Nói với phụ huynh du học sinh

Bài cách đây 3 năm (2010) của bs Hồ Hải.

Năm ngoái tôi có một bài viết cho các du học sinh Việt sau vụ cháu Hồ Quang Phương bị cảnh sát San Diego đánh. Mấy hôm nay trên báo người Việt ở Mỹ và các bloggers loan tin cháu Nguyễn Mạnh Cường 19 tuổi thắt cổ tự vẫn trong căn nhà thuê ở cùng với người dì của cháu. Làm cha mẹ, ai không đau xót khi nuôi con đến tuổi sung sức nhất lại bỏ mình ra đi vì một chút nông nổi, bốc đồng, thiếu sức chịu đựng vì người lớn đã sai lầm khi trao con mình những đòi hỏi quá sức chịu đựng của chúng. Như vậy, những người làm cha, làm mẹ cần phải hiểu biết gì trước khi quyết định cho con, em mình đi du học? Là một phụ huynh đã từng cho con đi du học khi còn tuổi 14, tôi xin có mấy lời đến với các phụ huynh sẽ và đang có ước mộng thả con mình vào một vùng đất mới, nền văn hóa mới với một ngôn ngữ mới và những kỳ vọng với con mình.

Con có nhiệm vụ đi du học theo kỳ vọng của cha mẹ, vậy cha mẹ chuẩn bị cho con những gì? Theo kinh nghiệm của tôi, cha mẹ cần chuẩn bị tinh thần cho trẻ từ rất sớm, để hun đúc tinh thần cho trẻ. Trẻ phải thấy việc đi du học là một việc yêu thích thực sự, chứ không phải là một trách nhiệm với gia đình và là sức ép theo kỳ vọng của gia đình, bạn bè và người thân. Những chuẩn bị phải bắt đầu từ khi còn cấp lớp học tiểu học gồm có:
Friendship football match @Odaiba gymnasium, M1 and M2, 2008.

Học lực: Học lực của trẻ du học không thể là đứa trẻ học hành làn nhàn và vì không thể nuôi dạy tốt ở quê nhà, nhưng vì muốn con có trách nhiệm với bản thân rồi cha mẹ lại quẳng cháu đi du học được. Các phụ huynh học sinh hãy cứ nghĩ một cách đơn giản rằng, ngay cả khi các cháu học với ngôn ngữ mẹ đẻ ở quê nhà còn không thể giỏi thì làm sao trẻ có thể học giỏi bằng ngôn ngữ của người khác? Cho nên, không thể kỳ vọng một trẻ học với mức trung bình ở quê nhà có thể giữ được mức trung bình ở xứ người. Một trẻ muốn học giỏi ở xứ người thì ở quê nhà trẻ phải là học sinh xuất sắc. Nếu không như thế trẻ sẽ bị áp lực từ nhiều phía đưa đến tự kỷ, co vào vỏ sò của mình, thậm chí tâm thần chỉ sau vài năm du học. Nặng hơn hậu quả sẽ là như cháu Nguyễn Mạnh Cường mà bài báo đã đưa.

Ngôn ngữ: Không thể học tốt khi ngôn ngữ chưa trôi chảy, đây là điều tiên quyết cần và đủ phải có cho trẻ du học. Trẻ không thể hoạt bát và quan hệ tốt với cộng đồng mới khi ngôn ngữ mới của trẻ chỉ là chờ học ESL (English as a Second Language) hay phải bỏ thêm một năm để học ngôn ngữ nước du học. Kinh nghiệm cho thấy ngay cả chương trình ESL ở nước Mỹ hay Úc, Anh cũng không dạy tốt hơn ở Việt Nam. Một trẻ học tốt Anh văn ở Việt Nam rồi sang du học thẳng chương trình của dân bản xứ tốt hơn nhiều lần phải mất một thời gian học ESL ở xứ người. Sự thiếu trang bị ngôn ngữ trước khi du học là sai lầm lớn nhất đẩy trẻ vào mọi bất trắc khi đi du học. Hậu quả đó là kết quả của kỳ thị chủng tộc, ngại giao tiếp, sợ cộng đồng và stress kéo dài, học lực kém trở thành áp lực tâm lý thất vọng với kỳ vọng của bản thân và gia đình, bạn bè... sẽ đẩy trẻ vào bi kịch không xa. Đặc biệt, người Mỹ có Martin Lutherking với ông Obama làm tổng thống, nhưng đừng nghĩ họ quên đối xử phân biệt chủng tộc với dân đầu đen, mũi tẹt và mắt xếch!

Văn hóa: Mỗi một dân tộc có một lịch sử và văn hóa sống riêng và đặc thù. Người thành đạt là người biết ứng xử một cách có sự phù hợp với văn hóa sống của xã hội chứ không phải là kẻ thông minh hay cần cù. Một câu nói đã trở thành chân lý cho cuộc sống ngày nay mà các cha mẹ cần phải nhớ nằm lòng khi muốn cho con mình thành công trong mọi việc là: "IQ (Intelligence Quotient) làm người ta chọn bạn, nhưng EQ (Emotional Quotient: chỉ số cảm xúc) sẽ làm người ta đề bạt bạn". Để EQ tốt, trẻ phải hiểu biết văn hóa sống của nước trẻ phải đến du học. Vì văn hóa là phong tục, tập quán, thói ăn, nết ở của một dân tộc được hình thành qua lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc đó. Là cái mà học suốt đời cũng không hết. Một trẻ không hiểu biết văn hóa sống, pháp luật của xã hội mà trẻ sẽ hội nhập, đó là nguyên nhân cho mọi thất bại khi cần hội nhập với một nền văn hóa mới. Cultural Shock là từ đã trở thành thường qui cho tất cả các du học sinh trên toàn thế giới. Thất bại và dẫn đến mọi bi kịch từ những cú sốc văn hóa giao tiếp hằng ngày sẽ đánh quỵ trẻ bất cứ lúc nào. Đừng nghĩ rằng trẻ đã đi du học 5 năm rồi, nó quá quen với môi trường du học rồi là không cần quan tâm nó nữa. Các bạn và con các bạn sẽ thất bại đấy. Trước khi thả trẻ đến một nền văn hóa khác ăn học, bạn cần cho trẻ tiếp xúc với nền văn hóa ấy qua một vài cuộc du lịch hoặc tham quan, và giáo dục về văn hóa học cơ bản.

Giáo dục kỹ năng sống: Giáo dục phổ thông hiện đại là nền giáo dục trao cho trẻ một kiến thức tổng quát không cần quá cao và có chính trị xen vào như Việt Nam đang làm. Nền giáo dục phổ thông hiện đại là nền giáo dục phi chính trị, cung cấp cho trẻ một tư duy độc lập với một kiến thức tổng quát vừa phải, trên nền giáo dục kỹ năng sống một cách nhuần nhuyễn. Nên ở các nước có nền giáo dục tiên tiến luôn đặt giáo dục kỹ năng sống cho trẻ lên hàng đầu. Những người thành đạt là người có nhiều kỹ năng sống phù hợp với thời đại. Cho nên trẻ du học cần trang bị kỹ năng sống thật đầy đủ. Muốn thế, ngay từ những ngày đầu trẻ học cấp lớp tiểu học cha mẹ phải cho trẻ tham gia vào nhiều những hoạt động cộng đồng, hoạt động liên quan đến thiên nhiên và cuộc sống xung quanh, nhằm cho trẻ hoạt bát, năng nổ và dễ thích ứng với môi trường, để trẻ dễ hòa nhập với một cộng đồng mới trong tương lai. Không thể hy vọng một trẻ được ấp ủ trong chăn êm, nệm ấm, nắng sợ đen, mưa sợ cảm lạnh có thể thành công mỹ mãn ở môi trường du học. Hãy biết trao nhiệm vụ và dạy cho trẻ biết chịu trách nhiệm với những hành động của trẻ ngay từ khi còn chập chững biết đi, bạn sẽ không bao giờ hối hận với những việc này. Một trẻ biết chịu trách nhiệm với hành động của mình, trẻ sẽ dư sức đương đầu với nghịch cảnh. Đừng sợ trẻ còn non nớt, cần nhìn trẻ là người lớn và trao trách nhiệm cho trẻ, để trẻ dạn dày khi còn ở trong vòng tay của bạn.

Tập cho trẻ biết sống tự lập: Ngay từ lúc nhỏ nằm nôi, bạn cần cho trẻ ngủ riêng. Không nên cho trẻ ngủ chung. Biết giao trách nhiệm cho trẻ những việc làm nhỏ hằng ngày, để trẻ tự giải quyết và chỉ giúp trẻ khi thật cần thiết. Hãy để hay gợi ý trẻ tự đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề mà trẻ tiếp xúc hằng ngày. Tập cho trẻ có thể ở nhà một mình và theo dõi trẻ một cách kín đáo những xử lý tình huống xảy ra quanh trẻ khi trẻ một mình và tham gia giúp đỡ khi cần. Tất cả những việc nhỏ này sẽ giúp trẻ đương đầu với nỗi cô đơn trong du học. Cái cô đơn ở xứ người lạnh lẻo, hiu quạnh mà chỉ có những người lớn đã từng trải qua mới thấu hiểu nó có tác động khủng khiếp thế nào với trái tim non nớt của trẻ mới chập chững vào đời. Alone Shock là cú sốc có thể đánh quỵ cả những cái đầu chai sạn của người lớn. Và con người ta sinh ra đời, phần lớn là để giải quyết sự hợp tan và nỗi cô đơn trong lòng. Đừng cho rằng trẻ đi du học là sung sướng mà là sự phấn đấu cam go dưới sự học hành nặng nhọc với nỗi cô đơn ngày đông giá rét, những cơn bệnh ập tới mà thiếu vòng tay che chở của người lớn và sự thấu hiểu an ủi cho nỗi cô đơn ở xứ người.

Du học là học một nền văn hóa mới, học một cách tiếp cận mới với một xã hội mới chứ du học không chỉ là học những khoa học kỹ thuật mới. Du học là để nâng kỹ năng sống qua hiểu biết các nền văn hóa khác nhau để trở thành công dân thế giới, có thể sống và làm việc trong mọi môi trường, ngoài việc phải học khoa học kỹ thuật tiên tiến. Bạn không thể cho con bạn đi du học ở anh nhà giàu hàng xóm có nền văn hóa giông giống với văn hóa dân tộc mình. Nên du học là một việc lớn và nặng nhọc. Du học không phải là đi du lịch và kỳ vọng. Nên đã muốn cho con đi du học thì phải cho con đi du học có nền văn hóa khác biệt với nền văn hóa dân tộc mình và chuẩn bị cho con thật đầy đủ năm lĩnh vực tôi đã nói ở trên. "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường sẽ bớt đi đổ máu". Bạn cần chuẩn bị con mình như một người lính trên thao trường khi trẻ còn nằm trong tay bạn, trước khi bạn thả con mình vào chiến trường khốc liệt của con đường du học. Hãy ghi nhớ rằng tiền sẽ không làm cho trẻ thành công trên con đường du học. Lúc ấy bạn sẽ không thất vọng và sẽ tự tin cùng đồng hành với bước đường con mình sẽ đi tới.
Tôi update bài hát Bonjour Vietnam để nghe và nghĩ về hoàn cảnh dân tộc và đất nước Việt

Hãy chuẩn bị cho con các bạn thật kỹ càng để biến ước mơ của bạn và của trẻ một cách vững vàng. Chúc các bạn thành công với những ước mơ cùng con cái, tương lai của gia đình và xã hội.


Lợi thế của người tự kỷ
Bố mẹ đã thực sự lắng nghe con mình?
Hai chứng trẻ thường mắc do cha mẹ và thầy thuốc thiếu hiểu biết
Người xưa cảnh tỉnh

15 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc