Mệt mỏi do cảm xúc

Điều này thật lạ lùng và lý thú: một công việc hoàn toàn tinh thần không làm ta mệt được. Dường như vô lý đấy. Nhưng mấy năm trước đây, các nhà bác học rán tìm xem óc người ta làm việc được bao lâu mà không thấy mệt, nghĩa là không thấy "sức làm việc kém đi". Và họ ngạc nhiên thấy rằng khi óc đang làm việc, máu trong óc không có dấu hiệu gì tỏ rằng họ mệt hết! Nếu ta lấy máu của một người đang làm việc bằng tay chân, ta sẽ thấy máu đầy những "chất độc do mệt mỏi mà sinh ra". Nhưng máu trong óc của Einstein, sau một ngày suy nghĩ, không có một chút chất độc nào.

Vậy nói riêng về bộ óc thì "sau 8 hay 12 giờ làm việc, nó vẫn minh mẫn như lúc mới đầu". Óc cơ hồ như không biết mệt... Vậy cái gì làm cho ta mệt?

Những nhà chuyên trị bệnh thần kinh tuyên bố rằng ta mệt hầu hết do cảm xúc và tâm trạng của ta. Một trong những nhà trị bệnh thần kinh danh tiếng nhất ở Anh, ông J.A. Hadfield, viết câu này trong cuốn "Tâm lý của uy quyền": "Cảm tưởng mệt nhọc của ta phần lớn do tinh thần mà có. Sự thật thì suy nhược ít khi do một nguyên nhân hoàn toàn thể chất."

Một nhà trị bệnh thần kinh có danh nhất ở Mỹ là bác sỹ A. A. Brill, còn đi xa hơn nữa. Ông tuyên bố: "Những người mạnh khỏe làm việc tinh thần mà thấy mệt thì nhất định là bao giờ cũng do những nguyên nhân tâm lý và nguyên nhân cảm xúc."

Mà những cảm xúc nào khiến người làm việc bằng tinh thần thấy mệt? Những cảm xúc vui vẻ, thỏa mãn, hài lòng chăng? Không. Không khi nào. Buồn bực, tức tối vì không được khen, và thấy chỉ là công dã tràng, hấp tấp, ưu tư, đó những cảm xúc đó làm cho y thấy mệt, thấy không chống cự nổi với thời tiết đổi thay, thấy năng lực sút kém và nhức đầu. Chính vậy, chúng ta sở dĩ mệt là do những cảm xúc làm cho bộ thần kinh căng thẳng.

... Bạn có cau mày không? Có thấy nằng nặng ở khoảng giữa hai con mắt không? Bạn có khoan khoái ngồi trong ghế bành không? Hay là bạn thụt đầu nhô vai lên? Những bắp thịt trên mặt bạn có căng thẳng không? Nếu cả cơ thể của bạn không duỗi ra, mềm như bún thì chính bạn đang làm cho bộ thần kinh và bắp thịt căng thẳng đấy!

Mà trong khi làm việc bằng tinh thần, cần gì phải bắt thần kinh và bắp thịt căng thẳng một cách vô ích như thế? Josselyn nói: "Theo tôi, hầu hết chúng ta cứ tin rằng một công việc khó khăn, muốn làm cho cẩn thận, phải gắng sức mới được. Vì vậy mà ta mắm môi, bặm miệng, rụt cổ, nhô vai, bắt những bắp thịt phải gắng sức, để tập trung tư tưởng. Nhưng thật ra làm thế, ta chẳng giúp cho tinh thần chút nào ráo."

... Muốn cho tinh thần khỏi mệt nhọc, phải làm sao? Xả hơi! Xả hơi! Xả hơi! Phải học cách xả hơi ngay trong khi ta làm việc.

... Bạn xả hơi ra sao? Bạn bắt đầu để cho tinh thần nghỉ ngơi hay để cho thần kinh hệ nghỉ ngơi trước? Cả hai cách đều không được. Luôn luôn phải để cho bắp thịt nghỉ ngơi trước đã.

Chúng ta hãy thử xem nào. Ví dụ muốn cho mắt ngỉ thì bạn ngả lưng, nhắm mắt, và nói thầm với cặp mắt: "Nghỉ đi, nghỉ đi. Đừng gắng sức nữa, đừng cau lại nữa. Nghỉ đi, nghỉ đi." Bạn lặp đi lặp lại câu đó thật chậm trong 1 phút.

Bạn có thấy rằng sau vài giây như vậy, những gân trong mắt bắt đầu tuân lệnh bạn không? Bạn có thấy như có một bàn tay vô cùng êm dịu nào vuốt ve cho nó hết căng thẳng không? Vậy chỉ trong một phút, bạn đã biết được cả bí quyết về nghệ thuật nghỉ ngơi rồi đấy. Bạn có thể áp dụng cách ấy với 2 hàm răng hoặc những bắp thịt ở mặt, cổ, vai và hết thảy thân thể của bạn. Tuy nhiên, cơ quan quan trọng nhất vẫn là mắt. Bác sỹ Edmund Jacobson ở trường Đại học Chicago còn nhấn mạnh rằng, nếu ta cho gân mắt nghỉ ngơi hoàn toàn, ta quên được hết ưu phiền đau đớn! Sở dĩ mắt quan trọng như vậy là vì một phần tư năng lực tinh thần của ta đem tiêu vào cặp mắt trong khi ta nhìn. Cũng chính vì thế mà biết bao người thấy "mỏi mắt" tuy mắt họ rất tốt: họ đã chú mục quá độ.

... Trong khi làm việc, nên kiếm mọi tiện nghi cho thảnh thơi. Nên nhớ rằng những bắp thịt của thân thể mà căng thẳng thì sinh đau lưng, thần kinh mỏi mệt.

Daniel W. Josselyn nói: "Muốn biết ban ngày làm việc được nhiều chăng thì tối đến, tôi xét xem tôi có mệt hay không. Không mệt là làm nhiều, mệt nhiều là làm ít." Ông lại nói: "Nếu tối đến, tôi thấy mệt lắm hoặc quạu quọ - quạu quọ tức là thần kinh mệt rồi đó - thì chắc chắn là ban ngày tôi chẳng làm được việc gì hết, về lượng cũng như về phẩm."
P 291 - How to stop worrying and start living

Tags: health

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc