Kinh nghiệm ứng phó trong khủng hoảng tài chính của Nhật Bản

Ngày 17/09/2012, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Quản lý nợ xấu trong Tái cấu trúc Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)” nhằm chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình tái cấu trúc các DNNN Nhật Bản từ giai đoạn khủng hoảng tài chính tại Nhật Bản trong khoảng thời gian mười năm (1992-2002).

Hội thảo đã thu hút nhiều đại biểu là các đại diện các bộ ban ngành, các lãnh đạo các DNNN, các nhà kinh tế, các nhà báo, truyền hình và đông đảo những người quan tâm tới vấn đề quản lý nợ xấu - một vấn đề rất thu hút sự chú ý trong giai đoạn hiện nay khi tín dụng bắt đầu có những tín hiệu tăng trưởng sau một thời gian chìm lắng, khó tiếp cận. Các mối quan tâm hàng đầu hiện nay về phía hệ thống ngân hàng, đó là xử lý nợ xấu cũng về phía doanh nghiệp là xử lý hàng tồn kho - là những bài toàn khó trong quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ chia sẻ từ các nước đã trải qua những giai đoạn khó khăn tương tự Việt Nam như Nhật Bản.

Diễn giả của Hội thảo, ông Daisuke Kotegawa - Chủ nghiệm Nghiên cứu của Viện nghiên cứu Toàn cầu CANON đã phân loại các giai đoạn khủng hoảng tài chính tại Nhật từ năm 1992 đến 2002 với những đặc trưng của từng giai đoạn cũng như các giải pháp tương ứng của Chính phủ Nhật Bản trong mỗi giai đoạn. Theo ông, từ năm 1992, Nhật Bản đã trải qua bốn giai đoạn khủng hoảng với các mốc 1992-1993 (giai đoạn I); 1995 (giai đoạn II); 1997-1999 (giai đoạn III) và 2001-2002 (giai đoạn IV). Thời kỳ này thường được biết đến với tên gọi “Thập kỷ mất mát” của Nhật Bản, trong đó ở hai giai đoạn đầu, mức tăng trưởng GDP của Nhật sụt giảm mạnh và đến hai giai đoạn sau thì mức tăng trưởng GDP âm, việc vực dậy nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.

Tại thời điểm khủng hoảng tài chính giai đoạn I (1992-1993), xuất hiện sự gia tăng các khoản nợ khó đòi giữa các ngân hàng, thực trạng giá đất giảm và nền kinh tế đình trệ. Thủ tướng Nhật Bản Miyazawa lúc đó đã đề xuất phương án bơm tiền giải cứu ngân hàng nhằm bình ổn hệ thống tài chính Nhật Bản vào tháng 8/1992, tuy nhiên do vấp phải nhiều ý kiến phản đối, biện pháp này đã không được thực hiện. Do đó, Chính phủ, ngân hàng và các doanh nghiệp đều có động thái chung là “trông chừng”.

Tuy nhiên, sau đó, chính phủ Nhật Bản đã triển khai một loạt các gói kích cầu kinh tế trong Thập kỷ mất mát này trong đó có việc thông qua các sáng kiến của một số ngân hàng lớn, thành lập Công ty mua tín dụng hợp tác xã (CCPC) vào tháng 1/1993 để mua lại các khoản nợ vay có thế chấp từ ngân hàng của các doanh nghiệp nhằm thanh lý các bất động sản đang bị cầm cố tại thời điểm đó. Tuy nhiên, các biện pháp kích cầu tài chính này không đem lại hiệu quả cao so với kỳ vọng giải quyết tình trạng thị trường tài chính bất ổn lúc bấy giờ.

Khủng hoảng tài chính giai đoạn II (1995), vào tháng 12/1994, hai hợp tác xã tín dụng Tokyo-Kyowa và Anzen đã phá sản. Đây là những trường hợp phá sản đầu tiên của giới ngân hàng trong ngành tài chính kể từ sau Thế chiến thứ II. Sau đó, ngân hàng Hyogo - một ngân hàng nhỏ cũng phá sản cùng với nhiều định chế tài chính thế chấp (các Ju-sen). Chính phủ Nhật Bản đã phải thành lập một “Ngân hàng tiếp quản” (Ngân hàng Tokyo Kyodo) hợp tác với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và các ngân hàng lớn khác nhằm tiếp quản tài sản của các định chế phá sản nói trên. Sau đó, Ngân hàng tiếp quản Tokyo Kyodo được tái cơ cấu thành “Ngân hàng Giải quyết và Thu nợ” (Japanese RCC) để mở rộng lĩnh vực hoạt động vào tháng 9/1996. Đến tháng 12/1996, Chính phủ Nhật Bản đã phải bơm vốn công trị giá 6,850 tỉ USD để đền bù thiệt hại cho các Ju-sen. Việc làm này đã khiến Chính phủ và ngành ngân hàng bị công luận chỉ trích gay gắt.

Khủng hoảng tài chính giai đoạn III (1997-1998), khủng hoảng không chỉ xảy ra ở Nhật Bản mà còn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, thường được biết đến sự khởi đầu của “Tháng Mười Một đen tối” năm 1997, với sự phá sản liên hoàn của các định chế tài chính, chỉ trong một thời gian ngắn. Tại Nhật Bản, có thể kể đến sự sụp đổ của những định chế tiêu biểu vào thời điểm đó như Công ty Chứng khoán Sanyo Securities lớn thứ 7 thế giới (3/11), Ngân hàng Hokkaido-Takushoku (15/11), Công ty chứng khoán Yamaichi lớn thứ 4 thế giới (24/11), Ngân hàng Tokyo-City (26/11)... - trong đó chính ông Daisuke Kotegawa trực tiếp làm Giám đốc phụ trách giải quyết các vụ việc Công ty Chứng khoán Sanyo Securities và Ngân hàng Hokkaido-Takushoku tại Bộ Tài chính. Chỉ trong chưa đầy một tháng, sự sụp đổ của các định chế hàng đầu này, mở màn bởi vụ phá sản của Công ty chứng khoán Sanyo Securities (3/11) với những sai phạm nợ tài chính đầu tiên trên thị trường tiền tệ ngắn hạn đã khiến thị trường tiền tệ Nhật Bản tê liệt. Từ đó, các hệ quả khủng hoảng khan hiếm tín dụng do sự sụp đổ các định chế này gây ra đã có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc dân khiến GDP của Nhật Bản tăng trưởng âm -0.1% năm 1997 khi Nhật Bản bước vào giai đoạn khủng hoảng thứ III, đây là lần đầu tiên GDP Nhật Bản tăng trưởng âm kể từ Thế chiến thứ 2.

Giai đoạn này nổi lên các vụ bê bối của những quan chức tại Bộ Tài chính Nhật Bản, mối quan hệ thân hữu giữa giới quan chức Nhà nước với các ngân hàng, nên Ủy ban Quốc hội về Hệ thống tài chính đã có nhiều tranh cãi kịch liệt về các luật pháp quan trọng đối với hệ thống tài chính nước nhà... Tuy các định chế tài chính đã bị sụp đổ hoặc đã được quốc hữu hóa, các Giám đốc cao cấp của bốn định chế quan trọng là Hokkaido-Takushoku, Yamaichi, Ngân hàng tín dụng dài hạn (LTCB) và Ngân hàng tín dụng Nhật Bản (NCB) đã bị bắt giữ do dính líu vào những việc làm phi pháp, trong đó có việc gian lận giao dịch trong Bảng cân đối kế toán. Sau vài năm xét xử tại tòa, lãnh đạo của LTCB được Tòa án tối cao kết luận là vô tội, lãnh đạo của NCB hiện đang được Tòa án tối cao xét xử, còn những đối tượng khác đều chịu hình phạt tù.

Nhằm đối phó với giai đoạn khủng hoảng này, Chính phủ đã đưa ra các sáng kiến, chủ yếu là:

(1) Bơm tiền giải cứu cho một số ngân hàng lớn: Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện 2 lần trong giai đoạn này, tuy nhiên, do lần 1 (tháng 3/1998) số lượng vốn không đủ và không có sự kiểm tra trước tài sản của các ngân hàng nên đã thất bại. Rút kinh nghiệm, một năm sau, vào tháng 3/1999, Chính phủ Nhật Bản đã tung số tiền gấp 10 lần đợt 1, trị giá 7.459 tỉ yên (tương đương 74,6 tỉ USD) cho các ngân hàng, riêng 4 ngân hàng lớn Fuji, Daiichi-Kangyo, Sakura, Sanwa nhận một nửa số tiền cứu trợ của Chính phủ lần này.

(2) Giới thiệu các khuôn khổ pháp lý tài chính mới:
(i) Thành lập Cục Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (Japan Financial Services Agency) tháng 6/1998 nhằm duy trì sự ổn định hệ thống tài chính. JFSA có vai trò thanh tra, giám sát các định chế tài chính tư nhân và theo dõi các giao dịch chứng khoán trên cơ sở quản trị công bằng và minh bạch, tập trung tuân theo các quy tắc thị trường và quy tắc tự chịu trách nhiệm. Ngoài ra, JFSA cũng phải nỗ lực đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính thông qua việc điều chỉnh các biện pháp thực tiễn của các luật lệ và giám sát tài chính sao cho thích hợp với các thay đổi trên thị trường tài chính, bao gồm đổi mới công nghệ và toàn cầu hóa hệ thống tài chính.

(ii) Áp dụng hệ thống xử lý sửa sai nhanh tháng 4/1998: bao gồm một nhóm các biện pháp được thực hiện theo thứ tự dựa trên tỉ lệ vốn dự phòng rủi ro (solvency margin ratio) của doanh nghiệp (theo các mức 0%, 0%-99%, 100%-199%, trên 200%) và cho phép Chính phủ có thể yêu cầu doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh hay không được phép tiếp tục giao dịch nếu có số nợ quá hạn mức cho phép.

(iii) Ban hành Sổ tay hướng dẫn thanh tra tài chính tháng 7/1999;

(3) Áp dụng cơ chế “ngân hàng cầu nối” cho các ngân hàng gặp khó khăn, chính là việc áp dụng cơ chế Quốc hữu hóa tạm thời đối với hai ngân hàng lớn là LTCB và NCB trước khi hai ngân hàng này được bán cho các nhà đầu tư;

(4) Sau cùng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã giảm mức lãi suất mục tiêu xuống con số 0 vào tháng 2/1999.

Giai đoạn khủng hoảng thứ IV (2001-2002), tại Nhật Bản, các vụ sáp nhập và hợp nhất ngân hàng diễn ra nhanh chóng. Chính phủ dự kiến hoàn thành sớm và đầy đủ việc giải quyết các vấn đề nợ khó đòi ở các ngân hàng lớn. Các biện pháp giới hạn và thay đổi cơ chế hỗ trợ của ngân hàng được đưa ra như đối với các trường hợp phá sản của các doanh nghiệp lớn có nợ tăng và tập trung vào phục hồi các công ty có nợ quá hạn mức.

Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng lớn bắt buộc xóa nợ khó đòi khỏi Bảng cân đối kế toán trong hai đến ba năm. Các ngân hàng này cũng buộc phải áp dụng các mục tiêu định lượng như tỉ suất Nợ khó đòi/ Tổng tài sản phải giảm xuống dưới một nửa mức hiện tại tính đến năm tài chính 2004. Một sáng kiến khác được đưa ra vào tháng 4/2003, Chính phủ thành lập Tập đoàn Tái thiết công nghiệp Nhật Bản (IRCJ) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu sau khi Dự án Luật “Luật về Tập đoàn Tái thiết công nghiệp” được trình Quốc hội (1/2003).

Không giống với Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) ở Việt Nam, toàn bộ số tiền thành lập IRCJ là của các ngân hàng chứ không phải từ tiền thuế của người dân.

Trong thời gian hai năm hoạt động (2002-2003), IRCJ đã hỗ trợ một loạt các doanh nghiệp lớn của Nhật như chuỗi siêu thị lớn nhất của Nhật, một tập đoàn mỹ phẩm lớn thứ hai của Nhật, 4 tập đoàn bất động sản, 9 khách sạn trong nước, 4 công ty vận tải, chuỗi cửa hàng linh kiện điện tử, 2 cửa hàng bách hóa nội địa cùng 5 hãng bán buôn và các công ty khác trong các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, vi tính, công ty da,… Ông Daisuke Kotegawa, trên cương vị là người phụ trách IRCJ, khẳng định sự hỗ trợ một loạt các doanh nghiệp lớn trên của Chính phủ Nhật Bản đã tạo nên một làn sóng sáp nhập và mua bán các công ty trong giai đoạn 2004-2006 giúp tái cơ cấu nền công nghiệp Nhật Bản.

Về nguồn gốc của khái niệm “Nợ khó đòi”, ông Daisuke Kotegawa cho biết xuất phát từ quy tắc Basel (1988) giữa các thành viên của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các ngân hàng Nhật Bản vào thị trường Luân Đôn vào thập niên 80. Do Việt Nam không phải là thành viên của BIS nên Việt Nam không phải tuân theo quy tắc này. Tuy nhiên, nếu xem xét áp dụng các nội dung của quy tắc, Việt Nam cũng sẽ tìm được nhiều kinh nghiệm quý báu như xem xét lại việc sử dụng các nguồn lực hiệu quả nhằm giữ ổn định mức tăng trưởng kinh tế; củng cố các định chế tài chính bằng cách quản lý các tin đồn về sự yếu kém của các định chế này bị những kẻ phá hoại tung ra trên thị trường. Một việc cũng rất cần lưu ý đó là quan tâm tới những người nộp thuế với các chính sách phù hợp tránh xảy ra tình trạng phản ứng gay gắt đối với chính phủ. Đối với doanh nghiệp, điều quan trọng là hiểu đúng về Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả kinh doanh tránh thái độ lạc quan hoặc bi quan quá mức. Đội ngũ quản lý của doanh nghiệp cần chung tay hợp tác, không chối bỏ trách nhiệm. Đối với Chính phủ, phúc lợi của toàn dân tộc cần phải được đặt lên trên hết khi xem xét lựa chọn hỗ trợ những doanh nghiệp nào. Ngay tại các doanh nghiệp thua lỗ, bộ máy doanh nghiệp cần được tinh giản bằng cách lựa chọn giữ lại những bộ phận làm ăn có lãi hoặc có sức cạnh tranh sau khi đánh giá hiệu quả hoạt động của từng bộ phận này. Ông Daisuke Kotegawa đã phân loại cụ thể bốn trường hợp đánh giá lại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ từ ngành nghề ban đầu của họ tới các ngành nghề bổ sung trong những năm hoạt động sau đó và cách định lượng để quyết định giữ lại, bổ sung nguồn lực, duy trì cùng công ty con hay bán có chiết khấu.

Đối với ngành bất động sản, đứng trước diễn biến bong bóng bất động sản nửa cuối thập niên 80 ngay trước khủng hoảng, Chính phủ đã áp dụng cơ chế kiểm soát tổng giá trị tiền vay từ ngân hàng cho ngành này. Từ tháng 3/1990, Bộ Tài chính Nhật Bản ban hành các văn bản hướng dẫn của Chính phủ quy định ngân hàng phải lập giới hạn mức tăng vốn vay cho ngành bất động sản trong tổng vốn vay.

Từ các cách đối phó với khủng hoảng tài chính tại Nhật Bản như được trình bày trên đây, Việt Nam cần cân nhắc các biện pháp bơm tiền giải cứu ngân hàng do có thể vấp phải phản đối mạnh mẽ của người dân vì lấy tiền thuế là tiền đóng góp của dân nghèo để cứu người giàu, hoặc nếu bắt buộc phải thực hiện cần kiểm tra trước tài sản của ngân hàng để đảm bảo thành công. Hạn chế tăng trưởng tín dụng bất động sản và Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra các biện pháp mạnh như yêu cầu tất cả các ngân hàng và tổ chức tín dụng duy trì nợ khó đòi dưới mức độ an toàn. Bất kỳ tổ chức nào có nợ khó đòi vượt quá mức độ cho phép phải bán hoặc chuyển giao nợ xấu cho DATC hoặc bị hạn chế một số hoạt động cho đến khi xử lý được nợ khó đòi hay giảm tỉ lệ nợ khó đòi xuống mức chấp nhận được để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống tài chính ngân hàng.


Source:
1. Bài trình bày của ông Daisuke Kotegawa tại Hội thảo.
2. Báo cáo của Viện nghiên cứu thị trường vốn Nomura.
3. Báo cáo của Cục Dịch vụ Tài chính Nhật Bản.
Tags: japanwork

5 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc