Vì sao Nga cấm rượu Moldova?

Cricova wine cellar. Photo courtesy Hans Põldoja.

Loại rượu này là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Moldova và được người Nga rất ưa chuộng. Nhưng kể từ tháng Chín vừa qua, Nga đã cấm nhập khẩu rượu Moldova và các loại rượu mạnh khác. Đây là ‘cú đấm’ nặng nề giáng vào nền kinh tế nghèo nhất châu Âu, chủ yếu dựa trên nông nghiệp và ngành công nghiệp đồ uống. Đây cũng là tin không vui đối với người tiêu dùng Nga, khi họ vốn đã quen thuộc với rượu Moldova từ thời nước này còn trong chế độ Cộng sản, khi Moldova là nơi đặt các hầm chứa rượu của Liên bang Xô viết. Vậy vì sao Nga lại cấm rượu Moldova?

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Nga cho hay rượu Moldova - chiếm 10% lượng rượu được tiêu thụ ở Nga – có hại vì nó bị phát hiện có chứa nhựa. Bộ trưởng Nông nghiệp Moldova phản bác rằng lượng nhựa tiêu chuẩn của Nga trong nước uống còn cao hơn trong rượu Moldova và tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu thậm chí còn cao hơn nữa. Song Nga vẫn không thay đổi quyết định (unmoved). Đây là lần thứ hai nước này trấn áp các vườn nho ở Moldova. Lần ban hành lệnh cấm năm 2006-2007, Nga nhập khẩu 60% lượng rượu Moldova. Kể từ đó, các nhà sản xuất rượu Moldova đã tìm đến những thị trường mới: khi lệnh cấm vận mới này được thực thi thì chỉ còn 29% lượng rượu Moldova xuất khẩu được nhập khẩu vào Nga. Tuy nhiên, chính phủ cho hay lệnh cấm này đã khiến Moldova mất 6,6 triệu đôla. Bà Ludmila Boiescu, chủ nhà máy rượu Chateau Vartely cho biết: thiệt hại nhất là các công ty đã xuất khẩu rượu nhưng chưa được thanh toán. Thông thường, 25% sản lượng của công ty này được xuất khẩu sang Nga, nhưng giờ đây họ đang tìm những nơi khác, chẳng hạn như Ba Lan, Kazakhstan hay Trung Hoa.

Nhiều người cho rằng lý do bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng nêu trên chỉ là cái cớ (spurious). Chắc chắn, nguyên nhân chính đằng sau là Hội nghị Thượng đỉnh tại Vilnius ở Lithuania dự kiến được tổ chức ngày 28-29/11/2013 mà Moldova dự định tham gia và ký các thỏa thuận với Liên minh châu Âu về cải cách chính trị và tự do thương mại. Các Hiệp ước này sẽ dần đưa Moldova hội nhập vào Liên minh và cùng với đó đảm bảo các loại rượu và nhiều sản phẩm xuất khẩu khác của Moldova sẽ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường các nước Châu Âu. Vấn đề nằm ở chỗ Nga không muốn Moldova ký những thỏa thuận trên mà thay vào đó muốn nước này cùng Belarus, Kazakhstan tham gia Liên minh Hải quan và cuối cùng là Cộng đồng Kinh tế Á- Âu do Moscow đứng đầu. Trong thời gian gần tới Hội nghị Thượng đỉnh Vilnius, Nga đã và đang lên tiếng đe dọa cắt nguồn khí đốt cho Moldova, đồng thời siết chặt việc kiểm tra lý lịch tư pháp của người Moldova làm việc tại Nga.

Các quan chức Nga không hề giấu diếm việc ban hành lệnh cấm nhập khẩu rượu Moldova như là biện pháp gây áp lực (arm-twisting) buộc Moldova không ký các thỏa thuận trên với Liên minh châu Âu. Cấm vận hàng hóa là một hình thức gây áp lực chính trị từ lâu ở Nga. Gần đây, rượu Georgia, các sản phẩm từ sữa của Lithuania và các loại hạt của Tajik đã bị (fall foul of) nhiều lệnh cấm (injunction) bất ngờ. Tháng Tám vừa qua, Nga cấm nhập khẩu sôcôla Roshen của Ukraine. Lệnh trừng phạt và đe dọa Ukraine nhiều đến mức Chính phủ nước này ngày 21/11/2013 phải tuyên bố sẽ không ký bất kì hiệp ước nào với Liên minh châu Âu tại Hội nghị Thượng đỉnh Vilnius. Quyết định quay ngoắt 180 độ (U-turn) nhằm ‘đảm bảo quốc phòng của Ukraine’, theo lời các quan chức nước này. Tiền lệ này khiến nhiều người lo ngại rằng Moldova có thể có phản ứng tương tự (follow suit). Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bất chấp lệnh cấm nhập khẩu rượu và sức ép khác, nhiều khả năng Moldova và Liên minh châu Âu sẽ vẫn nâng chén rượu mừng (clinking glasses) tại Vilnius.

Phương Thùy
The Economist


Tags: economics

4 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc