tác động chính của giá dầu giảm là đối với những thành phần rủi ro nhất và dễ bị tổn thương nhất của ngành công nghiệp dầu mỏ. Đó là các frackers người Mỹ, những người đã vay mượn rất nhiều dựa trên kỳ vọng giá dầu tiếp tục tăng. Đó là các công ty dầu phương Tây với dự án có chi phí cao liên quan đến khoan nước sâu hay ở Bắc Cực, hoặc phải đối phó với các mỏ dầu mãn kỳ và ngày càng đắt đỏ như ở Bắc Hải. Nhưng bị tác động lớn nhất là ở những nước mà các chế độ phụ thuộc vào giá dầu cao để chi trả cho những cuộc phiêu lưu nước ngoài tốn kém và những chương trình xã hội đắt đỏ. Những nước này bao gồm Nga (vốn đã bị tác động bởi lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi can thiệp ở Ukraine) và Iran (đang tài trợ để giữ chế độ Assad tồn tại ở Syria). Những người lạc quan cho rằng tổn thất kinh tế có thể khiến những nước này tuân theo trước áp lực quốc tế. Những người bi quan lo ngại rằng khi bị dồn đến bước đường cùng, họ có thể tấn công bất ngờ trong tuyệt vọng.

Thành Đạt
The Economist


Tags: economics

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc