Tiền ảo Bitcoins: đệ ruột của các băng nhóm tội phạm?


By Stephen Mihm / Thanh Hằng dịch, Sơn Phạm (hiệu đính)

Cho đến gần đây, đồng tiền ảo bitcoins có thể chỉ được coi là một trào lưu nhất thời trên Internet (anh em sinh đôi Winkelvoss trong sự nổi tiếng của Facebook, có thể đóng một vai trò nhất định). Nhưng khi cơ quan thực thi pháp luật liên bang đóng cửa the 'Silk Road' (Con đường tơ lụa), trang web chợ đen trên mạng, có thể được ví như Amazon cho các đồ phi pháp như cần sa, súng... sử dụng Bitcoin như đồng tiền giao dịch, các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách đã phải chú ý. Những kẻ tội phạm, hóa ra, rất ưa thích bitcoins, vì nó có thể sử dụng để thanh toán cho các mục đích bất chính trên thế giới mạng đen, hoàn toàn ẩn danh và, có vẻ như, không thể bị trừng phạt.

Việc chuyển sang sử dụng tiền ảo báo hiệu một sự thay đổi lớn đáng lo ngại trong hành vi của những kẻ tội phạm, khi trong nhiều thập kỷ qua đã ưa thích tiền mặt, đặc biệt là đồng đô la như phương tiện trao đổi. Đối với chúng ta, tình hình đáng báo động như nào sẽ là một trong những chủ đề của cuộc điều trần hôm nay tại Ủy ban An ninh Quốc gia và Vụ Chính phủ Thượng Viện Mỹ.

Tuy nhiên, một bài học lại về lịch sử mối quan hệ giữa tội phạm và tiền mặt có thể là nơi tốt để bắt đầu.

Hãy thử nghĩ như một kẻ tội phạm trong giây lát. Bất kỳ giao dịch tài chính nào để lại dấu vết cũng sẽ để lại bằng chứng về tội lỗi của bạn. Vì lý do này, tiền mặt là vua. Trong nhiều năm qua, bất kỳ kẻ tội phạm nào, từ sát thủ cho đến con buôn ma túy, phải vận chuyển các va li đầy tiền USD để buôn bán hàng cấm và các phi vụ bất hợp pháp.

Tuy nhiên, trong những năm 1960, những kẻ buôn bán ma túy ở Mỹ đã phải đối mặt với những khó khăn trong việc chuyển tiền mặt này. Hàng hóa của chúng chỉ được trả bằng những đồng tiền mệnh giá nhỏ. Nhưng làm thế nào để chuyển tiền về cho một trùm ma túy ở Columbia chẳng hạn? Một lựa chọn là chuyển lậu số lượng lớn tiền mặt này, cách thức đang ngày càng trở nên nguy hiểm. Thay vào đó, các băng nhóm bắt đầu thuê những "kẻ đưa tin" để gom tiền từ dân buôn lậu địa phương và gửi vào các ngân hàng trong vùng. Sau đó, những đồng tiền này có thể dễ dàng được "rửa" thông qua việc chuyển đến các tài khoản ở nước ngoài.

Dòng tiền này được các ngân hàng chào đón vì chúng giúp họ có dự trữ để dành cho các khoản vay lợi nhuận cao, rủi ro thấp. Như nhà báo David Andelman sau này cho biết: 'Các ngân hàng đang làm ngơ về nguồn gốc của sự giàu có này. Họ không bao giờ đặt nghi vấn về việc những quầy bán cá và rau quả nhỏ lẻ có thể có doanh thu nửa triệu đô la tiền mặt một ngày, tất cả đều là những đồng tiền mệnh giá nhỏ.'

Năm 1970, Quốc hội đã thông qua đạo Luật Bảo mật Ngân hàng (BSA), trong nỗ lực nhằm khiến cho việc rửa tiền không thể được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng Mỹ. Theo quy định của Luật, các ngân hàng phải báo cáo các giao dịch tiền mặt vượt quá 10.000 USD thông qua Báo cáo Giao dịch Tiền tệ. Tuy nhiên, chỉ một số ngân hàng tuân thủ quy định này. Cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, các viên chức thực thi pháp luật liên bang, Sở Thuế Vụ và Hải quan đã thành lập các tổ công tác nhằm đấu tranh với hình thức rửa tiền này. Đầu tiên trong số đó là, 'Chiến dịch Đồng bạc xanh' (Operation Greenback), đã truy tố cả những kẻ rửa tiền và các ngân hàng vi phạm BSA. Sau đó là các chiến dịch nổi tiếng khác.

Tuy nhiên, những nỗ lực này hầu như không làm suy chuyển hàng tỷ đô la đang được "rửa" qua các ngân hàng Mỹ. Tệ hơn nữa, những kẻ buôn bán ma túy dạo đã nhanh chóng lách luật của BSA bằng cách mở các tài khoản nhỏ tại ngân hàng để rửa tiền. Mỗi ngày, "người đưa tin" cấp thấp - hay còn gọi là 'smurfs' - sẽ chỉ gửi khoảng 9.900 USD vào các tài khoản này để tránh phải 'Báo cáo Giao dịch Tiền tệ' cho chính phủ liên bang.

Quốc hội đã khắc phục vấn đề này trong từng giai đoạn các năm sau đó. Sửa đổi quan trọng nhất, đó là vào năm 1986, đạo Luật Kiểm soát Rửa tiền đã đặt ra các hình phạt nghiêm khắc hơn nữa đối với những hành vi lách luật BSA. Đạo Luật mới cũng cho phép các ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng cho chính phủ liên bang mà không vi phạm luật riêng tư. Ngày càng có nhiều ngân hàng chọn phương thức hợp tác hơn là có nguy cơ bị truy tố, và vào cuối thập niên 1980, việc rửa tiền đã hầu như không thể thực hiện được trong nước Mỹ.

Tuy nhiên, với các ngân hàng ở nước khác, điều tương tự không xảy ra, đặc biệt là những nơi với lịch sử nhận tiền gửi mà không đặt bất kỳ câu hỏi nào. Bọn tội phạm, đặc biệt là những kẻ buôn bán ma túy, ngày càng tập trung nỗ lực chuyển lợi nhuận bất hợp pháp bằng tiền mặt ra khỏi nước Mỹ để có thể "rửa" ở những địa điểm khác thuận lợi hơn, "khuyến khích" bí mật ngân hàng: Venezuela, Quần đảo Cayman, và những nơi khác không ai để ý đến.

Nhưng, một lần nữa, việc chuyển tiền mặt ra khỏi nước Mỹ thật sự là một thử thách quan trọng, trong một số vụ còn khó hơn cả mang ma túy vào nước Mỹ. Nói một cách đơn giản, lượng tiền bất chính rất nặng. Năm 1997, Bộ Tư pháp ước tính rằng mỗi pound cocaine được bán trên đường phố sẽ mang lại 6 pound tiền mặt, mỗi pound heroin mang lại 10 pound giấy bạc mệnh giá nhỏ. Đây rõ ràng là một vấn đề, đặc biệt khi BSA yêu cầu mà bất cứ ai ra khỏi nước Mỹ với hơn 5.000 USD trong người phải khai báo với chính phủ. Đối mặt với trở ngại này, các băng đảng ma túy đã dùng nhiều mưu kế, nhét tiền vào các đồ gia dụng từ lò nướng bánh đến máy giặt và vận chuyển chúng ra khỏi nước Mỹ.

Có thể ngẫu nhiên hoặc không, số lượng đôla lưu hành bên ngoài nước Mỹ bùng nổ trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, từ 86 tỷ USD năm 1980 lên đến 401 tỷ USD trong năm 1999, tới hơn 500 tỷ USD ngày nay. Hầu hết sự gia tăng này có thể do nhu cầu ngày càng tăng đối với đồng 100 USD. Các nhà kinh tế đã không giải thích được lý do vì sao như vậy, nhưng câu trả lời có thể là những hoạt động kinh tế bất hợp pháp. Thực tế việc đồng đôla được chấp nhận trên toàn thế giới, và dễ dàng được chuyển đổi sang các đồng tiền khác, rất thích hợp cho hoạt động tội phạm quốc tế.

Mặc dù vậy, các vấn đề cũ vẫn còn đó. Vấn đề càng trở nên tồi tệ sau vụ tấn công 11 tháng Chín, khi việc gia tăng giám sát các giao dịch ngân hàng quốc tế khiến cho việc rửa tiền trở nên nguy hiểm hơn không chỉ trong mà còn ngoài nước Mỹ. Trong quá trình này, tiền mặt trở thành mắt xích yếu trong nền kinh tế tội phạm quốc tế. Đó là do tiền mặt khá cồng kềnh, khó cất giấu, và gây nên sự nghi ngờ: bất cứ ai có hàng triệu đôla tiền mặt sẽ đương nghiên bị coi như một nghi phạm.

Chính vì vậy, tiền kỹ thuật số dần xuất hiện và đóng vai trò trong cuộc chơi. Trong những năm gần đây, những kẻ tội phạm bắt đầu thử nghiệm với các hệ thống thanh toán trực tuyến. Thành công nhất trong số này là bộ xử lý thanh toán của Costa Rica tên là Liberty Reserve (Dự trữ Tự do). Hệ thống thanh toán này chấp nhận tiền gửi từ các đồng tiền "bẩn", chuyển chúng thành một loại tiền tệ kỹ thuật số (Liberty Reserve đôla) và sau đó chuyển một lần nữa thành tiền sạch. Hệ thống rửa tiền trực tuyến này diễn ra sau một bức màn nặc danh. Nó đã kịp "rửa" 6 tỷ USD thành tiền sạch trước khi bị đánh sập. Ngày 31 tháng Mười, Vladimir Kats, một trong những người sáng lập Liberty Reserve đã nhận tội rửa tiền và thực hiện kinh doanh chuyển tiền không giấy phép.

Không giống như Liberty Reserve, các giao dịch Bitcoin không thật sự vô hình. Nhờ kiến trúc phần mềm phức tạp đằng sau 'đồng tiền mã hóa' này, ta có thể nhìn thấy mạng lưới các trao đổi liên quan đến Bitcoin. Nhưng không thể nhìn được ai đang sử dụng chúng, và mua gì. Không phải ngẫu nhiên mà bitcoins có lượng khách hàng là những kẻ tội phạm ngày càng tăng, đặc biệt trong thế giới trực tuyến âm u, không thể kiểm soát "Deep Web."

Chính phủ Mỹ gần đây đã áp đặt việc kiểm soát hoạt động rửa tiền đối với các doanh nghiệp hợp pháp sử dụng bitcoins, và một nghiên cứu gần đây kết luận rất khó có thể sử dụng bitcoin để rửa tiền trên quy mô lớn, tuy nhiên FBI lại không đồng ý như vậy.

Bitcoin cũng có thể có một tương lai tươi sáng trên thế giới thật. Trong các bức thư gửi tới Ủy ban Thượng viện tổ chức buổi điều trần hôm nay, Bộ Tư pháp và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ cho rằng tiền ảo là một phương tiện tài chính hợp pháp, cũng giống như bất kỳ hệ thống thanh toán trực tuyến nào khác, mang lại cả lợi ích cũng như nguy cơ.

Trong khi đó, các nhà đầu cơ đang "bỏ phiếu bằng ví" của mình. Giá trị đồng tiền này tăng vọt kể từ khi trang web chợ đen Silk Road bị đóng cửa khiến mọi người chú ý.

Và với tốc độ mà bitcoins được sử dụng trong các thương mại bất hợp pháp, có vẻ như những kẻ buôn bán ma túy và các loại tội phạm quốc tế khác sẽ vứt bỏ tiền mặt cũ kỹ thay bằng tiền kỹ thuật số. Bạn đừng bất ngờ về điều này. Khi chuyển những món lợi bất chính, gõ một vài phím trên máy tính xách tay rõ ràng thuận tiện hơn hẳn phải vận chuyển hàng trăm máy nướng bánh mì nhồi đầy tiền mặt.

(Stephen Mihm, Phó giáo sư môn lịch sử tại Đại học Georgia, và là người viết bài cho The Ticker.)

Bloomberg

Tags: economics

10 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc