Nhật Bản và nô lệ tình dục thời chiến

Nhìn lại trong phẫn nộ
Photo: japantrends.

Khi còn là một anh lính quân y trẻ tuổi phục vụ trong thời kì quân đội hoàng gia Nhật Bản chiếm đóng Trung Hoa từ năm 1943 đến năm 1945, ông Masayoshi Matsumoto được lệnh tham gia kiểm tra những phụ nữ Triều Tiên xem có mắc các bệnh hoa liễu (venereal disease) hay không. Ông nói những người phụ nữ này được chuyển tới tiền tuyến để phục vụ lính Nhật. Trong khi đó, ở những vùng nông thôn xa xôi không có nhà thổ quân sự, phụ nữ địa phương bị dồn bắt (round up) và đưa vào các nhà thổ tạm bợ (makeshift brothel). Ông Matsumoto kể họ bị đối xử như nhà vệ sinh công cộng – binh lính xếp hàng chờ đến lượt cưỡng bức họ. ‘Họ không dám kháng cự vì biết điều gì sẽ xảy ra nếu chống lại,’ ông tiếp lời.

Những gì ông Matsumoto mắt thấy tai nghe xảy ra cách đây đã bảy thập kỷ, thế nhưng tranh cãi xoay quanh những người mà phía Nhật gọi là ‘phụ nữ giải khuây’ (comfort women) – hàng nghìn phụ nữ châu Á (phần đông đến từ Triều Tiên, ngoài ra còn có Miến Điện, Trung Hoa, Indonesia, Philippines, Đài Loan và các nơi khác) bị lùa tới những nhà thổ quân sự thời chiến của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai vẫn còn nhức nhối (fester). Hàn Quốc và Nhật Bản – những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á – đến nay vẫn gần như không thể đối thoại, điều khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama phiền lòng, bởi bất đồng về vấn đề lịch sử này.

Các chính trị gia bảo thủ ở Nhật đã nhiều lần gây phẫn nộ (inflame) dư luận Hàn Quốc khi tuyên bố những người phụ nữ đó là gái mại dâm tự nguyện “giải khuây” cho binh lính ở mặt trận. Tuy nhiên, Tổng thống Obama tuyên bố rõ ràng (made it crystal clear) rằng ông không nghĩ như vậy. Trong khi né tránh (steer clear) chủ đề này khi đến Tokyo trong chuyến công du châu Á vào tháng trước, Tổng thống Obama lại gần như ngay lập tức lên án chế độ nô lệ tình dục (sexual enslavement) trong chuyến thăm hai ngày ở Seoul, coi đây là điều ‘khủng khiếp, vi phạm nghiêm trọng (egregious) nhân quyền, đáng căm phẫn’ ngay cả trong thời chiến.

Tổng thống Obama cũng kêu gọi 'một sự đánh giá chính xác và rõ ràng về những gì đã xảy ra'. Tuyên bố của ông khiến chính phủ Nhật Bản ngạc nhiên. Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản - ông Katsunobu Kato thừa nhận ‘những nỗi khổ đau không đo đếm được’ của các nạn nhân nhưng cho rằng vấn đề ‘không nên bị biến thành một chủ đề chính trị hay ngoại giao’.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đương nhiên biết rõ rằng đây là điều không thể. Hồi tháng Ba, ông đã có những động thái hạ nhiệt các tranh cãi (take some of the sting out) khi tuyên bố chính phủ của ông sẽ không xét lại lời xin lỗi từng được một quan chức nội các đưa ra vào năm 1993 – lần đầu tiên thừa nhận vai trò của quân đội Nhật Bản trong việc thiết lập các nhà thổ thời chiến. (Chính phủ trước đó đã phủ nhận sự tồn tại các nhà thổ này). Vào ngày 16 tháng Tư, và thêm một lần nữa vào tuần này, các quan chức ngoại giao cao cấp Nhật Bản và Hàn Quốc đã gặp gỡ để bàn về cách thức Nhật Bản có thể đền bù thỏa đáng hơn (more fully make amends). Hàn Quốc yêu cầu một lời xin lỗi chính thức và các khoản bồi thường xứng đáng. Nhưng họ cũng tỏ ra cảnh giác về mức độ chân thành của Nhật Bản. Như lời một quan chức cao cấp trong chính phủ Hàn Quốc: Chính phủ của ông Abe đã cam kết sẽ ‘xem xét’ cuộc điều tra dẫn đến lời xin lỗi năm 1993, một động thái rõ ràng không mang nhiều ý nghĩa, chủ yếu nhằm xoa dịu (sop) phe bảo thủ vốn từ lâu đã chỉ ra các mâu thuẫn trong lời khai (testimony) của các nạn nhân Hàn Quốc.

Các bằng chứng đầu tiên xuất hiện khi một số phụ nữ, sau nhiều thập niên ô nhục, đã phá vỡ sự im lặng vào đầu thập niên 1990. Giờ đây chỉ còn 55 người phụ nữ giải khuây Hàn Quốc còn sống. Cách để thoát khỏi bế tắc (impasse) lịch sử này có lẽ là chuyển trách nhiệm chứng minh (shift the probe) sang thủ phạm (perpetrator). Nhiều năm qua, các cựu binh Nhật từng tham gia Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề nô lệ tình dục. Ông Matsumoto, từng đóng quân ở tỉnh Shanxi (Sơn Tây), Trung Hoa là người gần đây nhất và có lẽ cũng là người cuối cùng bước ra ánh sáng. Ông gọi những nỗ lực phủ nhận thời kì phụ nữ giải khuây là ‘nhục nhã’: ‘Tôi đã chứng kiến tận mắt (with my own eyes) những điều này. Những ai không nghiêm túc nhìn lại những gì đã xảy ra trong quá khứ sẽ lặp lại lịch sử.’ Ở tuổi 92, ông nói sức khỏe đang sa sút và thời gian cũng cạn dần. Rất nhiều nhà báo từ Hàn Quốc, Trung Hoa và Nhật Bản đã ‘hành hương’ tới nhà ông ở phía tây Tokyo để nghe chuyện. Tuy nhiên, chính phủ của ông thì vẫn chưa đoái hoài gì.

Đăng Duy
The Economist

Tags: japansex

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc