Ảo ảnh lạm phát

Sai lầm dễ thấy nhất, đồng thời là sai lầm cổ điển và bướng bỉnh nhất, đã tạo nên sự hấp dẫn của lạm phát là sự nhầm lẫn giữa "tiền" và sự giàu có. Adam Smith đã viết cách đây hơn hai thế kỷ: "Quan niệm phổ biến cho rằng sự giàu có đồng nghĩa với tiền, hoặc vàng và bạc, xuất phát từ chức năng kép của tiền tệ. Nó vừa là một công cụ mua bán, vừa là thước đo giá trị... Trở nên giàu có nghĩa là có tiền; tóm lại, nói một cách đơn giản, trong ngôn ngữ đại chúng, sự giàu có đồng nghĩa với tiền bạc trên mọi phương diện".

Tất nhiên, sự giàu có thật là những gì được sản xuất ra và tiêu thụ: thực phẩm chúng ta ăn, quần áo chúng ta mặc, nhà cửa chúng ta sống. Nó là đường sắt, đường bộ và xe hơi; tàu thủy, máy bay và nhà máy; trường học, nhà thờ và rạp hát; đàn piano, tranh và sách vở. Song, sự không phân biệt rõ ràng về ngôn ngữ giữa sự giàu có và tiền bạc phổ biến đến mức ngay cả những người đôi khi nhận ra sự nhầm lẫn này vẫn tiếp tục mắc phải nó trong tư duy của họ. Mỗi người đều thấy rằng nếu có nhiều tiền hơn, mình sẽ có thể mua được nhiều thứ hơn từ những người khác. Nếu có nhiều tiền gấp đôi, người đó có thể mua gấp đôi số hàng hóa mình muốn. Nếu có nhiều tiền gấp ba lần, người đó sẽ "đáng giá" gấp ba lần. Vì vậy, nhiều người đương nhiên cho rằng nếu chính phủ phát hành thêm tiền tệ và phân phát cho mọi người, tất cả chúng ta sẽ trở nên giàu có hơn.

Điều này không có nghĩa là tài sản hay thu nhập của tất cả mọi người, tính một cách tương đối hay tuyệt đối, sẽ giống hệt trước đây. Ngược lại, quá trình lạm phát chắc chắn sẽ tác động không đồng đều đến địa vị và hoàn cảnh kinh tế của các nhóm khác nhau. Nhóm đầu tiên được nhận lượng tiền tăng lên sẽ được lợi nhiều nhất. Thu nhập bằng tiền của nhóm A sẽ tăng lên trước khi các mức giá tăng lên, vì thế, lượng hàng hóa họ mua được cũng tăng tương đương với thu nhập của họ. Thu nhập bằng tiền của nhóm B sẽ tăng sau, khi các mức giá đã bắt đầu tăng, nhưng nhóm B vẫn được hưởng lợi thông qua lượng hàng hóa họ mua được. Trong khi đó, các nhóm vẫn chưa có thu nhập bằng tiền lớn hơn đã phải bắt đầu trả giá cao hơn cho các hàng hóa họ muốn mua. Điều này có nghĩa là mức sống của họ sẽ bị giảm so với trước đây.

Nếu chính phủ không thực sự tìm cách thanh toán các khoản nợ tồn đọng một cách chân thực và phải dùng đến cách gây lạm phát, kết quả, một quốc gia, với tư cách là một tổng thể, không thể có được điều gì miễn phí. Lạm phát thực chất cũng là một dạng thuế, một dạng thuế đáng sợ nhất và thường tác động nặng nề nhất đến những người ít có khả năng chi trả nhất. Giả sử rằng lạm phát ảnh hưởng đồng đều đến mọi người và mọi thứ (điều không bao giờ xảy ra trên thực tế), nó sẽ giống một mức thuế doanh thu đồng đều cho tất cả mọi loại hàng hóa. Thuế suất áp dụng với bánh mỳ và sữa cũng cao như thuế suất áp dụng với kim cương và áo lông thú. Hay ta cũng có thể so sánh nó với một mức thuế thu nhập đồng đều trên tất cả mọi người, không ai được miễn trừ. Nó được áp dụng không chỉ với các khoản chi tiêu mà cả với tiền tiết kiệm và bảo hiểm của mỗi cá nhân. Trên thực tế, nó là một loại thuế đồng đều được áp dụng trên vốn sản xuất, không ai được miễn trừ; người nghèo cũng phải chịu thuế suất cao như người giàu.

Trên thực tế, mọi việc còn tồi tệ hơn, bởi lạm phát không và không thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người một cách đồng đều. Một số người sẽ bị thiệt hại nhiều hơn người khác. Quy ra tỷ lệ phần trăm, người nghèo thường bị tác động nặng nề hơn so với người giàu bởi họ không có các phương tiện để bảo vệ bản thân mình bằng cách mua để đầu cơ những giá trị thực có khả năng quy đổi sau này. Lạm phát là một loại thuế vượt ngoài sự kiểm soát của những người quản lý thuế. Nó tấn công một cách điên loạn theo mọi hướng. Thuế suất của lạm phát không cố định và không thể được định trước. Ngày hôm nay chúng ta biết nó là bao nhiêu, song ngày mai ta không thể biết nó sẽ tăng hay giảm thế nào; và vào ngày mai, ta không biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày kia.

Như các loại thuế khác, lạm phát quyết định các chính sách cá nhân và kinh tế mà chúng ta buộc phải tuân theo. Nó khiến cho mọi sự khôn ngoan trở nên vô ích. Nó khuyến khích sự tiêu xài hoang tàn và phí phạm. Nó thường khiến cho việc đầu cơ đem lại nhiều lợi nhuận hơn là việc sản xuất. Nó phá tan hệ thống các tương quan kinh tế bền vững...
P. 224 - Hiểu kinh tế qua một bài học

Tác hại của máy móc
Hãy cứu ngành sản xuất X
Robinson Crusoe trên đảo hoang
"Bình ổn" hàng hóa?
Khi chính phủ định giá...
Ảo ảnh lạm phát
Bảo hiểm xã hội
Tags: economics

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc