Vì sao thực hiện phân tích chi phí – lợi ích không dễ như bạn tưởng?

A "Stop HS2" banner outside West Ruislip railway station in London. Photo courtesy Matt Buck.

Các chính phủ đang ngày càng có xu hướng thực hiện phân tích chi phí – lợi ích (CBA) để đánh giá tính khả thi của một dự án lớn. Mục đích là để có được sự đánh giá khách quan dựa trên bằng chứng về các chi phí và lợi ích của một chính sách hay dự án cụ thể mà không quan tâm tới hậu quả (ramification) chính trị của nó. Chính phủ Anh đặc biệt ưa thích CBA: họ là người tiên phong sử dụng phương pháp này trong thập niên 1960 và gần đây lại tiếp tục áp dụng phương pháp này đối với HS2: tuyến đường sắt cao tốc nối liền London, Birmingham và Manchester đang gây nhiều tranh cãi cũng như để biện minh cho quyết định tiêu diệt bớt loài lửng (badger) ở vùng nông thôn. Lý thuyết thì rất đơn giản: chỉ cần liệt kê hết các chi phí vào một cột và các lợi ích vào cột còn lại là xong. Nhưng thực tế việc này phức tạp hơn nhiều. Với những khoản tiền lớn và những dự án có thể kéo dài nhiều thập kỉ, các nhà kinh tế phải dùng tới những kĩ thuật rất phức tạp (wonkish), đôi khi gây tranh cãi, để có được một CBA đáng tin cậy. Bạn có muốn biết họ làm như nào không?

Đầu tiên, khái niệm đơn giản nhất mà cũng quan trọng nhất là một thuật ngữ kinh tế nhàm chán: ‘thặng dư tiêu dùng’. Đây là sự chênh lệch giữa số tiền bạn sẵn sàng trả với số tiền bạn phải trả trên thực tế cho một thứ nào đó. Nếu bạn sẵn sàng trả 1 bảng cho một quả táo nhưng lại chỉ phải mua với giá 40 xu, thặng dư tiêu dùng của bạn là 60 xu. Thặng dư tiêu dùng quan trọng bởi các dự án lớn như đường sắt thường không bền vững dưới góc độ thương mại thuần túy. Trong trường hợp HS2, ước tính doanh thu dự kiến từ tiền vé ở mức 15 tỉ bảng, nhưng tổng chi phí lên tới 25,5 tỉ bảng. Nhưng đây sẽ là một đánh giá có phần hạn hẹp về lợi ích của những dự án như vậy. Các chính phủ còn nhìn xem người dân tiết kiệm được những gì. Ví dụ, một người thường phải trả 100 bảng để đi từ Manchester đến London. Nếu HS2 được xây dựng, người đó sẽ chỉ phải trả 40 bảng. Lợi ích thương mại của dự án sẽ chỉ là 40 bảng, nhưng CBA sẽ phải tính cả 60 bảng thặng dư tiêu dùng (bởi vì số tiền này sẽ được chi dùng cho những dự án khác). Các dự án cơ sở hạ tầng lớn thường chỉ có ý nghĩa kinh tế khi thặng dư tiêu dùng được tính đến.

Để có thể so sánh hoàn toàn chi phí và lợi ích, cần tới các thủ thuật (trickery) kinh tế khác nữa. Điều chỉnh theo mức lạm phát là bước bắt buộc đầu tiên. Sau đó phải quy đổi chi phí và lợi ích đã tính được ở các thời điểm khác nhau về cùng một thời điểm để có thể so sánh. Các nhà kinh tế gọi đây là ‘giá trị hiện tại ròng’ (net present value). Các chuyên gia cũng cần tính đến các cách khác nữa mà tiền đầu tư có thể được sử dụng tốt hơn. Chính phủ có thể chọn cách gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi hay đầu tư vào một dự án khác có lợi nhuận cao hơn. Giới kinh tế gọi đây là ‘chi phí cơ hội của vốn’. Không có quy tắc vàng nào để lựa chọn lãi suất phù hợp – cũng được gọi là ‘tỉ lệ chiết khấu’, tuy nó thường tương ứng với mức người dân nhận được khi mua trái phiếu chính phủ. Trong bản phân tích về quyết định tiêu diệt lửng, chính phủ Anh chọn mức 3,5%. Tỉ lệ chiết khấu càng cao, lợi nhuận tương lai càng nhỏ. Có lo ngại rằng những người phản đối các dự án đầu tư lớn cố tình phóng đại tỉ lệ chiết khấu.

CBA đã là một phần không thể tách rời đối với các dự án lớn, do đó những hạn chế về phương pháp này cũng được nghiên cứu kĩ càng. CBA gặp khó trong việc định giá cho những thứ như chất lượng môi trường. Các nhà kinh tế khôn ngoan né tránh vấn đề này bằng cách tính ‘mức độ sẵn sàng chi trả’: số tiền người dân sẵn sàng chi để làm sạch không khí hoặc nguồn nước. Thêm vào đó không CBA nào giống nhau nên rất khó để so sánh các nghiên cứu khác nhau. Đôi khi các giả định cũng, nói một cách giảm nhẹ, là hơi ‘hoành tráng’. Một phân tích ban đầu về HS2 cho thấy mọi người thường không làm việc trên tàu, nên lợi ích sẽ tăng lên nếu thời gian di chuyển ngắn hơn. Ý tưởng này sau đó bị loại bỏ và sự tập trung dồn vào các lợi ích kinh tế cho miền bắc. Dù còn nhiều tranh cãi, CBA vẫn rất được ưa chuộng. Các chính phủ sẽ không phê duyệt dự án lớn nào nếu đề xuất chưa được phân tích CBA kỹ lưỡng.

Đăng Duy
The Economist

Tags: economics

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc