Khi chính phủ định giá...

Các chính sách định giá của chính phủ luôn có hại, thậm chí là rất có hại, nhưng chúng có ít nhất một lợi ích chính trị xét từ phương diện của những người quản lý kinh tế. Chúng khiến cho người dân nghĩ việc hàng hóa tăng giá là do sự tham lam và bóc lột của các doanh nhân chứ không phải do các chính sách tiền tệ gây lạm phát của chính những người quản lý kinh tế và hoạch định chính sách.

Khi chính phủ đưa ra mức giá trần cho một số mặt hàng, họ thường chọn các nhu yếu phẩm nhằm đảm bảo rằng người nghèo cũng có thể mua được những mặt hàng đó ở một mức giá "hợp lý". Giả sử các mặt hàng được chọn là bánh mỳ, sữa và thịt.

Việc giữ giá của một hàng hóa thấp hơn mức giá của thị trường sớm hay muộn sẽ dẫn đến hai điều sau. Điều thứ nhất là cầu đối với loại hàng hóa đó sẽ tăng. Bởi mặt hàng đó trở nên rẻ hơn, người dân sẽ muốn và có thể mua được nhiều hơn. Điều thứ hai là cung của loại hàng hóa đó sẽ giảm. Bởi dân chúng mua nhiều hơn, lượng sản phẩm đã được tích trữ sẽ sớm bị bán hết. Bên cạnh đó, việc sản xuất sẽ bị ảnh hưởng bởi mức lợi nhuận biên giảm đi hoặc không còn nữa. Các nhà sản xuất có hiệu suất thấp sẽ ngừng sản xuất. Ngay cả các nhà sản xuất có hiệu suất cao cũng có thể phải chịu lỗ khi bán sản phẩm của mình.

Vì vậy, nếu chúng ta không tác động gì thêm khác, việc cố định mức giá trần cho một loại hàng hóa nhất định sẽ tạo ra sự khan hiếm loại hàng hóa đó. Nhưng đây là điều ngược lại với những gì các nhà quản lý kinh tế của các nước muốn đạt được từ đầu, bởi chính những mặt hàng họ lựa chọn để cố định giá trần là những mặt hàng mà họ muốn có nhiều trên thị trường. Nhưng khi họ làm giảm lương và thu nhập của các nhà sản xuất những nhu yếu phẩm này mà không làm giảm lương và lợi nhuận của các nhà sản xuất các mặt hàng không quan trọng bằng (ví dụ như xa xỉ phẩm), họ trên thực tế đã ngăn trở sự sản xuất các nhu yếu phẩm bị kiểm soát giá và khuyến khích sự sản xuất của các mặt hàng không quan trọng bằng này.

Người dân, với vai trò là người nộp thuế, sẽ trợ cấp cho chính bản thân mình trong tư cách là người tiêu dùng. Không dễ gì có thể xác định một cách chính xác ai trợ cấp cho ai. Điều chúng ta quên mất là các khoản trợ cấp cũng phải do một ai đó trả và xã hội chi có thể nhận được thứ này khi mất một thứ khác.

Việc kiểm soát giá cả của toàn bộ nền kinh tế bằng cách lấy một mức giá nào đó trong lịch sử làm mức giá cố định cuối cùng sẽ dẫn đến sự hình thành một nền kinh tế hoàn toàn tập trung, một nền kinh tế mang tính độc tài và ì trệ; mọi doanh nghiệp và người lao động đều phải hoàn toàn phụ thuộc vào chính phủ. "Quyền lực kiểm soát nhu cầu thiết yếu đối với một người sẽ trở thành quyền lực kiểm soát ý chí của người đó" (Alexander Hamilton trong Federalist Papers). Đây là kết quả của những gì thường được miêu tả là các chính sách kiểm soát giá cả "hoàn hảo", "lâu dài" và "phi chính trị".

Những sai lầm chết người của các nhà quản lý kinh tế thường được giảm nhẹ nhờ các hoạt động của chợ đen. Tại một số nước, hoạt động chợ đen phát triển và lấn át các mức giá chính thức do chính phủ quy định cho đến khi hoạt động chợ đen trở thành thị trường thực tế của quốc gia đó.

Gốc rễ của các cố gắng nhằm áp dụng mức giá trần là gì? Trước hết, đó là sự hiểu lầm các yếu tố dẫn đến việc tăng giá. Nguyên nhân thực là sự khan hiếm hàng hóa hoặc sự dư thừa tiền tệ. Việc quy định các mức giá trần không thể giải quyết được cả hai vấn đề này. Trên thực tế, như chúng ta đã xem xét, nó chỉ khiến tình trạng khan hiếm hàng hóa thêm trầm trọng. Các kế hoạch nhằm tăng giá một số mặt hàng được ưu tiên là kết quả của việc chỉ nghĩ đến lợi ích của các nhà sản xuất có liên quan trực tiếp và quên mất lợi ích của người tiêu dùng. Tương tự như vậy, các kế hoạch của chính phủ nhằm áp dụng mức giá thấp là kết quả của việc chỉ nghĩ đến lợi ích của người tiêu dùng và quên mất lợi ích của nhà sản xuất. Sự ủng hộ của chính phủ đối với những chính sách này cũng xuất phát từ sự nhầm lẫn trong đầu óc của người dân. Họ không muốn trả thêm tiền để mua sữa, bơ, giày, đồ gỗ, tiền thuê nhà, vé xem phim hay kim cương. Bất kỳ khi nào giá của bất kỳ mặt hàng nào tăng lên so với trước đây, họ đều phẫn nộ và cảm thấy mình bị lừa đảo. Ngoại lệ duy nhất ở đây là những mặt hàng do chính người đó sản xuất ra. Người đó có thể thấy được sự bất công trong việc giữ giá của loại hàng hóa đó ở mức thấp.

Mỗi chúng ta là một cá thể kinh doanh đa nhân cách. Mỗi người chúng ta vừa là nhà sản xuất, vừa là người nộp thuế, vừa là người tiêu dùng. Những chính sách mỗi người trong chúng ta ủng hộ sẽ tùy thuộc vào việc tại thời điểm đó, chúng ta nhìn nhận mình theo vai trò nào. Là nhà sản xuất, người đó muốn lạm phát; là người tiêu dùng, người đó muốn các mức giá trần (lượng tiền mình phải trả để mua các sản phẩm của người khác). Là người tiêu dùng, người đó có thể ủng hộ hay ưng thuận các khoản trợ cấp; là người nộp thuế, người đó sẽ không muốn phải chi trả cho các khoản này... Nhưng phần lớn chúng ta chỉ tự đánh lừa bản thân. Trên thực tế, thiệt hại sẽ không chỉ tương đương mà còn lớn hơn nhiều so với những lợi ích thu được từ sự kiểm soát giá của chính phủ, vì chúng ngăn cản và làm rối loạn sự sản xuất và sử dụng lao động.
P. 158 - Hiểu kinh tế qua một bài học

Tác hại của máy móc
Hãy cứu ngành sản xuất X
Robinson Crusoe trên đảo hoang
"Bình ổn" hàng hóa?
Khi chính phủ định giá...
Ảo ảnh lạm phát
Bảo hiểm xã hội
Tags: economics

5 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc