Cơ hội tự do

Ba nghiệp: thân, khẩu, ý


Nghiệp có ba loại: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Nói rằng sau khi hình hài này tan rã thì không còn gì nữa cả, điều này không khoa học lắm. Nhà khoa học thế kỷ mười tám Antoine Laurent Lavoisier nói rằng: “Không có gì sinh ra và cũng không có gì mất đi.” (Rien ne se créé, rien ne se perd). Cái gì sẽ xảy ra sau khi hình hài này tan rã? Câu trả lời là chúng ta sẽ vẫn tiếp tục với những suy nghĩ, hành động và lời nói của chúng ta. Nếu muốn biết tương lai của chúng ta như thế nào, chỉ cần nhìn vào ba nghiệp của chúng ta trong hiện tại là chúng ta có thể biết được. Chúng ta không cần chết đi để thấy được điều đó, chúng ta có thể thấy ngay bây giờ bởi vì trong mỗi phút giây, chúng ta đang tạo ra chính mình, chúng ta tạo ra sự tiếp nối của chính mình. Mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành động đều mang chữ ký của ta, chúng ta không thể trốn thoát được. Nếu chúng ta đã tạo ra một điều gì đó không đẹp lắm, chúng ta không thể thâu hồi lại được, nó đã đi về tương lai và bắt đầu tạo ra một chuỗi hành động, phản ứng rồi. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể thường xuyên tạo ra những hành động mới tích cực hơn, tích cực trong suy nghĩ, nói năng và hành động. Chính những hành động mới này sẽ làm thay đổi những hành động tiêu cực trước đó của ta.


... Mỗi suy nghĩ chúng ta tạo ra đều mang theo chữ ký của mình. Chúng ta không thể nói: “Ồ, nó không phải của tôi.” Chúng ta có trách nhiệm với những suy nghĩ của chúng ta và những suy nghĩ đó là sự tiếp nối của chúng ta. Suy nghĩ là tinh yếu, cốt tủy của mình, là cuộc sống của mình. Khi một suy nghĩ khởi lên, nó sẽ tiếp tục đi về tương lai và không bao giờ mất đi cả. Chúng ta có thể hiểu những suy nghĩ của mình giống như một loại năng lượng và năng lượng này sẽ tạo ra một chuỗi phản ứng trong vũ trụ. Vì vậy chúng ta cần phải quan tâm chăm sóc tư duy của mình để mỗi ngày chúng ta suy nghĩ được nhiều điều thiện. Chúng ta biết rằng nếu muốn, chúng ta có thể tư duy về từ bi, hiểu biết, về tình huynh đệ, về tính vô phân biệt và tất cả đều tạo ra chữ ký của ta. Tất cả đều là ta, là tương lai của ta. Chúng không bao giờ có thể mất đi được. Rõ ràng là tư duy về từ bi, về tình huynh đệ, về sự hiểu biết và thương yêu đều có năng lực trị liệu: trị liệu thân thể, trị liệu tâm hồn và trị liệu cho toàn nhân loại. Tự do là điều chúng ta có thể đạt được vì chúng ta biết rằng với sự nâng đỡ, chở che của Bụt, của huynh đệ trong chúng, của giáo pháp mà chúng ta đã học, chúng ta có khả năng tạo ra những tư duy chân chánh như thế.


... Những gì chúng ta nói đều tạo ra chữ ký của mình, tạo ra nghiệp lực của mình. Lời nói của chúng ta có thể chuyên chở hiểu biết, thương yêu, tha thứ, bao dung. Ngay khi chúng ta sử dụng lời nói ái ngữ thì sự trị liệu đã bắt đầu có tác dụng. Lời nói ái ngữ có khả năng trị liệu và chuyển hóa mà chúng ta có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Ta có hạt giống từ bi, hiểu biết, tha thứ và bao dung trong ta, ta phải để cho chúng biểu hiện. Giờ đây, quý vị có thể ngưng đọc, gọi điện cho ai đó, dùng những lời ái ngữ để bày tỏ tình thương, từ bi, sự cảm thông và tha thứ của quý vị. Quý vị còn chờ đợi gì nữa? Đó là một hành động đáng làm! Quý vị sẽ hòa giải được ngay khi thực tập ái ngữ. Ái ngữ luôn đi về hướng tha thứ, hiểu biết, thương yêu. Hãy gọi điện đi! Sau khi gọi điện quý vị sẽ thấy phấn chấn hơn, người kia sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn nhiều và quý vị sẽ hòa giải được ngay lúc đó. Những suy nghĩ đã phát khởi trong quý vị, những ngôn từ quý vị đã nói sẽ luôn còn đó và là sự tiếp nối của quý vị.


Chúng ta có thể làm gì để vơi bớt khổ đau? Mỗi ngày chúng ta hành động như thế nào để chuyên chở lòng từ bi? Hành động là khía cạnh thứ ba của sự tiếp nối. Chúng ta biết rằng chúng ta có khả năng làm điều gì đó để bảo vệ con người, bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Hôm nay chúng ta có thể làm gì để bảo vệ các loài sinh vật? Có thể là một hành động nho nhỏ như mở cửa để cho một con côn trùng bay ra ngoài hoặc một hành động lớn hơn như giúp cơm ăn, áo mặc cho những người nghèo khổ. Mỗi ngày chúng ta đều có khả năng làm chủ nghiệp lực của chúng ta bằng cách này hay cách khác, lớn hay nhỏ. Thế mà chúng ta cứ có cảm giác mình không có tự do, tự chủ.


Không sinh không diệt


... Tuy nhiên tuệ giác về sự tiếp nối không chống trái với giáo lý vô thường căn bản của đạo Bụt. Nếu chúng ta tin rằng có một linh hồn tồn tại mãi mãi không biến dịch, khi rời khỏi thân xác này nó đi vào một thân thể khác qua thời gian và không gian thì chúng ta bị kẹt vào ý niệm là có một cái ngã thường còn. Đức Bụt đã xác nhận rằng không có gì mất đi, không có gì có thể bị hủy diệt và cũng không có gì có thể tồn tại mãi mãi.


Sát na vô thường và nhất kỳ vô thường


... Khi chúng ta suy nghĩ một điều gì thì điều đó ảnh hưởng trở lại chúng ta ngay lập tức. Khi chúng ta tư duy về từ bi, về tình thương thì mỗi tế bào trong cơ thể ta đều tiếp nhận nguồn năng lượng tuyệt vời ấy. Ngược lại nếu chúng ta tư duy về hận thù, tuyệt vọng thì ngay lập tức điều đó sẽ ảnh hưởng xấu lên thân thể và tâm hồn ta. Giả sử chúng ta ký một tấm chi phiếu trong khi chúng ta không có tiền trong tài khoản ngân hàng, có thể chúng ta không thấy hậu quả lúc này nhưng một hai tuần sau chúng ta sẽ thấy rõ hậu quả của nó. Hoặc giả, một thành viên của chính phủ đã ký hoặc làm một điều gì đó bất hợp pháp; người đó tuy có thể tiếp tục giữ chiếc ghế của mình trong vài năm nhưng sau đó khi khám phá ra anh ta ăn hối lộ thì anh ta sẽ bị vào tù. Vì vậy có những điều chúng ta làm bây giờ nhưng một thời gian sau mới gặt lấy hậu quả. Chúng ta phân biệt hai loại hành động: một loại hành động đưa đến kết quả rất nhanh ngay bây giờ và ở đây, gọi là ‘nhân quả đồng thời’ và một loại hành động khác tác động trở lại chúng ta sau một thời gian nào đó, gọi là ‘nhân quả dị thời’.


Ý thức và tự do ý chí (mind consciousness and free will)


... Khi năng lượng chúng ta bị tán loạn, chúng ta dễ giận dữ. Tuy bằng trí năng chúng ta có thể biết rằng giận không giúp được gì cho ta nhưng ta không thể dừng lại được. Vì vậy, tự do ý chí không phải là vấn đề của trí năng. Đôi khi người ta nghĩ rằng cảm thọ của chúng ta là do những chất hóa học trong não tiết ra. Chúng ta giận dữ, bạo động cũng chỉ vì những hóa chất ấy. Tuy nhiên cách chúng ta suy nghĩ, hành động cũng tạo ra các chất hóa học đó, nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào cách sống của chúng ta.


Nếu chúng ta biết ăn uống điều độ, có chánh niệm, chánh tư duy, biết sống thăng bằng thì những hóa chất được tạo ra chỉ mang đến an lạc. Khi chúng ta bị những cơn giận, sợ hãi, căm thù chi phối thì các tế bào thần kinh, các hóa chất mà chúng thải ra sẽ gây ảnh hưởng, làm mất thăng bằng trong não và trong tâm thức. Chúng ta có thể dùng tuệ giác để quán chiếu, để quyết định sự hoạt động của những yếu tố này. Chúng ta không thể nói rằng những yếu tố này không phải là tâm. Chúng chính là tâm ta.


... Tất cả chúng ta ai cũng có những tập khí tiêu cực thúc đẩy mình suy nghĩ, nói năng và hành động mà bằng trí năng ta biết sẽ mang đến tai họa, nhưng ta vẫn nói, vẫn làm, vẫn nghĩ. Khi năng lượng ấy đi lên và sắp sửa buộc chúng ta suy nghĩ, nói năng hay hành động, chúng ta hãy dùng cơ hội này để thực tập chánh niệm: “Chào em, tập khí của tôi, tôi biết là em đang có mặt đây.” Thực tập chừng đó cũng đã làm cho tình trạng khác đi rồi. Chúng ta không muốn mình là nạn nhân của các tập khí, do đó nếu có chánh niệm can thiệp vào, chúng ta sẽ thay đổi được tình thế.


Cộng nghiệp và biệt nghiệp


... Chánh báo là phần cá nhân dựa trên suy nghĩ, hành động và lời nói của ta nhưng chánh báo cũng mang tính chung và phụ thuộc vào môi trường chúng ta sống. Nhìn vào một khu rừng, chúng ta ý thức rằng cây cối đang cung cấp ôxy cho ta và ta thấy ta là khu rừng, là cây cối bởi vì không có rừng, ta không thể thở được. Chúng ta thấy cây cối và khu rừng là một phần cơ thể của ta. Trong những thành phố lớn luôn có một công viên. Công viên trong thành phố ấy là buồng phổi của ta, là buồng phổi chung của tất cả mọi người, mọi công dân. Nếu không có nó chúng ta không đủ dưỡng khí để thở. Vì vậy công viên rất quan trọng đối với ta. Công viên là buồng phổi nằm bên ngoài thân thể ta.


Tôi biết nếu tim tôi ngừng đập thì tôi sẽ chết. Vì vậy tôi phải bảo vệ và gìn giữ trái tim tôi. Nhưng khi nhìn vào mặt trời hồng và hít thở tôi thấy mặt trời cũng là một trái tim khác của tôi. Nếu mặt trời ngưng hoạt động tôi cũng sẽ chết. Vì vậy tôi xem mặt trời là trái tim của tôi. Thực tập như vậy chúng ta sẽ không bị giới hạn bởi hình hài, da thịt này. Chúng ta thấy môi trường là chúng ta. Do đó, khía cạnh thứ hai của nghiệp là môi trường – là y báo. Chăm sóc môi trường đàng hoàng là ta đang chăm sóc cho chính ta.
Tags: transform

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc