Động lực của chính phủ

Nhà kinh tế Mancur Olson đã gợi ý giả thuyết động lực của chính phủ. Ông đưa ra một lý thuyết đơn giản và đáng lưu ý về việc tại sao nền độc tài ổn định lại không tốt cho sự tăng trưởng của nền kinh tế như nền dân chủ nhưng vẫn còn tốt hơn tình trạng vô chính phủ. Olson cho rằng chính phủ chỉ đơn giản là những tên cướp, những kẻ có quyền lực nhất sẽ xuất hiện và lấy đi mọi thứ. Đó chính là điểm bắt đầu trong bài phân tích của ông - luận điểm mà bạn cũng sẽ đồng ý ngay mà không thấy có vấn đề gì nếu như bạn thử dừng lại 5 phút để nhìn ra xung quanh bạn ở đất nước Cameroon này. Như Sam nói, "Có vô số tiền... nhưng họ đã bỏ túi chúng làm của riêng."

Thử tưởng tượng một nhà độc tài với nhiệm kỳ kéo dài một tuần: hay đúng hơn là một tên cướp với đội quân lưu động tràn tới, lấy đi tất cả những gì hắn muốn và lại bỏ đi. Cứ cho rằng hắn không độc ác, cũng chẳng tốt bụng, mà chỉ là kẻ có tính tư lợi, chẳng tội gì mà hắn không cướp hết trừ khi hắn dự định sẽ quay lại vào năm sau.

Nhưng hãy tưởng tượng rằng tên cướp lang thang đó thích khí hậu nơi này và quyết định sẽ ở lại, xây dựng cung điện và khuyến khích quân đội của mình lợi dụng những người dân địa phương. Mặc dù thật không công bằng nhưng bây giờ những người dân địa phương đã trở nên giàu có đến nỗi tên độc tài đã quyết định ở lại nơi đây. Một tên độc tài chỉ có tính tư lợi sẽ nhận ra rằng hắn không thể hủy hoại nền kinh tế và bỏ đói người dân nếu hắn ta còn có ý định quẩn quanh khu vực đó, vì như thế hắn sẽ làm cạn kiệt tất cả các nguồn tài nguyên và không còn gì để lấy vào năm sau nữa. Vậy nên một nhà độc tài tuyên bố quyền thống trị của mình trên một vùng đất sẽ dễ được chấp nhận hơn là một tên cướp liên tục đi khắp mọi nơi tìm những nạn nhân để cướp bóc.

Dù có vẻ chẳng liên quan gì, nhưng sinh học lại đưa ra những mô hình hữu ích cho những nhà kinh tế chính trị: những con virus và vi khuẩn có xu hướng ngày càng bớt nguy hiểm hơn rất nhiều, bởi vì những loại virus nguy hiểm nhất đã nhanh chóng biến mất. Khi bệnh giang mai được ghi nhận lần đầu tiên tại châu Âu cuối thế kỷ XV, nó được mô tả là căn bệnh khủng khiếp, căn bệnh nhanh chóng giết chết nạn nhân. Đây không phải là một chiến lược thực sự thành công - nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu con virus cho nạn nhân của nó được sống, ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn, để có thể phát tán bệnh dịch. Vì thế mà sự thay đổi của chủng virus gây bệnh giang mai làm cho căn bệnh không còn giết người nhanh chóng hóa ra lại thành công hơn và làm cho nó có thể tồn tại lâu hơn những bệnh dịch khác.

Khi tôi nghĩ tới tổng thống Biya (của Cameroon), đầu óc tôi lại bị mắc kẹt với những ý nghĩ về sự phát triển của bệnh dịch. Tôi không thể xác nhận được liệu ông ta có khớp với những mô tả của Olson về một nhà độc tài tư lợi hay không. Nhưng nếu như ông tổng thống này giống những mô tả đó thì ông ta cũng không thích lấy quá nhiều từ những người dân Cameroon, bởi vì nếu làm như vậy, năm sau sẽ không còn gì để lấy. Chừng nào mà ông ta còn cảm thấy yên tâm với nhiệm kỳ của mình thì ông ta sẽ không đời nào giết mất con ngỗng đẻ trứng vàng của mình. Cũng giống như là bệnh tật mà sự tồn tại của nó phụ thuộc vào thân thể của người bệnh mà nó đang hành hạ, Biya cần phải giữ cho nền kinh tế Cameroon hoạt động để tiếp tục bòn rút. Điều này cho thấy rằng một nhà lãnh đạo tự tin mong muốn nắm quyền lực trong 20 năm sẽ làm nhiều điều để nuôi dưỡng nền kinh tế hơn là một người muốn chạy trốn, bỏ lại tổ quốc sau 20 tuần nắm quyền. 20 năm của "một nhà độc tài đắc cử" có lẽ còn tốt hơn 20 năm thay hết vị lãnh đạo này tới vị lãnh đạo khác. Tổng thống Biya có là tổng thống suốt đời được không?

Điều này không nói rằng lý thuyết của Malcur Olson dự báo rằng những chế độ độc tài ổn định sẽ đem đến những điều tốt đẹp cho đất nước của chúng, đơn giản chúng sẽ hủy hoại nền kinh tế ít hơn các chế độ độc tài kém ổn định khác. Nhưng những nhà lãnh đạo như ông Biya, những người luôn tự tin rằng họ sẽ luôn chiến thắng trong các cuộc bầu cử, vẫn là những nhà lãnh đạo gây thiệt hại lớn cho người dân và nền kinh tế. Với giả định đơn giản rằng Biya có quyền lực tuyệt đối đối với sự phân phối nguồn thu nhập của Cameroon, ông ta có thể quyết định bòn rút từ đó, cứ cho là một nửa số thu nhập đó mỗi năm thông qua hình thức "thu thuế" và tiền kiếm được sẽ đổ vào tài khoản cá nhân của ông ta. Đó tất nhiên là tin xấu cho những nạn nhân của ông ta, nhưng cũng là điều chả hay ho gì cho sự tăng trưởng lâu dài của Cameroon. Hãy thử nghĩ xem một nhà kinh doanh nhỏ xem xét việc đầu tư khoảng 1.000 đô la vào máy phát điện mới cho xưởng của anh ta. Khoản đầu tư được kỳ vọng sẽ đem về 100 đô la lợi nhuận mỗi năm. Đó là 10%, con số lợi nhuận đem về khá ổn. Nhưng vì Tổng thống Biya có thể lấy mất một nửa số lợi nhuận đó, tiền lãi sẽ giảm xuống con số kém hấp dẫn hơn nhiều là 5%. Cuối cùng, doanh nhân đó quyết định không đầu tư nữa, thế là cả anh ta và Biya đều mất cơ hội được lợi từ khoản đầu tư. Đó là một ví dụ rất điển hình về hiện tượng kỳ lạ mà chúng ta đã khám phá: thuế gây nên sự thiếu hiệu quả. Chính sách thuế của Biya thì chuyên quyền và càng ngày càng tăng, song về bản chất thì ảnh hưởng cơ bản của nó thì cũng tương tự mà thôi.

Tất nhiên, Tổng thống Biya cũng có thể tự mình đầu tư, ví dụ như xây dựng cầu cống, đường sá để khuyến khích đầu tư thương mại. Trong khi những khoản đầu tư này có vẻ là khá tốn kém trong giai đoạn đầu, nhưng chúng sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển phồn thịnh và đem đến cho Tổng thống Biya cơ hội để bòn rút sau này. Song, mặt trái của cùng một vấn đề bắt đầu phát huy tác dụng: Tổng thống Biya sẽ chỉ lấy đi một nửa số lợi nhuận, không đủ để khuyến khích ông ta xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho Cameroon. Khi Tổng thống Biya nắm quyền vào năm 1982, ông ta được kế thừa những con đường từ thời thuộc địa để lại, những con đường chưa hoàn toàn hỏng hẳn. Nếu như ông ta nắm quyền điều hành đất nước mà chẳng được thừa hưởng chút cơ sở hạ tầng nào thì có lẽ ông ta đã quan tâm hơn tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở một mức độ nào đó. Bởi vì cơ sở hạ tầng đã có sẵn ở đó, Tổng thống Biya cần phải toan tính xem liệu có đáng để tu sửa, hay đơn giản là sống ăn bám vào những di sản quá khư để lại. Vào năm 1982, ông ta có thể đã nghĩ rằng những con đường đó sẽ tồn tại được tới những năm 1990, miễn là ông ta có lý do để hy vọng sẽ giữ được quyền cai trị của mình cho tới lúc đó. Và ông ta đã quyết định sống dựa dẫm vào những nguồn vốn trong quá khứ và chẳng bao giờ bận tâm tới việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho người dân. Chừng nào mà chúng vẫn còn đủ để ông ta thành công với những luật lệ của mình thì tại sao lại phải bận tâm tới việc chi tiền cho người dân trong khi khoản tiền đó có thể chạy thẳng vào quỹ hưu cá nhân của mình?
P. 307 - The Undercover Economist
Tags: economics

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc