Dạy con làm giàu

Cha tôi là nhà đồng sáng lập một công ty chế biến và phân phối thịt. Phương pháp mà ông dạy tôi trong gia đình chính là dạy tôi những gì cơ bản nhất. "Bố muốn con học về kinh doanh một cách thực tế nhất", ông bảo tôi vậy. Vì tôi mới bắt đầu nên bố giao cho tôi phụ trách mảng thịt băm viên của công ty. Đó là doanh nghiệp chỉ có một người: tôi. Khu vực tôi phụ trách rộng khoảng 15 m2, gồm một ghế lóc xương, một máy xay thịt, một máy làm chả, các kệ hàng, vài thứ đồ để đóng gói, giá nâng hàng, găng tay, một cái đài, bàn làm việc, các loại dao khác nhau, kho trữ hàng (ngày đó chưa có máy vi tính). Mỗi sáng, tôi đánh bạn với chiếc ghế lóc xương, dao trong tay, tôi vớ lấy tảng thịt bò để lóc xương và tách phần mỡ. Bước tiếp theo tôi nhồi thịt vào phễu. Sau đó, thịt được xay nát. Bước hai, một chiếc máy khác sẽ nặn chỗ thịt đó thành những miếng chả ngon lành, chiếc máy thứ ba có nhiệm vụ đóng gói sản phẩm. Đầu vào là các tảng thịt và sức lao động của tôi. Quá trình chế biến là xẻ thịt và lên khuôn. Sản phẩm đầu ra chỉ là những miếng chả thịt bò được đóng gói. Dù đơn giản nhưng quá trình này thực sự quan trọng vì tôi đã tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng.

Nếu không nhờ sức lao động và máy móc của tôi, khách hàng sẽ phải mua thịt sống và tự xẻ thịt, hoặc mua máy xay thịt và tự xay lấy để làm chả thịt bò. Điều này có vẻ như không giá trị lắm, nhưng hàng năm người ta chi hàng tỷ bảng cho món chả thịt bò trên toàn thế giới. Do đó, khách hàng cũng sẽ vui lòng trả thêm chút ít cho phần giá trị tăng thêm mà tôi tạo ra. 

Những ngày buồn tẻ dường như nối tiếp nhau. Công việc của tôi là tạo ra những chiếc chả thịt trị giá khoảng 200.000 bảng mỗi năm. Một ngày, tôi nảy ra ý tưởng: Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi sản xuất được những món chả băm viên khác nhau? Tôi tưởng tượng ra một loạt các món với hương vị khác nhau: chả làm từ thịt của những con bò khỏe mạnh được chăn thả tự nhiên; chả Tex-Mex với salsa và gia vị khác; chả nhân Hawaii; nhân rau; nhân thịt gà tây (tất nhiên là thời đó, những sản phẩm này chưa hề xuất hiện).

Cuối cùng, tôi cũng cho ra lò và ăn thử những chiếc chả mới do chính tay mình làm. Một vài món có hương vị rất ngon! Những món khác có vị rất kinh khủng. Sau vài tuần, khi thấy đủ tự tin với ý tưởng mới của mình, tôi xin gặp cha. Tôi mang những món tôi ưng ý và một lò nướng đến để trình diễn cách làm cho cha xem. Cha tôi ăn thử và tỏ ra rất háo hức với dòng sản phẩm mới.

Những gì xảy ra tiếp theo mới thật tuyệt. Hai tiếng sau màn trình diễn, những câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta cần loại giấy phép nào từ cơ quan y tế? Làm thế nào để định giá sản phẩm mới? Khách hàng mục tiêu là ai? - Người tiêu dùng, nhà phân phối, các nhà hàng hay các siêu thị? Nên bán sản phẩm ở quy mô nào, địa phương, toàn quốc hay toàn cầu? Ai sẽ đứng ra quản lý việc kinh doanh? Có nên xây dựng công ty riêng và thương hiệu riêng cho mảng kinh doanh này không? Chúng ta sẽ vấp phải sự cạnh tranh trong hiện tại hay trong tương lai? Làm thế nào để biết đây thực sự là một cơ hội? Chúng ta cần bao nhiêu tiền để triển khai dự án này? Công ty sẽ thu được bao nhiêu tiền trong vòng một năm đầu? Các nguồn lực khác thì sao - con người, địa điểm, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng? Cuộc gặp mặt giữa hai bố con gợi mở rất nhiều cho tôi. Cha tôi đề nghị tôi phát triển thêm ý tưởng này.

Sau khi nghiên cứu về sự cạnh tranh và thị trường tiềm năng, tôi bắt đầu tin đây thực sự là một cơ hội kiếm tiền. Trong vòng vài tuần sau đó, tôi bắt tay vào viết một bản tóm tắt những việc cần làm. Tôi đưa ra danh sách cụ thể các giả thiết, dựa trên các câu hỏi cha tôi đưa ra lần trước. Thậm chí tôi còn dự đoán tốc độ tăng trưởng tài chính của dự án trong vòng vài năm tiếp theo. Tôi xin gặp cha một lần nữa và trình bày những suy nghĩ của tôi với ông. Lần này ông còn tỏ vẻ quan tâm hơn nữa. Ông quyết định thực hiện dự án này trong công ty hiện tại và đề nghị tôi đứng ra điều hành bộ phận này và tự hạch toán lãi lỗ.

Vậy là tôi, một anh chàng 17 tuổi được giao nhiệm vụ xây dựng mảng kinh doanh thịt băm viên hoàn toàn mới mẻ trong một công ty kinh doanh thịt.

Dù tôi phải đối mặt với nhiều thử thách, tôi vẫn tập trung vào việc làm cho doanh nghiệp mới phát triển và tạo ra nhiều tiền. Chiến lược của tôi là tạo ra một dòng sản phẩm thịt băm viên đặc trưng (gồm nhãn hiệu Gordon's Great Gurnseyburgers, Healthy Heiferburgers, Smokey the Bearger và các nhãn hiệu khác) và bán cho người tiêu dùng dưới thương hiệu của chúng tôi với mức giá rất cao. Tôi sẽ bán trực tiếp cho người tiêu dùng, nhà phân phối, các nhà hàng, các chợ thực phẩm tổng hợp và tất cả mọi người trừ những chợ chuyên bán thịt. Tôi biết rằng nếu tôi thành công, các đối thủ cạnh tranh sẽ ngửi thấy mùi lợi nhuận và cố gắng chen chân vào công việc kinh doanh của tôi. Vì tôi không thể nào ngăn chặn việc đó xảy ra, tôi dựa vào nhận thức của khách hàng về thương hiệu của chúng tôi để tăng doanh thu và lợi nhuận nhanh chóng. Nhưng tôi không muốn các đối thủ cạnh tranh trong tương lai nhận ra động lực đó trước khi chúng tôi làm tốt công tác xây dựng thương hiệu. P 23

Công việc kinh doanh của gia đình giúp tôi có được cái nhìn đúng về lợi nhuận, sử dụng nhiều lao động, và lợi thế cạnh tranh. Bố tôi muốn tôi học kinh doanh một cách bài bản. Vì thế, tôi làm việc bán thời gian trong cả lĩnh vực bán lẻ và bán buôn trong suốt thời gian học trung học và đại học. Tôi chất và dỡ hàng, nhận đơn đặt hàng và chuyển hàng, sắp xếp kho lạnh, dọn dẹp những mẩu thịt trên nền nhà, lóc xương, xay thịt và phục vụ những khách lẻ. Vài năm trôi qua, tôi thầm cảm ơn cách giáo dục kinh doanh mà cha đã áp dụng cho tôi. Ông muốn tôi phải thực sự hiểu được những khó khăn trong việc điều hành cả hai mảng bán lẻ và bán buôn của công ty. Và các công việc kinh doanh này sử dụng nhiều lao động. Ông đảm bảo tôi được cọ xát với những vấn đề mang tính chiến lược cấp cao, những vấn đề về con người, những cơ hội, và những nguy cơ cạnh tranh thông qua những cuộc thảo luận vào mỗi bữa ăn. P 158

(Công ty bán buôn đã trở thành nhà phân phối lớn về thịt và các sản phẩm sữa cho nhiều nhà hàng và siêu thị ở Đông Bắc nước Mỹ. Mặc dù vậy, lợi nhuận biên không được nhiều. Công ty cũng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của ngành, và cuối cùng, bị phá sản sau 55 năm hoạt động. Nhánh bán lẻ thì vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Bài học: Tránh xa những lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận biên thấp, nhưng đòi hỏi nhiều nhân lực để sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ.)
Trump University Entrepreneurship 101 - Micheal E. Gordon
Tags: economics

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc