Làm gì với những lời chỉ trích?

Benjamin Franklin nhận thấy ông có tới 13 tật nặng, trong đó có ba tật này: bỏ phí thì giờ, quá thắc mắc về những chi tiết, hay cãi lý và chỉ trích kẻ khác. Ông hiểu rằng nếu không bỏ được ba tật ấy, không thể thành công lớn. Cho nên ông rán mỗi tuần thắng một tật và mỗi ngày ghi lại hành vi để xem lùi hay tiến. Rồi tuần sau, ông lại nắm cổ một tật xấu khác, xắn tay áo, sẵn sàng nhảy bổ vào vật nhau với nó. Ông chiến đấu với những tật của ông theo cách đó trên hai năm trời, không bỏ một tuần nào hết.

... Elbert Hubbard nói: "Trong mỗi ngày, mỗi người ít nhất cũng điên năm phút. Đừng điên quá cái độ ấy tức là khôn vậy."

Kẻ ngu nổi đóa liền hễ bị chỉ trích một chút, nhưng người khôn sẵn sàng nghe những lời chỉ trích, trách cứ, để học thêm. Walt Whitman nói: "Có phải chỉ học khôn được ở những người ngưỡng mộ, kính mến ta và nem nép trước mặt ta không? Hay là ta đã học được nhiều điều nhờ những người ghét bỏ, chống báng ta, tranh nhau với ta?"

Đáng lẽ đợi kẻ thù chỉ trích tính tình hoặc công việc của ta, ta đi trước y đi. Ta tự chỉ trích và nghiêm khắc với ta đi. Hãy kiếm những nhược điểm mà sửa chữa, đừng cho kẻ thù trách ta được. Charles Darwin làm như vậy. Ông bỏ ra 15 năm để tự chỉ trích: Sau khi viết xong cuốn sách bất hủ "Nguyên thủy của muôn loài", ông nhận thấy rằng nếu xuất bản, quan niệm cách mạng về tạo vật trong sách chắc chắn sẽ làm náo động các giới trí thức và tôn giáo. Bởi vậy ông tự chỉ trích trước, trong 15 năm kiểm sát lại những khảo cứu, bình phẩm những lý luận và kết luận của ông.

... Chúng ta, bạn và tôi, nên hoan nghênh chỉ trích, vì chúng ta không hy vọng trong bốn lần hành động mà không có lần nào lầm lạc hết. Tổng thống Theodore Roosevelt khi ngồi tại Nhà Trắng đã nói như vậy. Còn Einstein, nhà tư tưởng sâu sắc nhất đương thời, thì thú nhận rằng những kết luận của ông 100 lần có 99 lần sai!

La Rochefoucauld nói: "Kẻ thù của ta xét ta đúng hơn ta tự xét ta."

Tôi cũng biết câu đó đúng: vậy mà hễ có kẻ nào vừa ngỏ lời chỉ trích tôi về những hành vi không thận trọng, thì tôi bật lên như cái lò xo, nhảy lại đả đảo ngay, mặc dầu tôi chưa hiểu chút xíu gì về những lời chỉ trích đó. Nhưng sau mỗi lần hành động như vậy, tôi thấy tởm cái thằng tôi. Hết thảy chúng ta vốn ghét những lời chỉ trích và khoái những lời tán tụng, không xét xem sự khen chê có đúng không. Chúng ta vốn là một loài ít dùng lý trí và dễ cảm xúc. Lý trí của ta tựa chiếc tam bản bị sóng nhồi trong một biển sâu thẳm và tối tăm vì giông tố. Biển đó tức là cảm tình của ta. Phần đông chúng ta tự khen, khen cái "ta" hiện tại. Nhưng 40 năm nữa, nhớ lại cái "ta" bây giờ, ta sẽ bật cười cho cái "ta" đó.

... những lúc đó, nếu chúng ta thấy nổi giận, hãy nén ngau lại và tự nhủ: "Hãy khoan đã... Ta còn xa mới được hoàn toàn. Nếu Einstein tự nhận rằng 100 lần thì 99 lần lầm lẫn, có lẽ ta ít nhất cũng phải lầm 80 lần. Vậy có thể lời chỉ trích của "người ấy" không quá đáng đâu. Ta phải cám ơn và rán sửa mình chứ!"
P 276 - How to stop worrying and start living

Tags: skill

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc