Con nợ

Bà gần 90 tuổi, lưng còng gập, chỉ nhìn thấy đất mà chẳng thấy trời, ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ khoảng 3 giờ chiều là lại nhóm lò bắc bếp rán bánh rán bán đến khuya. Bà đã chậm chạp lắm rồi, nặn bánh cũng chậm, lấy bánh cho khách cũng chậm, đến thu trả tiền cũng chậm. Bàn tay nhăn nheo chỉ có da bọc xương. Có người nhìn bà rót nước chấm cho khách mang về tay run lẩy bẩy, chảy một nửa ra ngoài, ái ngại hỏi: Sao không bảo cháu nào ra làm giúp cụ? Bà móm mém nói: "Chúng nó bận cả..."

Bà có mỗi thằng Ngọc là cháu, nhà chồng bà mấy đời độc đinh, hai ông bà lấy nhau gần chục năm mới sinh con nên khi bố thằng Ngọc ra đời thì đó là báu vật. Nhà nghèo nhưng cậu quý tử đòi cái gì cũng phải được, không như ý là lăn ra hờn, thế nào bà cũng lại bị mẹ chồng chửi té tát. Thời bao cấp thiếu thốn đủ thứ, thiên hạ chỉ mong đủ gạo để ấm bụng, vậy mà sáng nào con trai bà cũng được ăn phở, xôi hoặc trứng vịt lộn, đi học về qua hàng quà là lại lăn vào đòi mua. Tiền lương công nhân của bà chẳng đủ để con ăn quà, vì vậy mà bà phải nhận hàng gia công về làm thêm. Đêm nào bà cũng phải thức đến một, hai giờ sáng để làm. Chồng bà được chiều nên chẳng giúp gì cho vợ, cũng chẳng nghĩ đến việc dạy con. Con vừa la lên là ông lại cau có: "Cho nó đi, cứ để nó gào điếc cả tai..."

Bà không thể dạy được con khi mẹ chồng và chồng bênh cháu chằm chặp. Cậu công tử học hành chẳng ra gì nên học hết cấp 2 thì đi làm công nhân. Con trai đi làm, có lương nhưng bà chẳng nhàn chút nào. Tiền lương của con chẳng đủ con tiêu nên bà vẫn phải nuôi cơm. Ngày ấy bà còn khoẻ, mắt còn tinh, tay chân còn nhanh nhẹn nên làm được, bà đành an ủi: Bao giờ nó lấy vợ, có con thì sẽ tự biết lo... Nhưng rồi nó vẫn chẳng làm được tiền, chẳng giúp được cho vợ việc nhà lại tính công tử, thích ăn ngon, mặc đẹp nên hai vợ chồng cãi nhau như cơm bữa. Bà cứ phải đem tiền ra để mua sự bình an cho con.

Khi thằng Ngọc ra đời, bố mẹ nó chẳng có tiền thuê người giúp việc, bà chẳng nỡ để con dâu mất việc, cũng chẳng nỡ gửi cháu đi nhà trẻ nên nghỉ việc, ở nhà trông cháu. Tiền nghỉ chế độ cả đời của bà bay vèo trong hai tháng. Đến tháng thứ ba thì nhà bà như chuồng thú. Con dâu, con trai vặc nhau vì không có tiền mua sữa cho con (khoản này hai tháng trước bà lo). Bận trông cháu nên bà chẳng làm thêm được, tiền dự trữ thì chẳng có, thế là bà phải đi vay mượn khắp nơi, hẹn khi nào thằng cháu lớn sẽ kéo cày trả nợ. Thằng Ngọc lớn lên bao nhiêu thì món nợ của bà cũng lớn bấy nhiêu. Món nợ đè gập lưng bà. Bà làm bao nhiêu cũng không đủ trả nợ. Bố nó cứ đủng đỉnh, chẳng chịu tìm việc kiếm tiền, cứ hết tiền lại ngửa tay xin mẹ. Bà đành bán căn nhà mặt phố, mua nhà trong ngõ để lấy tiền trả nợ. Thằng Ngọc lớn lên còn tệ hơn bố nó. Nó không xin mà là đòi, cứ như mẹ nó là con nợ của nó. Mới vào lớp 10, nó mặc cả: Phải mua xe máy, nó mới đi học. Từ ngày đó, cái xe máy trở thành máy rút tiền của nó. Nó ăn nhậu, cắm quán, gán xe. Những khi ấy mẹ nó lại phải mang tiền ra chuộc, khốn khổ vì con. Bức xúc vì thiếu thốn, vì lo cho tương lai của con mà mẹ nó trở nên cáu bẳn, cục cằn, lúc cơn bực trở thành cơn điên, mẹ nó lại chửi bố nó té tát. Bà xót con trai nên làm được đồng nào lại cho con để bịt mồm vợ, không có thì đi vay để tổ tông khỏi mất mặt. Số tiền đổi nhà dư ra bà trả hết nợ, còn lại gửi tiết kiệm để lấy lãi ra tiêu, vậy mà tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, chưa đầy chục năm tay trắng lại hoàn trắng tay.

Đến giờ này, bà vẫn lụi cụi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời kiếm tiền để hàng tháng, thằng con trai quý tử hơn 60 tuổi của bà đến lấy như thu tiền bảo kê. Nhiều đêm xương cốt đau nhức không ngủ được, bà lại khấn ông Trời đừng để bà sống nữa, bà trách sao ông nỡ đày đoạ bà, để bà đến tuổi này mà vẫn phải khốn khổ kiếm cơm, vẫn là con nợ của con, của cháu. Bà trách mình kiếp trước vụng đường tu... Nhưng bà chẳng trách con, cháu bất hiếu. Khốn khổ cho người đàn bà suốt đời yêu con, sống vì con nhưng lại chẳng biết cách yêu con để dạy con cho đúng...
TN
Tags: thinking

1 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc