Mặc cảm

Trong xã hội văn minh ngày nay, tất cả máy móc, cơ khí, điện tử đều được điều khiển bởi chương trình tự động. Nhất là hệ thống vi tính (computer), nếu bạn muốn máy vi tính của bạn chạy được thì phải gắn những chương trình (programmes, logiciels, software) vào. Tâm ý của chúng ta cũng giống như vậy, sau khi được bỏ vào hay gắn vào những vọng tưởng, quan niệm, thành kiến, tập quán, v.v... nó cũng hoạt động theo chương trình mà ta đã thiết lập (một cách vô ý thức). Tâm ý hoạt động theo chương trình là sao? Đó là mỗi khi gặp một ngoại cảnh hay sự việc gì (input) nó liền cho ra một phản ứng (output) tự động khiến ta không kịp suy nghĩ hoặc suy nghĩ không ra.

Hồi nhỏ đi học ở Việt Nam tôi rất sợ bị kêu lên trả bài, vì mỗi khi trả bài không thuộc tôi bị thầy giáo tát hoặc cô giáo nhéo lỗ tai và chửi: "Sao ngu quá vậy"! Trong gia đình thì tôi không bao giờ được quyền nói lên ý kiến của mình, vì ông bà, cha mẹ, cô chú thường nói: "Con nít tụi bay im đi, biết cái gì mà nói". Qua những dữ kiện trên, tâm trí tôi lặng lẽ thiết lập một chương trình: "Tôi là người ngu, im đi, biết cái gì mà nói, nói bậy sẽ bị ăn đòn". Lớn lên tuy đã tốt nghiệp kỹ sư và đi làm lâu năm nên tôi biết rõ công việc của mình, nhưng mỗi khi phải đi họp (réunion, meeting) trong sở thì tôi rất sợ, tim đập mạnh, đầu óc tê cứng, tay chân lạnh ngắt, lúc đó tôi giống như một tù nhân sắp bị đưa ra pháp trường. Trong sở làm, từ chủ hãng cho đến nhân viên, ai nấy đều quý mến tôi vì tôi làm việc tốt và chăm chỉ, lúc nào cũng đối xử đàng hoàng lịch sự với mọi người, nhưng không hiểu tại sao đến các buổi họp là tôi sợ hãi, mặc dù biết sợ như vậy là vô lý làm tôi ăn nói vụng về. Nguyên nhân gây ra sợ hãi chính là cái chương trình cũ (old program) mà tôi đã đưa vào tâm mình năm xưa ở tiểu học, mỗi khi bị đứng ra trước một nhóm người để nói thì chương trình này nhảy ra hoạt động, nó nói: "Tôi là người ngu, im đi, biết cái gì mà nói, nói bậy sẽ bị người ta chửi".

Hồi cô Tám được ba tuổi, cha cô phải đi quân dịch và tử trận bỏ lại hai mẹ con cô bơ vơ. Vài năm sau mẹ cô mắc bệnh qua đời bỏ cô ở lại cho bà ngoại nuôi nấng. Lúc đó tuy hãy còn nhỏ không biết suy nghĩ nhiều nhưng trong tiềm thức bé Tám đã âm thầm đưa vào (set up) một chương trình: "Tôi là người bị bỏ rơi, những người tôi thương trước sau gì cũng bỏ rơi tôi"! Lớn lên lập gia đình, cô không dám lấy người cô thương mà lại lấy một người khác vì sợ nếu lấy người đó thì họ sẽ bỏ cô. Vì lấy chồng mà không thương nên cô không có hạnh phúc, thường buồn bực và bất mãn. Bởi gia đình không hạnh phúc nên cô hay lo sợ là chồng sẽ bỏ cô. Đúng như cô dự đoán mong chờ, sau hai chục năm chung sống chồng cô đã bỏ đi cưới người khác. Tuy không thương yêu gì chồng nhưng cô cảm thấy rất đau khổ, cái chương trình "bị bỏ rơi" lại hiện hành làm cô khóc suốt ngày, người ngoài tưởng cô nhớ chồng nhưng thật ra cô khóc cho thân phận "bị bỏ rơi". Cô Tám có năm đứa con, ba đứa đã lập gia đình, cứ mỗi lần làm đám cưới cho con, bên ngoài cô tỏ vẻ vui mừng nhưng trong lòng đau như cắt vì cảm thấy lại "bị bỏ rơi nữa". Hai đứa còn lại đang ở với cô vì còn đi học và sắp ra trường. Cô rất mong con cái học thành tài nhưng trong thâm tâm cô nơm nớp lo sợ học xong chúng nó sẽ ra ở riêng và cô sẽ sống cô đơn. Mấy đứa lớn tuy đã lập gia đình nhưng ở gần và hàng tuần đều ghé thăm mẹ nhưng cô không thấy được sự hiếu thảo đó mà tiếp tục sống trong hồi hộp lo âu sợ "bị bỏ rơi".

Chúng ta thường sống với những chương trình cũ rích không hợp thời hợp thế, chúng làm ta mắc kẹt không sống an vui hạnh phúc được trong hiện tại.

Tất cả những mặc cảm như tự ti, tự tôn, tội lỗi, v.v... đều là những chương trình nằm sâu trong tiềm thức. Mặc có nghĩa là thầm lặng, cảm là cảm nhận, mặc cảm là sự cảm nhận âm thầm lặng lẽ trong tâm thức. Mặc cảm tự ti (complexe d'infériorité) là âm thầm cảm nhận, cho rằng mình là người ngu, dở, thua kém kẻ khác. Vì bị chương trình tự ti điều khiển nên ta trở thành nhút nhát, sợ hãi, mắc cỡ. Càng nhút nhát, sợ hãi, mắc c thì ta lại càng tự ti, càng thấy mình dở và thua kém. Mặc cảm tự tôn (complexe de supériorité) là âm thầm cho mình là người tài giỏi hơn kẻ khác. Vì bị chương trình tự tôn điều khiển nên ta dễ kiêu mạn, ăn nói phách lối, khinh người. Mặc cảm tội lỗi (culpabilité) là âm thầm cho mình có tội, mỗi khi gặp chuyện không may, dù lớn dù nhỏ xảy ra đều ăn năn hối hận tự trách lỗi tại mình nên mới ra nông nỗi như vậy. Người này thường bị ăn năn hối hận dày vò, sống trong hồi hộp, sợ hãi, sợ bị trừng phạt.

Những mặc cảm này, xem ra có vẻ không nguy hiểm vì không làm hại người khác một cách trực tiếp, nhưng chúng cũng là một loại phiền não vì làm ta khổ sở. Nếu khổ sở, không hạnh phúc thì từ từ ta sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh như vợ chồng, con cháu, cha mẹ, anh em và làm họ khổ lây.

Bài trước: Khổ
Tags: transform

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc