Quyền lực đích thực - Chương I

Xét theo tiêu chuẩn thông thường thì Federick là một người quyền thế. Là giám đốc của một hãng lớn, kinh doanh thành công, ông rất hãnh diện về thành công của mình. Tuy nhiên ông không có thì giờ cho ông, cho vợ ông – Claudia – và cho hai con trai còn nhỏ. Federick rất say mê công việc, luôn muốn làm thật nhiều, làm thật hay, luôn nhắm vào tương lai. Vì mải mê lo lắng cho công ty nên khi đứa con nhỏ đem bức hình mình vừa mới vẽ đến khoe bố thì ông chẳng để ý. Ông không còn khả năng thấy rõ con trai mình là hiện thân mầu nhiệm của sự sống. Về nhà sau một ngày làm việc, ông hỏi thăm Claudia qua loa. Ông không thực sự có mặt. Từ khi ông thành đạt, Claudia và các con dần dần cảm thấy ông xa cách.
Ban đầu thì Claudia yểm trợ Federick hết lòng. Claudia hãnh diện được là vợ của Federick. Bà rất vui khi tổ chức những buổi chiêu đãi bạn bè chồng. Cũng như Federick, Claudia tin rằng nếu nghề nghiệp thăng tiến, lương tiền dồi dào, nhà cao cửa rộng thì hạnh phúc sẽ được bảo đảm. Bà lắng nghe, tìm hiểu những khó khăn mà Federick gặp phải trong khi làm việc. Có khi hai vợ chồng thức tới khuya bàn thảo công việc. Họ chung sức chung lòng, nhưng mục tiêu của hai người không hướng về chính bản thân, về cuộc sống, hạnh phúc của chính họ hay của con cái; Federick và Claudia chỉ bàn thảo về những khó khăn, trở ngại trong hãng, về những lo sợ, phân vân của ông.
Claudia cố gắng hết lòng giúp chồng, nhưng rồi bà mệt mỏi, đuối sức vì Federick có quá nhiều bức xúc, bị công việc chi phối. Ông không có thì giờ cho chính mình, nói gì tới thời gian cho vợ con. Thật ra Federick cũng muốn gần gũi vợ con, nhưng ông tin rằng ông không có thì giờ! Mà đúng vậy, ông không có thì giờ để thở, để ngắm ánh trăng rằm hay để thưởng thức những bước chân của chính mình. Mặc dù trên danh nghĩa Federick là ông chủ, nhưng chính sự đam mê công việc của ông mới là “ông chủ”, nó chiếm cả một trăm phần trăm thì giờ và tâm trí của ông.
Claudia cô đơn. Federick không thực sự “thấy” sự có mặt của bà. Bà chăm sóc nhà cửa, con cái, đi giúp các hội từ thiện hoặc thăm viếng bạn bè cho khuây khỏa. Rồi bà ghi tên học đại học và bắt đầu hành nghề tâm lý trị liệu. Cuộc sống từ đó có đôi phần ý nghĩa, nhưng Claudia vẫn cảm thấy lẻ loi, thiếu nâng đỡ. Hai đứa con nhớ bố và thắc mắc tại sao bố chúng cứ đi vắng hoài.
Khi đứa con đầu của họ - Philip, phải vào bệnh viện giải phẫu tim, Claudia một mình săn sóc Philip suốt bảy giờ đồng hồ vì Federick không thể rời công ty. Ngay cả khi chính Claudia phải vào bệnh viện giải phẫu u lành tính, Federick cũng không vào thăm được.
Vậy mà Federick vẫn nghĩ rằng làm việc cật lực như vậy là đúng, là tốt. Ông nghĩ rằng ông đang làm việc vì vợ con và vì nhân viên dưới quyền, những người đang trông cậy nơi ông. Ông thấy mình có trách nhiệm phải làm tròn bổn phận. Công việc làm ông tự mãn, ông nghĩ rằng mình đã đạt được một thành tích nào đó. Federick hãnh diện vì đã thành công, vì là người đưa ra được những quyết định quan trọng, vì làm ra nhiều tiền.
Claudia đã khóc nhiều lần và khuyên chồng nên buông bỏ bớt công việc đi để dành thì giờ cho gia đình và tận hưởng cuộc sống. Bà chia sẻ với chồng rằng bà cảm thấy ông bị công việc giam hãm. Mà thật vậy, gia đình họ sống trong một khu biệt thự sang trọng có khu vườn xinh xắn và bãi cỏ xanh mướt. Federick thích làm vườn nhưng ông không có thì giờ ở nhà để ra vườn. Khi vợ năn nỉ thì Federick nói rằng ông rất thích thú với công việc trong công ty, và nếu không có ông thì công việc không chạy. Nhiều lần Federick an ủi Claudia rằng chỉ vài năm nữa, khi về hưu, ông sẽ có vô khối thì giờ dành cho bà và các con.
Nhưng chưa kịp về hưu, Federick đã chết vì tai nạn xe hơi khi mới năm mươi mốt tuổi, bỏ lại người vợ xinh đẹp, dịu hiền, bỏ lại hai đứa con ngoan ngoãn, thông minh và một tài sản kếch xù. Trước đây ông từng nghĩ không ai có thể thay ông giải quyết công việc được, thế mà chỉ ba ngày sau khi ông từ trần, công ty đã tìm ra người thay thế.
Tôi gặp Claudia trong một khóa tu chánh niệm và được bà kể cho nghe câu chuyện của chồng bà. Mặc dù Federick và Claudia không thiếu gì danh vọng, thành công và tiền bạc, nhưng họ đâu có hạnh phúc. Vậy mà nhiều người trong chúng ta cứ tin rằng nếu không có quyền lực về tài chính hay chính trị thì không thể nào có hạnh phúc.
Chúng ta đã hy sinh hiện tại cho tương lai. Chúng ta không có khả năng sống sâu sắc từng giây, từng phút trong đời sống hằng ngày.
Chúng ta thường nghĩ rằng khi có quyền lực thì có thể sai bảo người khác, nếu nghề nghiệp thành công thì sẽ có nhiều tiền và muốn làm gì cũng được. Nhưng nhìn sâu ta sẽ thấy Federick không có tự do, không có khả năng sống vui, không có thì giờ cho những người thương. Công việc đã cuốn hút Federick. Federick không có thì giờ để thở sâu, để nở nụ cười, để ngắm trời xanh và tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống.
...
Năm quyền lực tâm linh (Ngũ Lực)
Điều mà phần đông chúng ta gọi là quyền lực thì đạo Bụt gọi là tham dục. Có năm thứ tham dục. Đó là tham tiền (tài), tham danh (danh), tham sắc (sắc), tham ăn (thực) và tham ngủ (thùy). Trái lại, đạo Bụt nói tới năm thứ quyền lực chân thực, năm thứ đó là: tín, tấn, niệm, định và tuệ. Năm nguồn năng lượng này là nền tảng của hạnh phúc chân thực...
Sức mạnh của tinh tấn (Tấn)
... Thứ nhất là khi một cảm xúc tiêu cực chưa phát khởi thì đừng tạo cơ hội cho cảm xúc ấy phát khởi. Theo tâm lý học Phật giáo thì tâm thức của chúng ta gồm có hai tầng: tầng dưới gọi là Tàng thức, tầng trên gọi là Ý thức. Ý thức là phần sinh hoạt bình thường khi ta còn thức. Tàng thức là phần tiềm thức.
Tàng thức của chúng ta được ví như mảnh đất trong đó chứa tất cả các loại hạt giống: hạt giống của tình thương, của niềm vui, hạnh phúc, tha thứ bao dung, của niệm, định, tuệ,… nhưng cũng có những hạt giống của giận hờn, hận thù, tuyệt vọng... Tàng thức chứa những hạt giống ấy và đồng thời cũng cất giữ chúng không để cho mất đi.
Khi những hạt giống ấy được tưới tẩm, chúng sẽ biểu hiện thành một loại năng lượng trên tầng ý thức và trở thành những tâm hành. Trong ta có hạt giống giận, nhưng khi hạt giống giận còn nằm dưới tàng thức thì ta không cảm thấy giận. Tuy nhiên khi bị chọc giận, tức là hạt giống giận bị tưới tẩm, chúng sẽ hiển lộ, và biến thành tâm hành giận. Năng lượng của cơn giận sẽ trào dâng và ta cảm thấy giận. Chúng ta có thể hình dung ý thức là phòng khách và tàng thức là nhà kho. Nếu những hạt giống vui tươi được tưới tẩm, chúng sẽ hiện lên trên tầng ý thức, làm đẹp cho phòng khách. Nếu ta tưới tẩm những hạt giống giận dữ, thù hận, thì phòng khách của chúng ta sẽ biến thành địa ngục cho chính ta và những người ta thương.
Tất cả chúng ta đều có hạt giống của giận hờn, tuyệt vọng, ganh tỵ. Một môi trường thiếu lành mạnh có thể khơi dậy những hạt giống ấy. Trái lại, trong một môi trường tốt, chúng sẽ không bị tưới tẩm một cách dễ dàng. Vậy thì chúng ta phải khôn ngoan chọn lấy một môi trường sống lành mạnh. Không nên tự mình tưới tẩm hay để cho những người chung quanh tưới tẩm những hạt giống tiêu cực trong ta.
Một bài báo, một cuốn phim hay, một chương trình truyền hình đầy bạo động sẽ đánh thức những hạt giống bạo động trong ta. Cho nên bước đầu tiên của tinh tấn là không nên tự mình hay để cho môi trường xung quanh khơi dậy những hạt giống tiêu cực ấy. Tinh tấn ở đây có nghĩa là thực tập tưới tẩm có chọn lọc. Vậy thì trong cuộc sống hằng ngày, nếu những hạt giống tiêu cực trong tàng thức còn chưa phát hiện thì phải cẩn thận đừng để cho các hạt giống ấy có cơ hội biểu hiện. Không cần phải đè ép, chỉ cần tránh tạo cơ hội. Trong gia đình hay trong cộng đồng, ta chỉ nên tiếp xúc với những âm thanh hay hình ảnh giúp khơi dậy những gì tốt lành. Tránh gần gũi những âm thanh hoặc hình ảnh kích thích những hạt giống của tham dục và giận hờn. Ta phải tinh tấn thực tập như thế và cần xây dựng một nhóm bạn bè cùng có mong muốn tu tập để tạo nên một môi trường tốt, hay nhờ những người trong gia đình giúp ta tự bảo vệ. Và ta cũng có thể bảo vệ những người thân bằng cách tạo nên một môi trường trong đó không có những yếu tố có thể tưới tẩm những hạt giống tiêu cực.
Khía cạnh thứ hai của tinh tấn là làm lắng dịu các hạt giống tiêu cực hoặc thay thế chúng khi chúng đã biểu hiện. Khi một hạt giống tiêu cực – hạt giống của tuyệt vọng, sân hận hay bạo động – bị khơi dậy, ta cần biết cách ngăn chặn và đưa chúng trở xuống tàng thức. Đừng để chúng biểu hiện quá lâu trên vùng ý thức, bởi vì để càng lâu chúng càng mạnh và sẽ gây đổ vỡ. Có nhiều cách lắng dịu hạt giống tiêu cực mà không cần phải đè nén hay tranh đấu. Hãy nhận diện chúng và mỉm cười với chúng. Bạn đừng để cho buồn tủi, sầu hận chế ngự, hãy thay thế chúng bằng cách đi dạo ngắm thiên nhiên, hay đi thiền hành hoặc tìm đọc một đoạn văn sâu sắc, nghe một bản nhạc êm dịu. Cũng giống khi mở nhầm một đĩa nhạc không hay thì ta đừng có cố nghe mà nên thay thế bằng một CD khác hay hơn...
Khía cạnh thứ ba của tinh tấn là luôn luôn mời các hạt giống tích cực lên vùng ý thức. Trong ta luôn có những hạt giống của giác ngộ, hiểu biết và thương yêu. Đó là một phần của bản tính bẩm sinh. Sống trong một môi trường lành mạnh, được bao bọc bởi thương yêu, ta sẽ có rất nhiều cơ hội giúp cho các hạt giống tích cực ấy biểu hiện. Vấn đề là làm sao giúp cho các hạt giống ấy biểu hiện khi chúng đang còn ở dưới tàng thức? Hãy đọc một đoạn sách, nghe một bản nhạc, hay nói một lời từ ái để tưới tẩm các hạt giống của từ bi, thương yêu. Hãy tổ chức đời sống sao cho những hạt giống tốt được chạm đến nhiều lần trong ngày, để cho chúng có cơ hội biểu hiện lên vùng ý thức. Điều này có thể được thực hiện rất nhanh. Luôn mời khách quý vào phòng khách và tình thế sẽ được thay đổi.
Sức mạnh của chánh niệm (Niệm)
Thứ ba là sức mạnh của chánh niệm. Chánh niệm là năng lượng giúp ta thấy rõ những gì đang xảy ra trong hiện tại. Khi có chánh niệm thì ta thực sự có mặt, thực sự sống trọn vẹn và sâu sắc từng giây từng phút. Có thể chế tác chánh niệm bất cứ lúc nào, khi nấu ăn, rửa bát, dọn dẹp, khi đứng, khi ngồi, khi ăn cơm... Năng lượng của chánh niệm giúp ta biết nên làm gì và không nên làm gì. Năng lượng của chánh niệm cũng giúp ta tránh được khó khăn, lỗi lầm, bảo vệ và soi sáng ta trong tất cả hoạt động hằng ngày.
Chánh niệm là khả năng nhận diện bản chất của sự vật. Khi có chánh niệm thì ta biết rõ những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây. Trước một việc tốt, một hình ảnh đẹp, ta cảm thấy hạnh phúc. Chỉ cần chánh niệm sâu sắc sự việc ấy, hình ảnh ấy cũng đủ giúp nuôi dưỡng, chữa trị thân tâm. Chánh niệm cũng giúp ta ôm ấp, thoa dịu những chuyện không hay hoặc những hình ảnh không đẹp, cũng như giúp ôm ấp đau khổ, sân hận hay tuyệt vọng. Nếu biết cách ôm ấp đau khổ đủ lâu thì nỗi khổ sẽ thuyên giảm...
Sức mạnh của sự tập trung (Định)
Chánh niệm đưa đến sức mạnh thứ tư, sức mạnh của sự chú tâm (Định). Khi uống trà thì hãy chỉ uống trà. Hãy thưởng thức trà. Xin đừng uống niềm đau nỗi khổ, đừng uống tuyệt vọng, lo âu, đừng uống dự án kế hoạch. Điều này rất quan trọng. Nếu không thì sẽ không nuôi dưỡng được thân tâm.
Có những sự việc ta chỉ thấy thoáng qua mà không rõ ràng. Ta phải sử dụng năng lượng của định để khám phá, để nhìn sâu vào bản chất của chúng. Khi gặp khó khăn, sợ hãi, buồn khổ hay tuyệt vọng, ta cần phải có năng lượng định thật dồi dào thì mới có thể nhìn sâu vào niềm đau nỗi khổ ấy và có đủ sức mạnh chuyển hóa chúng. Sức mạnh của định giúp ta thấy được nguồn gốc của khổ đau, từ đó đưa ta vượt thoát khổ đau. Đó chính là tuệ giác. Tuệ giác có khả năng giải phóng ta ra khỏi đau khổ.
Có nhiều loại định. Định thứ nhất là định Vô Thường. Quán chiếu Vô Thường chúng ta sẽ thấy rằng mọi sự mọi vật thay đổi không ngừng. Chúng ta có thể chết ngày mai hay bất cứ lúc nào. Vậy thì ta phải làm tất cả những gì có thể làm được để đem lại hạnh phúc cho những người ta thương ngay hôm nay. Đợi đến ngày mai thì e quá trễ. Định thứ hai là định Vô Ngã. Ta không có một tự tính độc lập gọi là Ngã. Quán chiếu Vô Ngã ta sẽ thấy rằng không bao giờ có chuyện chỉ mình ta đau khổ, mà luôn có thêm những người khác đau khổ theo ta. Khi ta khổ thì con ta, chồng (vợ) ta, bạn bè, đồng nghiệp của ta cũng cùng đau khổ với ta. Định thứ ba là định Tương Tức. Quán chiếu Tương Tức, ta thấy rõ mối liên hệ nhân duyên giữa tất cả mọi sự mọi vật. Ta cũng thấy rõ rằng nếu ta gây đau khổ cho ai thì người ấy sẽ gây đau khổ lại cho ta...
Sức mạnh của tuệ giác (Tuệ)
... Vô thường không phải là một ý tưởng hay một quan niệm mà là một tuệ giác. Rất nhiều người trong chúng ta cố bám lấy ý niệm về thường còn, vững chắc. Khi nghe đến giáo lý vô thường họ đâm ra lo sợ. Nhưng vô thường không phải là tiêu cực mà có khi rất tích cực. Bất cứ điều gì cũng đều vô thường, kể cả bất công, nghèo khổ, ô nhiễm, và hiện tượng “trái đất nóng lên” (global warming). Trong cuộc sống ta có thể gặp phải hiểu lầm, bạo lực, xung đột, tuyệt vọng, nhưng vì vô thường nên chúng có thể được chuyển hóa nếu ta có tuệ giác trong nếp sống hiện tại.
Tuy nhiên lắm lúc ta quên hẳn vô thường. Trên lý thuyết ta biết rằng tất cả đều là vô thường, nhưng ta quên đi rằng một ngày nào đó người ta thương sẽ bệnh, sẽ chết. Ta quên đi rằng chính ta rồi cũng sẽ chết. Ta có xu hướng suy nghĩ như là ta sẽ sống mãi. Và vì vậy ta không có tuệ giác vô thường để sống đẹp từng giây phút, để trân quý người thương. Rất nhiều người trong chúng ta đã đau khổ cùng cực khi một người thương ra đi, không phải vì ta thương nhớ mà vì nuối tiếc rằng khi người thương còn sống ta đã không có thì giờ gần gũi và hết lòng săn sóc. Có thể ta đã đối xử với người ấy một cách bất công. Bây giờ người ấy không còn nữa và ta mang mặc cảm tội lỗi. Nếu có tuệ giác vô thường thì phải biết rằng một ngày nào đó người ta thương sẽ chết và hôm nay ta phải làm tất cả những gì có thể để đem lại hạnh phúc cho người ấy. Đừng đợi đến ngày mai. Ngày mai có thể quá muộn. Nếu biết sống theo tuệ giác vô thường ta sẽ không phạm quá nhiều lầm lỗi. Ta có thể hạnh phúc ngay bây giờ. Ta có thể thương yêu, săn sóc người ta thương ngay ngày hôm nay. Ta không bươn chải về tương lai để rồi đánh mất sự sống. Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại.
... Trong đạo Bụt có một tuệ giác gọi là tuệ giác Vô Phân Biệt (Xả). Xả là một trong bốn yếu tố của tình thương chân thực (Tứ Vô Lượng Tâm). Tôi thuận tay phải nên tôi làm hầu hết mọi việc bằng tay phải: đánh răng, thỉnh chuông, viết thư pháp. Tất cả những bài thơ của tôi đều được viết bằng bàn tay phải. Nhưng bàn tay phải của tôi không bao giờ tự hào và nói: “Này bàn tay trái, anh chẳng được tích sự gì. Một mình tôi làm tất cả mọi việc.” Và bàn tay trái của tôi không bao giờ có mặc cảm tự ti, không bao giờ đau khổ. Thật kỳ diệu. Hai bàn tay tôi luôn luôn sống hài hòa với nhau, hợp tác một cách toàn hảo. Đây chính là tuệ giác vô ngã sống động trong mỗi chúng ta.
Một hôm tôi đang đóng đinh để treo một bức tranh lên vách. Tay phải của tôi vụng về thế nào mà thay vì đóng vào đinh lại đi giáng cho ngón tay trái một nhát đau điếng. Ngay lúc ấy bàn tay phải của tôi lập tức buông ngay búa xuống và ôm chặt lấy bàn tay trái để chăm sóc. Bàn tay trái của tôi không hề giận dữ, trách móc, cũng không nói: “Này bàn tay phải, anh làm cho tôi đau. Tôi muốn công bằng. Đưa cái búa đây cho tôi!” Và bàn tay phải cũng không nói: “Này bàn tay trái, ta đang săn sóc cho ngươi, ngươi hãy nhớ lấy nhé!” Bàn tay trái và bàn tay phải của tôi không bao giờ suy nghĩ kiểu như vậy. Đó chính là tuệ giác vô phân biệt (Xả) một nguồn tuệ giác có sẵn trong ta, biết sử dụng tuệ giác ấy sẽ đem lại an hòa trong gia đình cũng như trong cộng đồng.
Tags: transform

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc